Giáo sư Harvard đối mặt thêm cáo buộc về mối quan hệ với đại học Trung Quốc
- Frank Fang
- •
Các công tố viên liên bang Hoa Kỳ đã buộc tội giáo sư hóa học Harvard Charles Lieber vào ngày 28/7 do không báo cáo về số tiền ông nhận từ một trường đại học tại Trung Quốc cho Sở Thuế vụ (IRS), cơ quan thu thuế của chính phủ.
Ông Charles Lieber 61 tuổi, cựu trưởng khoa Hóa và Hóa sinh của Đại học Harvard, đã bị bắt trong tháng 1 với cáo buộc nói dối về việc ông tham gia một chương trình tuyển dụng lao động do nhà nước Trung Quốc quản lý được gọi là kế hoạch “Ngàn nhân tài”.
Vào tháng 6, ông Lieber đã bị truy tố hai tội về khai báo sai với chính quyền liên bang.
Chương trình “Ngàn nhân tài” được Bắc Kinh triển khai vào năm 2008 nhằm tuyển dụng những nhà nghiên cứu công nghệ và khoa học triển vọng từ các nước đến làm việc tại Trung Quốc, với mục tiêu thống trị công nghệ toàn cầu.
Hôm 28/7, Bộ Tư pháp Hoa Kỳ cho biết ông Lieber đã bị bồi thẩm đoàn liên bang truy tố 2 tội về việc lập và đăng ký tờ khai thuế thu nhập sai và 2 tội về việc không nộp các báo báo về các ngân hàng nước ngoài và các tài khoản tài chính, được gọi là các báo cáo FBAR theo quy định của IRS.
Theo hồ sơ tòa án, ông Lieber đã bắt đầu làm việc cho Đại học công nghệ Vũ Hán (WUT), đặt tại tỉnh Hồ Bắc, miền trung Trung Quốc, với tư cách là “một nhà khoa học chiến lược” vào năm 2011. Ông cũng đã ký hợp đồng tham gia vào chương trình “Ngàn nhân tài” ít nhất từ năm 2012 đến 2017.
Theo hợp đồng ba năm trong chương trình nhân tài từ năm 2012 đến 2015, WUT đã trả cho ông Lieber mức lương 50.000 USD/tháng cùng với chi phí sinh hoạt lên đến 150.000 USD, theo các công tố viên. Ông cũng đã được trao 1,5 triệu USD để thiết lập một phòng nghiên cứu tại WUT.
Ngoài ra, các công tố viên đã chỉ ra rằng ông Lieber đã nói dối chính quyền liên bang về việc ông tham gia vào chương trình “Ngàn nhân tài” cũng như mối quan hệ của ông với WUT vào năm 2018 và 2019.
Ông Lieber đã không khai báo thu nhập của mình từ WUT và các chương trình tài năng trên tờ khai thuế thu nhập năm 2013 và 2014. Ngoài ra, ông không khai báo tài khoản ngân hàng của mình tại một ngân hàng Trung Quốc, nơi WUT thường gửi tiền lương của ông. Theo các công tố, ông Lieber đã mở tài khoản ngân hàng cùng với các quan chức WUT trong chuyến đi của ông đến Vũ Hán vào năm 2012.
Theo trang web của IRS, các cá nhân và công ty tại Hoa Kỳ cần phải nộp báo cáo FBAR khi tài khoản ngân hàng nước ngoài của họ có hơn 10.000 USD vào bất cứ lúc nào trong năm dương lịch được báo cáo.
Mặc dù được tài trợ bởi trường đại học Trung Quốc, nhưng ông Lieber vẫn nhận tài trợ liên bang từ Viện sức khỏe quốc gia (NIH), nơi yêu cầu người nhận tài trợ của mình phải báo cáo các hoạt động ở nước ngoài.
Theo tài liệu của tòa án ,ông Lieber, làm việc với tư cách nhà nghiên cứu chính của nhóm nghiên cứu Lieber tại Đại học Harvard, đã được trao hơn 15 triệu USD tiền tài trợ nghiên cứu từ NIH và Bộ Quốc phòng kể từ năm 2008.
Ông Lieber phải đối mặt với án phạt lên đến 3 năm tù và một khoản phạt 100.000 USD cho tội khai thuế thu nhập sai. Lời buộc tội thứ hai về việc không nộp báo cáo FBAR có thể bị phạt lên đến 5 năm tù và một khoản phạt 250.000 USD.
Kế hoạch “Ngàn nhân tài” và các chương trình tuyển dụng lao động tương tự khác của Trung Quốc đang được các quan chức Hoa Kỳ giám sát chặt chẽ trong những năm gần đây.
Hôm 7/7, ông Christopher Wray, giám đốc Cục điều tra liên bang (FBI), đã cảnh báo về động cơ của Trung Quốc trong một bài phát biểu tại Viện Hudson, một tổ chức tư vấn chính phủ đặt tại Washington.
“Thông qua các chương trình tuyển dụng tài năng của mình, giống như cái gọi là “chương trình Ngàn nhân tài”, chính phủ Trung Quốc đã cố gắng dụ dỗ các nhà khoa học bí mật mang kiến thức và các sáng chế của chúng ta đến Trung Quốc, ngay cả khi điều này có nghĩa là đánh cắp thông tin độc quyền hoặc vi phạm kiểm soát xuất khẩu và các quy tắc xung đột lợi ích,” ông Wray cho biết.
Vào tháng 5, một giáo sư của Đại học Arkansas đã bị buộc tội gian lận do không khai báo tài trợ từ chương trình “Một nghìn Tài năng” trong khi đang nhận tài trợ từ NASA. Cùng tháng đó, một cựu giáo sư của Đại học Emory đã bị kết án vì gian lận thuế liên quan đến các khoản thu nhập của ông khi tham giao vào cùng chương trình tài năng này.
Ông Wray nói thêm: “Nói một cách thẳng thắn, điều này có nghĩa những người đóng thuế ở Mỹ đang thanh toán chi phí cho việc phát triển công nghệ của chính Trung Quốc. Trung Quốc sau đó tận dụng lợi ích thu được bất chính của mình để làm suy yếu các viện nghiên cứu và các công ty Hoa Kỳ, làm giảm đi sự phát triển của quốc gia chúng ta và làm mất đi các công việc của người Mỹ.”
Frank Fang (Gia Huy biên dịch theo The Epoch Times)
Xem thêm:
Từ khóa Quan hệ Mỹ - Trung Kế hoạch ngàn nhân tài Dòng sự kiện Charles Lieber