Ghi âm buồng lái làm rõ thêm nghi vấn vụ tai nạn máy bay của Air India
- Lý Ngôn
- •
Chuyến bay số hiệu AI-171 của Air India đã rơi chưa đầy 40 giây sau khi cất cánh từ Ahmedabad vào tháng Sáu, khiến 260 người thiệt mạng, trở thành một trong những vụ tai nạn hàng không ly kỳ nhất trong lịch sử Ấn Độ. Báo cáo điều tra sơ bộ mới nhất cho thấy, ngay sau khi máy bay rời mặt đất, cả 2 động cơ đều bị tắt cùng lúc, và bản ghi âm trong buồng lái càng khiến nguyên nhân vụ tai nạn thêm phần mơ hồ.
Báo cáo cho biết, chiếc máy bay Boeing 787 Dreamliner này chỉ vài giây sau khi cất cánh, cả 2 công tắc điều khiển nhiên liệu của động cơ đều bị chuyển sang vị trí “cut-off” (ngắt), khiến máy bay mất lực đẩy ngay lập tức. Hành động này thường chỉ được thực hiện sau khi máy bay đã hạ cánh, nên việc xảy ra trong giai đoạn cất cánh là cực kỳ bất thường.
Trong bản ghi âm buồng lái, một phi công hỏi người còn lại: “Tại sao anh lại cắt nhiên liệu?”, người kia đáp: “Không phải tôi.” Hiện vẫn chưa thể xác định được người nói là ai. Khi đó cơ phó đang điều khiển máy bay, còn cơ trưởng ở vị trí giám sát. Sau đó, 2 công tắc được chuyển lại về vị trí bình thường, hệ thống tự động khởi động lại động cơ, nhưng chỉ 1 động cơ bắt đầu phục hồi lực đẩy, không đủ để giữ độ cao của máy bay.
Cuối cùng, máy bay rơi và phát nổ do va chạm.
Các chuyên gia chỉ ra rằng loại công tắc điều khiển nhiên liệu này được thiết kế với nhiều cơ chế bảo vệ, bao gồm việc phải kéo lên để mở khóa và có lớp vỏ bảo vệ, gần như không thể bị chạm nhầm. Chuyên gia an toàn hàng không Hoa Kỳ Shawn Pruchnicki nói với BBC: “Nếu đây là hành vi do con người làm thì phải làm rõ tại sao lại tắt công tắc nhiên liệu? Nhưng trong bản ghi âm không có cuộc hội thoại nào cho thấy tình huống khẩn cấp, cũng không có dấu hiệu nhấn nhầm nút.”
Cựu Giám đốc điều hành Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia Hoa Kỳ (NTSB), ông Peter Goelz cũng nói: “Việc phi công tắt nhiên liệu vài giây sau khi cất cánh là điều cực kỳ đáng lo ngại. Ai làm việc đó, và tại sao lại làm, phải làm rõ.”
Báo cáo cũng nêu rõ, khi tai nạn xảy ra, “tua-bin không khí nạp động” (Ram Air Turbine – RAT) trên máy bay đã tự động bật ra, cho thấy hệ thống đã gặp sự cố nghiêm trọng. RAT là một máy phát điện dự phòng nhỏ, sẽ tự động triển khai khi cả 2 động cơ tắt hoặc hệ thống thủy lực gặp sự cố, nhằm duy trì chức năng điều khiển bay cơ bản.
Bộ bánh đáp cũng được phát hiện vẫn chưa được thu vào. Một phi công Boeing 787 cho biết, trong tình huống độ cao còn thấp và mất hoàn toàn lực đẩy, phi công có thể hoàn toàn không kịp thực hiện quy trình thu bánh, vì lúc đó cần tập trung vào việc tìm địa điểm hạ cánh khẩn cấp.
Ngoài ra, theo trích dẫn từ các điều tra viên, Cục Hàng không Liên bang Hoa Kỳ (FAA) đã từng phát đi cảnh báo an toàn vào năm 2018 đối với một số công tắc nhiên liệu của Boeing 737, cho rằng một số máy bay không kích hoạt chức năng khóa công tắc. Dù không ban hành lệnh bắt buộc sửa chữa, nhưng thiết kế tương tự cũng được sử dụng trên Boeing 787, và máy bay gặp nạn không thực hiện kiểm tra theo khuyến cáo. Liệu đây có phải là vấn đề thiết kế tiềm ẩn hay không vẫn cần được làm rõ.
Hiện nhóm điều tra vẫn chưa xác định được phi công nào đã thao tác công tắc nhiên liệu, và cũng chưa công bố đầy đủ nội dung ghi âm trong buồng lái. Các chuyên gia kêu gọi đối chiếu giọng nói và danh tính người nói, đồng thời nhấn mạnh cần đẩy nhanh việc lắp đặt hệ thống camera giám sát trong buồng lái để hỗ trợ điều tra trong tương lai.
Từ khóa Air India tai nạn máy bay Ấn Độ
