Hạ viện Mỹ thông qua dự luật chống mổ cướp tạng ở TQ, giết 60.000–100.000 người/năm
- Nhật Tân
- •
Ủy ban Đối ngoại Hạ viện đã bỏ phiếu hôm thứ Ba (28/2) thông qua dự luật xử phạt các cá nhân liên quan thu hoạch nội tạng từ các tù nhân lương tâm kéo dài nhiều thập kỷ của Trung Quốc, một hoạt động khủng khiếp mà các chuyên gia tin rằng đã mở rộng đáng kể sau khi thành lập các trại tập trung dành cho người Hồi giáo kể từ năm 2017, và hiện đang cướp đi mạng sống của 60.000–100.000 người mỗi năm, Breitbart đưa tin.
Dự luật, “Đạo luật Chấm dứt Mổ cướp Nội tạng Cưỡng bức năm 2023”, được soạn thảo bởi dân biểu Đảng Cộng hòa Chris Smith. Năm ngoái ông Smith đã tổ chức một phiên điều trần trong đó các chuyên gia về các chủ đề này trình bày chi tiết lời chứng của những người sống sót trong trại tập trung – những người thường quan sát các nạn nhân trung bình 28 tuổi của trại tập trung “biến mất lúc nửa đêm” sau khi kiểm tra y tế, được cho là bị giết để lấy nội tạng. Ngoài người Duy Ngô Nhĩ và những người Hồi giáo Turkic khác, nạn nhân của bộ máy trại tập trung ở Đông Turkistan bị chiếm đóng, thì các thành viên của phong trào khí công Pháp Luân Công từ những năm 2000 cũng đã cáo buộc Trung Quốc giết hại các thành viên của họ để bán nội tạng ra thị trường chợ đen.
“Dưới thời Tập Cận Bình và Đảng Cộng sản Trung Quốc, sự tàn ác của việc sát hại từ 60.000 đến 100.000 nạn nhân trẻ tuổi mỗi năm —độ tuổi trung bình là 28— để lấy nội tạng của họ là không thể tưởng tượng được,” ông Smith cho biết hôm thứ Tư trong một tuyên bố sau khi dự luật của ông được thông qua ở ủy ban.
Ủy ban Đối ngoại Hạ viện đã bỏ phiếu nhất trí gửi dự luật lên Hạ viện, nơi các thành viên có khả năng thông qua nó thành luật.
Dự luật này được cả hai đảng ủng hộ, yêu cầu Chính phủ Hoa Kỳ tham gia báo cáo về buôn bán và cấy ghép tạng, và xử phạt những cá nhân bị phát hiện tham gia hoạt động chợ đen cấy ghép tạng.
Các biện pháp trừng phạt khác nhau tùy thuộc vào quốc tịch của người liên quan: Bộ Ngoại giao có thể từ chối cấp hộ chiếu cho một người Mỹ bị kết tội vi phạm luật chống trộm cắp nội tạng, luật sẽ cho phép cấm những người nước ngoài có liên quan đến hành vi này ra khỏi đất Mỹ. Do các thỏa thuận lâu dài trước đó với Liên Hợp Quốc, luật này sẽ không ngăn cản một người nước ngoài có liên quan, chẳng hạn như quan chức Trung Quốc, đến thăm trụ sở Liên Hợp Quốc ở New York,
Dự luật, nếu trở thành luật, cũng sẽ “chặn và cấm tất cả các giao dịch về tài sản và quyền lợi đối với tài sản, đồng thời khiến người đó không thể nhập cảnh vào Hoa Kỳ và không đủ điều kiện để nhận thị thực,” theo văn phòng của ông Smith.
Nhiều năm điều tra của các nhà hoạt động nhân quyền, nhà báo và chuyên gia về nạn buôn người đã đưa ra rất nhiều bằng chứng cho thấy Đảng Cộng sản Trung Quốc đã biến các tù nhân lương tâm thành những người hiến tạng bất đắc dĩ kể từ những năm 1990.
Theo Enver Tohti, một bác sĩ phẫu thuật người Duy Ngô Nhĩ, người đã nhiều lần làm chứng về việc bị ép buộc mổ lấy nội tạng của ít nhất một tù nhân, thì hoạt động này có thể bắt đầu ở Đông Turkistan, trung tâm của người Duy Ngô Nhĩ, ít nhất là vào năm 1990. Ông Tohti khẳng định rằng, vào năm 1995, các quan chức cộng sản Trung Quốc đã buộc ông phải moi tim ra khỏi một người đàn ông, có vẻ như là một tù nhân, người vừa bị một vết đạn bắn vào đầu. Trái tim dường như vẫn còn đập khi ông lấy thận và gan của người đàn ông.
“Các bác sĩ phẫu thuật chính của tôi đã hài lòng khi đặt những nội tạng đó, một lá gan và hai quả thận, vào một chiếc hộp trông kỳ lạ,” ông Tohti từng nói ở Hạ viện Canada. “Sau đó, họ bảo: ‘Được rồi, bây giờ ông đưa nhóm của mình trở lại bệnh viện và nhớ rằng không có chuyện gì xảy ra hôm nay.’”
Những tiết lộ như vậy đã dẫn đến các cuộc điều tra đầu tiên về nạn thu hoạch tạng của Chính phủ Trung Quốc: “Thu hoạch đẫm máu” và “Cuộc tàn sát” của cựu nhà lập pháp Canada David Kilgour cùng luật sư nhân quyền David Matas, và nhà báo Ethan Gutmann.
Các điều tra đó cho thấy những tù nhân lương tâm —người Duy Ngô Nhĩ, học viên Pháp Luân Công, người Tây Tạng, và Cơ đốc giáo— nằm trong số những mục tiêu.
Ông Gutmann và ông Tohti đã làm chứng cho phiên điều trần của Hạ nghị sĩ Smith vào tháng 5 về tội cưỡng bức thu hoạch nội tạng, xác nhận rằng bằng chứng cho thấy hoạt động này vẫn đang tiếp diễn ở thời điểm hiện tại.
Ông Gutmann phân tích, “Nếu chúng ta giả định rằng tại bất kỳ thời điểm nào kể từ năm 2017, có khoảng một triệu người Duy Ngô Nhĩ, người Kazakhstan, người Kyrgyzstan và người Hui trong các trại, thì ước tính của tôi là 25.000 đến 50.000 người bị giam giữ trong trại đang bị thu hoạch hàng năm,” và “Những thanh niên 28 tuổi từ các trại Tân Cương [Đông Turkistan] về mặt lý thuyết có thể bị thu hoạch để lấy hai hoặc ba nội tạng, tương đương với tối thiểu 50.000 nội tạng hoặc tối đa là 150.000 nội tạng.”
Ông Gutmann kêu gọi phương Tây tránh xa hoạt động vô nhân đạo này của ĐCSTQ.
“Chúng ta cần xóa bỏ mọi liên hệ của phương Tây với ngành cấy ghép tạng của Trung Quốc Đại Lục,” Ông nói. “Không có bác sĩ phẫu thuật cấy ghép người Trung Quốc nào trong các tạp chí y khoa, trường đại học và hội nghị của chúng ta, cũng như đóng băng mọi hoạt động bán thiết bị phẫu thuật, phát triển dược phẩm và thử nghiệm ở Trung Quốc.”
Một nghiên cứu do Đại học Quốc gia Úc công bố năm ngoái đã bổ sung thêm bằng chứng cho thấy Trung Quốc sử dụng các tù nhân chính trị như những người hiến tặng bất đắc dĩ, và thêm bằng chứng mới cho thấy hành vi mổ cướp tạng được dùng như một hình thức xử tử tù nhân.
“Người đứng đầu ngành cấy ghép tạng của Trung Quốc đã viết vào năm 2007 rằng 95% tổng số ca ghép tạng là từ các tù nhân,” trích trong nghiên cứu. Trong đó chỉ ra tình trạng chết não trong hồ sơ người hiến tạng là không hợp lý, “vì thực tế là người hiến tạng không phải do bị chết não trước khi thu hoạch tạng, cho nên việc tuyên bố chết não không thể hợp lý về mặt y tế.”
“Trong những trường hợp ấy, nguyên nhân tử vong phải được ghi là do bác sĩ phẫu thuật lấy nội tạng gây ra,” các nhà điều tra kết luận. “Nếu các báo cáo mà chúng tôi kiểm tra là chính xác, thì việc thu hoạch tim và phổi của bác sĩ phẫu thuật mới là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến cái chết của tù nhân, nghĩa là có quan hệ trực tiếp giữa bác sĩ phẫu thuật và hoạt động hành quyết.”
Nhật Tân
Từ khóa Người Duy Ngô Nhĩ Dòng sự kiện nhân quyền Trung Quốc Pháp Luân Công Mổ cướp nội tạng Thu hoạch nội tạng Cấy ghép tạng Cấy ghép nội tạng