Gián điệp ĐCSTQ là nguy cơ nghiêm trọng nhất đối với cơ quan phản gián Mỹ
- Tiêu Nhiên
- •
Một báo cáo mới của Thượng viện Mỹ xác định hoạt động gián điệp nói chung và gián điệp mạng nói riêng cùng chiến dịch thông tin giả âm thầm gần đây của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), là nguy cơ nghiêm trọng nhất mà hoạt động phản gián Mỹ đang phải đối mặt.
The Washington Times đưa tin, báo cáo dài 152 trang về hoạt động gián điệp này của ĐCSTQ nêu ra một số cách mà ĐCSTQ thu thập bí mật và thông tin ở Mỹ, đồng thời chỉ ra những khiếm khuyết trong hoạt động phản gián của Mỹ, tuy nhiên báo cáo chưa đưa ra giải pháp rõ ràng.
Báo cáo lưu ý rằng các nhân viên tình báo và tin tặc từ các nước như Trung Quốc, Nga, Iran, Triều Tiên đang lấy bí mật và công nghệ từ các cơ quan Chính phủ Mỹ và khu vực tư nhân nhưng hầu như có rất ít ngăn chặn tốt từ các cơ quan phản gián Mỹ, trong đó mối đe dọa từ ĐCSTQ là vượt trội. Báo cáo nêu rõ “ĐCSTQ là ‘con tinh tinh to nặng 600 pound trong gian phòng’”.
Báo cáo được công bố vào cuối tháng Chín vừa qua tập trung vào Trung tâm Phản gián và An ninh Quốc gia Mỹ (NCSC) mới mở ra chưa lâu, trung tâm này được thiết kế như một phần của Văn phòng Giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ (DNI) để trở thành trung tâm ra quyết định chính về phản gián.
Liên quan về báo cáo, tại phiên điều trần trước Quốc hội Mỹ, một số thượng nghị sĩ và chuyên gia cho biết đạo luật gần nhất về năng lực phản gián của Mỹ ban hành năm 2002, chưa hoàn thiện trong việc giải quyết vấn đề về thu thập mạng lưới và công nghệ của các cơ quan tình báo nước ngoài.
Một gợi ý để cải thiện hoạt động phản gián của Mỹ là để NCSC trở thành một cơ quan độc lập tương tự như cơ quan tình báo MI-5 của Anh. Hiện nay, Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) chịu trách nhiệm tiến hành các hoạt động phản gián ở Mỹ, còn Cục Tình báo Trung ương (CIA) chịu trách nhiệm ứng phó với các mối đe dọa từ nước ngoài. Tuy nhiên nhiều thập niên qua, chính khác biệt về trách nhiệm giữa hai cơ quan chủ chốt này của Mỹ đã luôn bị các cơ quan gián điệp nước ngoài lợi dụng, mở ra khả năng đánh cắp những bí mật có tính nhạy cảm cao từ gần như mọi cơ quan an ninh quốc gia và quân đội Mỹ.
Nguy cơ từ ĐCSTQ
Báo cáo tường trình thủ đoạn gián điệp mạng kiểu mới của ĐCSTQ để thu thập thông tin tình báo, từ các phương pháp truyền thống (chẳng hạn như cài người vào các cơ quan tình báo và quốc phòng) đến mạng máy tính; mục tiêu nhắm liên quan đến an ninh quốc gia Mỹ gồm các cơ quan chính phủ, doanh nghiệp tư nhân và giới học thuật.
Các nhà nghiên cứu ở đại học liên quan nhiều lĩnh vực mà đặc biệt là công nghệ đã trở thành mục tiêu chủ chốt mà ĐCSTQ tận dụng.
Danh sách các mục tiêu trong hoạt động tình báo của ĐCSTQ phần lớn bị bôi đen trong báo cáo, trừ các nỗ lực xâm nhập vào cơ sở hạ tầng quan trọng như lưới điện và lĩnh vực tài chính của Mỹ.
Báo cáo cho biết thêm rằng các điệp viên, tin tặc và các tác nhân gây ảnh hưởng của ĐCSTQ “đã phát động chiến dịch toàn diện để phát triển hoặc mua lại các công nghệ thiết yếu”.
“Trước tiên ĐCSTQ tìm cách thay thế Mỹ trở thành một cường quốc khu vực ở Đông Á, và sau đó cuối cùng thay thế Mỹ trở thành bá chủ toàn cầu”, báo cáo viết.
Cuộc đối đầu của Mỹ với ĐCSTQ hiện nay có nhiều khác biệt với đối đầu cùng Liên Xô cũ thời Chiến tranh Lạnh (về quân sự và ý thức hệ): cạnh tranh hiện nay với ĐCSTQ diễn ra [toàn diện hơn] trên các lĩnh vực kinh tế, công nghệ, quân sự, ngoại giao và hệ tư tưởng.
Tiếp cận công nghệ là chìa khóa trong chiến lược và kế hoạch của ĐCSTQ, được coi là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và sức mạnh quốc gia.
Báo cáo cho biết các đối tượng mà ĐCSTQ tập trung thu thập thông tin tình báo gồm: trí tuệ nhân tạo, điện toán lượng tử, mạch tích hợp, gen và công nghệ sinh học, vật liệu mới cao cấp, năng lượng mới và phương tiện thông minh, sản xuất thông minh, động cơ hàng không và tuabin khí, vũ trụ, lòng đất, biển sâu, vùng cực.
Báo cáo cho biết: “Điều quan trọng cần nhấn mạnh là Trung Quốc là đất nước với nền chính trị độc tài, vấn đề khu biệt giữa khu vực công và khu vực tư nhân là rất mơ hồ. Hệ thống của Trung Quốc không phân biệt rạch ròi lĩnh vực dân sự và quân sự, ĐCSTQ thường thúc đẩy “hợp nhất” giữa hai bên trong các vấn đề, đặc biệt dễ thấy trong công nghệ và tài nguyên.”
Báo cáo cảnh báo chiến dịch gián điệp quy mô toàn diện của ĐCSTQ tận dụng mọi thủ đoạn từ hoạt động gián điệp bằng con người [trực tiếp] đến gián điệp mạng [gián tiếp] để xâm nhập vào các chính phủ, khu vực tư nhân và học viện.
Hiện FBI đang điều tra hơn 2.000 trường hợp đánh cắp thông tin và công nghệ của ĐCSTQ.
Báo cáo cho biết chỉ ra tình báo ĐCSTQ cũng đang sử dụng chiến tranh “vùng xám” (dưới mức xung đột vũ trang) đối với Mỹ.
Nguồn lực phi tình báo
Ngoài ra, ĐCSTQ cũng đang tận dụng các nguồn lực phi tình báo như các doanh nhân, sinh viên và các nhà nghiên cứu trong các phòng thí nghiệm của Mỹ.
Báo cáo cho biết “chương trình hack máy tính quy mô lớn đầy tinh vi” của ĐCSTQ là lớn nhất thế giới. Đội quân mạng của ĐCSTQ hoạt động ở mọi thành phố lớn của Mỹ, họ được tài trợ hậu hĩnh và có các công cụ hack tiên tiến.
NCSC coi việc chống lại các hoạt động gây ảnh hưởng của ĐCSTQ là một phần trong sứ mệnh phản gián của mình. Báo cáo trích dẫn minh chứng từ hệ thống Viện Khổng Tử của ĐCSTQ, cho biết chúng là công cụ của tình báo ĐCSTQ.
Báo cáo cũng chỉ rõ ĐCSTQ còn tìm cách khai thác những nghi ngờ của người Mỹ đối với các chính khách Mỹ để phá hoại nền dân chủ và nỗ lực quảng bá hình ảnh tích cực của Trung Quốc. ĐCSTQ cáo buộc rằng Mỹ tạo ra COVID-19 (viêm phổi Vũ Hán), qua đó lan truyền thông tin sai lệch COVID-19 và tăng cường các hoạt động nhằm định hình dư luận và ngăn chặn những lời chỉ trích về các chính sách đàn áp của ĐCSTQ đối với người Duy Ngô Nhĩ.
Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Rubio là Quyền Chủ tịch Ủy ban Tình báo Thượng viện Mỹ cảnh báo đã từ lâu ĐCSTQ chú ý tuyển dụng những người Mỹ trẻ ở độ tuổi ngoài 20 và sử dụng họ để thúc đẩy các chính sách và tuyên truyền ngôn luận tích cực về ĐCSTQ, đặc biệt chẳng hạn như trong các vấn đề về Đài Loan hoặc Tây Tạng.
Từ khóa Gián điệp ĐCSTQ Hacker Trung Quốc Hacker ĐCSTQ