Ngày 7/12 vừa qua, Hạ viện Mỹ đã thông qua một dự luật trong đó ưu tiên cung cấp nơi trú ẩn tạm thời cho người Hồng Kông tại Mỹ, trước bối cảnh Bắc Kinh tăng cường việc đàn áp những người biểu tình ủng hộ dân chủ.

hạ viện mỹ
(Ảnh minh họa: Jessica Girvan/ Shutterstock)

Cụ thể, bằng hình thức bỏ phiếu miệng (voice vote), Hạ viện Mỹ đã thông qua Đạo luật Tự do và Lựa chọn của Người dân Hồng Kông năm 2020 (Hong Kong People’s Freedom and Choice Act). Đạo luật sẽ cung cấp tình trạng bảo vệ tạm thời cho những cư dân Hồng Kông hiện đang ở Mỹ – những người lo sợ bị đàn áp nếu họ quay trở lại Hồng Kông. Quy định này cũng sẽ giúp đẩy nhanh quá trình xử lý các đơn xin tị nạn cho những người Hồng Kông chạy trốn khỏi cuộc đàn áp.

Dự luật này sẽ chờ Thượng viện Mỹ bỏ phiếu thông qua. Vấn đề này được đánh giá nhận được sự ủng hộ từ cả đảng Cộng hòa và Dân chủ.

Theo Dân biểu Tom Malinowski, một thành viên đảng Dân chủ, việc thông qua luật này sẽ gửi một thông điệp tới Bắc Kinh rằng: “Nếu các vị nghiền nát Hồng Kông, các vị sẽ mất đi những công dân tốt nhất và sáng giá nhất, những người có thể mang lại sức sống cho Hồng Kông – vì chúng tôi sẽ để họ đến Mỹ và giúp chúng tôi trở nên mạnh mẽ hơn.”

Chế độ cộng sản Trung Quốc đã làm xói mòn các quyền tự do của Hồng Kông kể từ khi họ áp đặt luật an ninh quốc gia hà khắc vào tháng 7/2020, trong đó trao quyền cho chính quyền thành phố trừng phạt những người mà Bắc Kinh cho là đã phạm các tội như ly khai và lật đổ quyền lực nhà nước.

Kể từ đó, rất nhiều các nhà hoạt động ủng hộ dân chủ và nhân vật truyền thông đã bị bắt giữ. Tuần trước, nhà hoạt động nổi tiếng Joshua Wong (Hoàng Chi Phong) đã bị kết án 13,5 tháng tù khi tham gia một cuộc biểu tình gần trụ sở cảnh sát vào năm 2019.

Hạ nghị sĩ French Hill cho biết: “Hôm nay khi ĐCSTQ thắt chặt sự kìm kẹp của mình đối với Hồng Kông, chúng ta phải mang đến sự ủng hộ vững chắc cho khát khao dân chủ của người dân Hồng Kông.”

Theo dự luật được đề xuất, Mỹ sẽ coi Hồng Kông tách biệt với Trung Quốc đại lục khi xét đến mục đích xin thị thực nhập cư có thời hạn 5 năm. Lập trường này đã bị chính quyền Tổng thống Donald Trump đảo ngược vào hồi đầu năm 2020 khi Tổng thống Trump quyết định bãi bỏ các ưu đãi đặc biệt dành cho Hồng Kông theo luật pháp Mỹ nhằm đáp trả các động thái của Bắc Kinh đối với thành phố này.

Dự luật cũng sẽ yêu cầu chính phủ phát triển một chiến lược với các đồng minh nhằm phối hợp các nỗ lực quốc tế trong việc cung cấp nơi ẩn náu cho những người Hồng Kông đang chạy trốn cuộc đàn áp.

Luật tương tự đã được đưa ra tại Thượng viện Mỹ vào hồi tháng 7/2020.

Đầu năm 2020, Anh đã đưa ra một lộ trình để giúp cho những cư dân Hồng Kông trở thành công dân Anh. Hồi tháng 11 vừa qua, Canada cũng công bố các biện pháp nhằm dỡ bỏ một số rào cản đối với các nhà hoạt động Hồng Kông xin tị nạn tại nước này.

Tuần trước, ông Ted Hui (Hứa Chí Phong), một nhà hoạt động ủng hộ dân chủ và cựu nghị sĩ, đã trốn sang Anh để xin tị nạn sau khi đến Đan Mạch dưới danh nghĩa tham dự một cuộc hội nghị về biến đổi khí hậu. Ông Hui bị buộc tội ở Hồng Kông với các tội hình sự liên quan đến việc tham gia vào các cuộc biểu tình năm 2019.

Vào tháng 8/2020, 12 nhà hoạt động Hồng Kông, trong độ tuổi từ 16 đến 33, đã bị cảnh sát Trung Quốc chặn lại khi họ cố gắng chạy trốn khỏi Hồng Kông đến Đài Loan bằng thuyền. Họ hiện đang bị giam giữ tại một trung tâm giam giữ ở thành phố biên giới Thâm Quyến thuộc Trung Quốc đại lục.

Hoàn cảnh của họ hiện đang khiến quốc tế lo ngại, bởi gia đình họ cho biết những người bị giam giữ đã bị từ chối tiếp cận với các luật sư độc lập. Họ cũng nghi ngờ rằng chính quyền Hồng Kông đã giúp đỡ trong việc bắt giữ của Trung Quốc.

Theo The Epoch Times,

Phan Anh

Xem thêm: