Hôm 5/12 vừa qua, Giám đốc Viện Y tế Quốc gia Mỹ (NIH), Tiến sĩ Francis Collins, đã lên tiếng cảnh báo rằng Omicron có thể không phải là biến thể “đáng lo ngại” cuối cùng. Ông cho biết rằng virus corona (gây bệnh COVID-19) dường như sẽ tiếp tục đột biến từ chủng gốc được phát hiện lần đầu tiên ở Vũ Hán, Trung Quốc.

Omicron
Giám đốc Viện Y tế Quốc gia Mỹ Francis Collins. (Ảnh: Chụp màn hình)

“Rất có khả năng đây không phải biến thể cuối cùng thu hút sự chú ý và gây ra mối lo ngại”, ông Collins cho hay, đồng thời suy đoán rằng Omicron đã phát triển ở một người bị suy giảm miễn dịch khi người này bị nhiễm một loại biến thể khác.

“Đây là biến thể có số lượng đột biến nhiều nhất mà chúng tôi từng chứng kiến cho đến nay. Nó có khoảng 50 đột biến so với chủng ban đầu ở Vũ Hán. Omicron dường như đã phát triển ở một người bị suy giảm miễn dịch không có khả năng chống lại virus. Đây chỉ là một giả thuyết, nhưng có vẻ hợp lý. Vậy nên, virus có thể đã tồn tại ở cơ thể người bị suy giảm miễn dịch trong vài tháng. Và trong khoảng thời gian đó, virus sẽ có thể tích tụ thêm các đột biến”, ông cho biết.

Giám đốc NIH nói thêm rằng kịch bản tương tự có thể sẽ xảy ra, qua đó dẫn đến sự xuất hiện của các biến thể khác. “Kịch bản này sẽ tiếp tục xảy ra nếu như người dân trên toàn cầu không có miễn dịch đầy đủ. Chúng ta có thể sẽ phải chứng kiến sự xuất hiện của các chủng biến thể mới, cùng với đó là việc tiếp sử dụng những chữ cái khác trong bảng chữ cái Hy Lạp để đặt tên cho các biến thể đó”.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã phân loại Omicron là một biến thể “đáng lo ngại”, mặc dù vẫn chưa có bằng chứng cho thấy nó gây bệnh nặng hơn, hoặc có khả năng kháng lại sự bảo vệ của các loại vắc-xin hiện có hay không.

Kể từ khi được phát hiện lần đầu ở Nam Phi, Omicron đã lây lan sang hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Theo New York Post,

Phan Anh

Xem thêm: