Gián điệp TQ có thể lợi dụng Alibaba để xâm nhập vào sân bay lớn của EU
- Minh Ngọc
- •
Bộ trưởng Tư pháp Bỉ cho biết, gián điệp Trung Quốc có thể tiếp cận thông tin “nhạy cảm” ở Bỉ thông qua các khoản đầu tư vào Sân bay Liège của tập đoàn thương mại điện tử khổng lồ Alibaba thuộc sở hữu của Jack Ma.
Xuất hiện trước phiên điều trần của Ủy ban Tư pháp Hạ viện, Bộ trưởng Tư pháp Vincent Van Quickenborne nhấn mạnh rằng, “nhân viên tình báo Trung Quốc có thể tiếp cận các khu vực nhạy cảm và khu vực an ninh của sân bay”.
“Alibaba cũng sẽ phải tuân theo bộ máy an ninh của Trung Quốc trong trường hợp chính quyền nước này muốn truy cập vào dữ liệu thương mại và cá nhân nhạy cảm do Alibaba nắm giữ trong bối cảnh các hoạt động của công ty này ở Sân bay Liège,” Bộ trưởng nhận định với tờ báo địa phương 7sur7 hôm 7/5.
Ông Quickenborne đã tham khảo Luật Tình báo Quốc gia 2017 của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), trong đó quy định các công ty Trung Quốc phải cho phép chính quyền cộng sản truy cập vào dữ liệu của họ, bất kể công ty đó có hoạt động ở nước ngoài hay không. Chẳng hạn như Alibaba, công ty này đã sử dụng sân bay Liège làm trung tâm phân phối để vận chuyển hàng hóa khắp châu Âu.
Ông cũng xem xét kỹ Luật An ninh mạng năm 2016 ở Trung Quốc, và nhận thấy luật này trao quyền cho các đặc nhiệm tình báo Trung Quốc được “sao chép dữ liệu, bao gồm cả dữ liệu người dùng. Luật này áp dụng cho bất kỳ công ty nào cung cấp dịch vụ qua Internet, bao gồm cả Alibaba”.
Chính trị gia này còn tuyên bố, sân bay Liège có tầm quan trọng chiến lược quan trọng đối với ĐCSTQ. Ông khẳng định: “Mối quan tâm này không chỉ giới hạn ở mục đích tình báo và an ninh, mà có thể được xem xét trong phạm vi chính trị và khung kinh tế rộng lớn hơn.”
Ông cho rằng “không thể đánh giá thấp tầm quan trọng kinh tế trong tương lai của Sân bay Liège đối với Trung Quốc”, đồng thời giải thích, Bắc Kinh dự định xây thêm 215 sân bay mới vào năm 2035 để mở rộng phạm vi kinh tế toàn cầu.
Theo ông Quickenborne, nguy cơ về việc Trung Quốc cố tận dụng sức ép kinh tế của mình đối với các chính trị gia thông qua các dự án như Sân bay Liège “chắc chắn” là có tồn tại.
Tờ SCMP, tờ báo được Tập đoàn Alibaba mua lại vào năm 2016, đã báo cáo rằng sân bay ở Bỉ “là trung tâm Tây Âu của mạng lưới trung tâm logistic toàn cầu của Alibaba, được gọi là Nền tảng Thương mại Thế giới điện tử (eWTP)”. Tờ báo cho biết thêm, sân bay này đại diện cho một trong sáu trung tâm logistic toàn cầu do công ty Trung Quốc kiểu Amazon thành lập.
Ông Van Quickenborne còn nói, Liên minh châu Âu yêu cầu các quốc gia thành viên kiểm tra các khoản đầu tư nước ngoài, vốn có thể ảnh hưởng đến an ninh quốc gia hồi tháng 10 năm ngoái. Tuy nhiên, đến nay chính phủ Bỉ vẫn không tiến hành bất kỳ biện pháp nào như vậy.
Ông nhìn nhận, nước này hiện phải có hành động hoặc chấp nhận “rủi ro liên quan đến các khoản đầu tư lớn và việc các công ty Trung Quốc, mà rộng hơn nữa là các nhà chức trách Trung Quốc, chiếm vị trí thống lĩnh trên thị trường”.
Đáp lại, Đại sứ quán Trung Quốc tại Bỉ đã bác bỏ tuyên bố của Bộ trưởng Tư Pháp Bỉ, gọi đó là “cáo buộc vô căn cứ”, đồng thời khẳng định ĐCSTQ không “yêu cầu các doanh nghiệp Trung Quốc tham gia vào các hoạt động vi phạm luật pháp hoặc quy định địa phương”.
Đại sứ quán nhấn mạnh: “Trung Quốc không bao giờ đặt ra mối đe dọa đối với Bỉ. Sự hợp tác giữa hai quốc gia được xây dựng trên nền tảng tôn trọng lẫn nhau và mối quan hệ đôi bên cùng có lợi.”
Quyền lực mà chính quyền Trung Quốc nắm giữ đối với các tập đoàn trong nước đã được thể hiện đầy đủ khi ông Jack Ma, người sáng lập Tập đoàn Alibaba, biến mất một cách bí ẩn khỏi tầm mắt công chúng suốt nhiều tháng, sau khi ông chỉ trích nhà cầm quyền Trung Quốc hồi tháng 10 năm ngoái. .
Một số hãng truyền thông đưa tin, chính quyền Trung Quốc được cho là đã gây áp lực buộc ông Jack Ma phải giao dữ liệu người tiêu dùng cho chính phủ, làm tăng thêm nhiều suy đoán về bản chất thực sự trong vụ mất tích bí ẩn của ông.
Minh Ngọc (Theo Breitbart)
Xem thêm:
Từ khóa âm mưu gián điệp của Trung Quốc Sân bay Liège của Bỉ gián điệp Trung Quốc Alibaba