Thứ Tư ngày 2/7, một trận động đất mạnh 5,5 độ (theo thang đo JMA của Nhật Bản) đã xảy ra tại vùng biển gần quần đảo Tokara, thuộc tỉnh Kagoshima, Nhật Bản. Từ ngày 21/6 – 2/7, đã có hơn 900 trận động đất xảy ra trong vòng 12 ngày, gần gấp 3 lần so với các đợt địa chấn tương tự trước đây, khiến người dân vô cùng lo lắng.

Một trận động đất đã xảy ra tại tỉnh Kagoshima, Nhật Bản vào sáng sớm ngày 2/7. Động đất thường xuyên xảy ra ở khu vực này gần đây. (Ảnh chụp từ trang web của Cơ quan Khí tượng Nhật Bản www.data.jma.go.jp)

Đây là trận mới nhất trong chuỗi các trận động đất xảy ra tại khu vực này.

Theo thống kê của Cục Khí tượng Nhật Bản, tính đến chiều muộn ngày thứ Tư (2/7), đã ghi nhận tổng cộng 911 trận động đất. Trong đó, có 3 trận đạt cường độ 5 yếu (theo thang đo JMA của Nhật Bản), 18 trận đạt mức 4 (JMA), còn lại là mức 3 (JMA), 2 (JMA) và 1 (JMA). Trận động đất mạnh nhất xảy ra lúc 15:26 chiều thứ Tư (2/7), có cường độ 5,5 độ JMA.

Theo định nghĩa của cơ quan khí tượng, động đất cấp độ 5 yếu có thể khiến nhiều người cảm thấy hoảng sợ và phải bám vào vật gì đó để giữ thăng bằng.

Qua điện thoại, ông Isamu Sakamoto, người phụ trách cộng đồng địa phương trên đảo Akuseki, nói với tờ The Japan Times rằng ông lo ngại sẽ còn xảy ra các trận động đất mạnh hơn.

Ban đầu ông không nghĩ là mọi chuyện sẽ nghiêm trọng như vậy. Ông cho biết lúc đầu tưởng rằng sau trận động đất 5 yếu đầu tiên vào thứ Hai (30/6) thì mọi chuyện sẽ kết thúc, nhưng giờ ông tin rằng chuỗi địa chấn vẫn chưa dừng lại.

Ông kể, địa chấn không phải là theo chiều ngang, mà là theo chiều dọc, đầu tiên là một tiếng nổ lớn, sau đó mặt đất bắt đầu rung chuyển.

Sakamoto, người hiện đang điều hành một nhà trọ trên đảo, cho biết ông đã tạm thời đóng cửa cơ sở để đảm bảo an toàn.

Ông Masashi Kiyomoto, một quan chức của Cục Khí tượng phụ trách động đất và sóng thần, cho biết nguyên nhân dẫn đến chuỗi động đất này vẫn chưa rõ ràng.

Ông nói so với các đợt động đất cách đây 2 hoặc 4 năm, số lượng các trận động đất có thể cảm nhận được đã tăng gấp đôi. Nhưng thật không may, họ vẫn chưa biết nguyên nhân là gì, cũng như không thể biết điều gì sẽ xảy ra tiếp theo.

Ông Ayataka Ebita, Trưởng phòng Giám sát Động đất và Sóng thần, người đã tổ chức họp báo vào thứ Tư (2/7), nói rằng không thể dự đoán khi nào hoạt động địa chấn sẽ kết thúc. Ông cảnh báo người dân nên chuẩn bị sẵn sàng cho việc sơ tán, vì khu vực này có thể tiếp tục hứng chịu những trận động đất mạnh hơn.

Ông Ebita tin rằng tình trạng này khiến nhiều người mất ngủ.

Trước đó, vào lúc 4:32 sáng thứ Tư (2/7), một trận động đất có độ lớn 5.1 đã xảy ra ở quần đảo Tokara. Không có cảnh báo sóng thần được đưa ra. Cục Khí tượng Nhật Bản cho biết tâm chấn nằm ở độ sâu khoảng 16 km.

Ông Kiyomoto cho biết các trận động đất nông có độ sâu từ 10-20 km với cường độ lớn có nguy cơ gây ra sóng thần cao hơn và kêu gọi người dân cảnh giác.

Trước đây quần đảo Tokara cũng từng xảy ra các chuỗi động đất. Tháng 12/2021 nơi này ghi nhận 308 trận, còn tháng 9/2023 ghi nhận 346 trận. Trong đó, trận mạnh nhất vào tháng 12/2021 đạt cường độ 5 mạnh.

Các nhà địa chất học đang đặc biệt quan tâm đến khả năng những chuỗi dư chấn hiện nay là dấu hiệu cảnh báo một “siêu địa chấn” tại rãnh Nankai, một trong những vùng nguy hiểm nhất thế giới về động đất và sóng thần.

Theo ước tính của chính phủ Nhật Bản, có đến 82% khả năng xảy ra một trận đại địa chấn tại rãnh Nankai trong vòng 30 năm tới, với kịch bản tồi tệ nhất là hơn 300.000 người thiệt mạng.

Rãnh Nankai là nơi xảy ra quá trình hút chìm giữa mảng biển Philippines và mảng Á-Âu – một điều kiện địa chất lý tưởng để sản sinh các trận động đất cực mạnh.

Lịch sử cho thấy, trong 1.400 năm qua, khu vực này đã từng xảy ra nhiều trận động đất lớn theo chu kỳ 100-200 năm. Trận động đất lớn gần nhất ở đây là vào năm 1946, gây thiệt hại nghiêm trọng.

Bình Minh (t/h)