Hạ viện bác quyền phủ quyết của TT Trump đối với Dự luật Quốc phòng
- Đức Thiện
- •
Ngày 28/12, Hạ viện Mỹ đã bỏ phiếu với kết quả áp đảo nhằm bác bỏ quyền phủ quyết của Tổng thống Donald Trump đối với dự thảo Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng (NDAA) năm 2021.
Cụ thể, Hạ viện đã bỏ phiếu với tỷ lệ 322 phiếu thuận và 87 phiếu chống, nhằm bác bỏ quyền phủ quyết của TT Trump đối với Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng (NDAA) năm 2021, trong đó có 109 thành viên Đảng Cộng hòa đồng thuận với phía Dân chủ.
Bước tiếp theo, dự luật sẽ được gửi tới Thượng viện để bỏ phiếu và nếu một kết quả ủng hộ áp đảo tái diễn, dự luật sẽ chính thức trở thành luật. Cuộc bỏ phiếu tại Thượng viện sẽ diễn ra ngay trong ngày 29/12.
Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng, bao gồm khoản chi cho các dự án quân sự và tăng lương cho quân đội, đã được Hạ viện thông qua vào ngày 8/12 với tỷ lệ 335–78, và sau đó được tiếp tục được Thượng viện bỏ phiếu thông qua vào ngày 11/12 với tỷ lệ 84–13.
Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng đã bị tổng thống phủ quyết vào ngày 23/12 vì nó không bao gồm việc bãi bỏ Điều 230 của Đạo luật về Chuẩn mực Truyền thông, một luật liên bang giúp bảo vệ trách nhiệm pháp lý cho các công ty truyền thông và công nghệ.
Trong tuyên bố phát đi hôm 23/12, ông Trump cho hay: “Thật không may, Đạo luật này không bao gồm các biện pháp an ninh quốc gia tối quan trọng, [nhưng lại có] những điều khoản không tôn trọng các cựu chiến binh và lịch sử quân đội ta, và đi ngược lại những nỗ lực của Chính phủ của tôi trong việc đặt nước Mỹ lên trên hết trong các hành động liên quan đến an ninh quốc gia và chính sách đối ngoại. Đó là ‘món quà’ cho Trung Quốc và Nga”.
Ngoài ra, TT Trump cũng lưu ý rằng Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng không ủng hộ phương án rút quân khỏi Afghanistan, Đức và Hàn Quốc của ông.
Ông cho biết: “Đây không chỉ là chính sách tồi mà còn vi hiến. Điều II của Hiến pháp quy định Tổng thống trở thành Tổng tư lệnh Lục quân và Hải quân Hoa Kỳ và nắm trong tay quyền hành pháp. Do đó, quyết định về việc triển khai bao nhiêu quân và ở đâu, bao gồm cả Afghanistan, Đức và Hàn Quốc, thuộc về ông. Quốc hội không được coi thường thẩm quyền này một cách trực tiếp hoặc gián tiếp như những hạn chế chi tiêu có chủ đích.”
Sau khi Tổng thống Trump đe dọa sẽ phủ quyết NDAA, Lãnh đạo Đa số Thượng viện Mitch McConnell (bang Kentucky) nói rằng ông đã chuẩn bị để bác bỏ phủ quyết của tổng thống.
Tính đến nay, Đạo luật NDAA đã trở thành luật 59 năm liên tiếp, gần như chắc chắn phải thông qua, bởi nó liên quan đến các khoản chi tiền lương cho các thành viên phục vụ trong quân đội, cũng như các dự án xây dựng quân sự và chương trình đào tạo quân sự của Mỹ.
Đức Thiện
Xem thêm:
Từ khóa Dòng sự kiện Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng Tổng thống Donald Trump Đạo luật NDAA Điều 230 quyền phủ quyết