Hàn Quốc có thể đánh bại Bắc Hàn nếu không có Mỹ trợ giúp hay không?
- Xuân Thành
- •
Căng thăng trên báo đảo Triều Tiên đang dâng cao hơn bao giờ hết sau khi Bắc Hàn tiến hành vụ thử hạt nhân lần 6 thành công hôm (3/9). Bóng ma chiến tranh đang bao phủ Đông Bắc Á và cũng là lúc ngoại giới đưa ra những nhận định về thực lực quân sự của hai miền Nam, Bắc. Câu hỏi đặt ra là nếu không có Mỹ trợ giúp, liệu một nước giàu có như Hàn Quốc có đủ tiềm lực quân sự để đánh bại quốc gia nghèo nàn Bắc Hàn?
Quân đội Hàn Quốc tập trận bắn đạn thật gần biên giới Bắc Triều Tiên hôm 6/9
Kể từ sau Hiệp định đình chiến Triều Tiên năm 1953, quân đội Hoa Kỳ tiếp tục duy trì một lực lượng đáng kể trên bán đảo Triều Tiên để bảo vệ an ninh cho Hàn Quốc. Thời điểm hiện tại, tức đã hơn 6 thập kỷ sau chiến tranh Triều Tiên, Hoa Kỳ vẫn đang đồn trú khoảng hơn 28.500 lính tại Hàn Quốc để bảo vệ Seoul trước mối đe dọa Bình Nhưỡng. Quyền chỉ huy quân đội trong thời chiến vẫn đang thuộc về quân lực Hoa Kỳ theo Hiệp ước an ninh chũng Mỹ – Hàn. Tuy nhiên, nhìn chung lực lượng Hàn Quốc với quân đội được đào tạo tốt và vũ trang hiện đại vẫn đang là lực lượng chủ chốt đảm bảo an ninh quốc gia.
Lực lượng quân đội Cộng hòa Triều Tiên – tên chính thức của Hàn Quốc (ROKAF) đang có biên chế khoảng 630.000 quân cùng nhiều trang thiết bị quân sự tiên tiến. Do đó, ROKAF rất tự tin có thể chủ động đảm bảo an ninh quốc gia và thậm chí vào tháng 12/2015, ROKAF đã đề nghị Hoa Kỳ trao lại quyền chỉ huy quân đội thời chiến cho mình. Hoa Kỳ đồng ý kế hoạch chuyển giao này, nhưng sẽ trì hoãn tới khoảng giữa những năm 2020.
Quân đội Hoa Kỳ cũng hoãn việc rút quân đội trực chiến khỏi vùng biên giới với miền Bắc. Điều này có nghĩa rằng Quân đội Mỹ sẽ tiếp tục duy trì Lữ đoàn pháo binh 210 và Hệ thống Phóng Tên lửa M270A1 (MLRS) tại căn cứ Casey ở tỉnh Dongducheon, phía bắc Seoul. Trận địa pháo này là một phần của hệ thống phòng thủ của Bộ Tư lệnh Lực lượng Kép chống lại hệ thống pháo binh dày đặc của Bắc Hàn cắm chốt ở khu vực biên giới và được cho là có thể biến các thành phố Hàn Quốc thành đống đổ nát chỉ trong vài giờ.
Nếu tình hình căng thẳng hiện nay trên bán đảo Triều Tiên tiến triển thành một cuộc xung đột vũ trang mới, Seoul có thể sẽ bị tàn phá nặng nề. Tuy nhiên, ngoài việc Thủ đô sẽ gặp tổn thất lớn, ROKAF hoàn toàn có thể đánh bại được Quân đội Nhân dân Triều Tiên trong bất kỳ một trận chiến nào không phải là chiến tranh hạt nhân hoặc có sự can thiệp của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc. Nếu có chiến tranh hạt nhân hoặc Trung Quốc trực tiếp giúp miền Bắc, quân đội Hoa Kỳ chắc chắn sẽ tham chiến cùng Hàn Quốc với những trang thiết bị tối tân nhất.
Quân đội Nhân dân Triều Tiên (KPA) với biên chế đông đảo khoảng hơn 1 triệu lính, nhưng chủ yếu được huấn luyện và trang bị vũ trang của Liên Xô (cũ) từ những năm 1950 và 1960. Xét tổng thể KPA hoàn toàn bất lợi so với ROKAF trong một cuộc chiến tổng lực thông thường. Ưu thế duy nhất của quân đội miền Bắc là số lượng binh sĩ đông đảo.
Bộ phận nguy hiểm nhất của KPA là Lực lượng Bộ binh Quân đội Nhân dân Triều Tiên (KPAGF) với hàng ngàn xe tăng và pháo binh. Loại tiên tiến nhất của Bắc Triều Tiên là chiếc P’okpung-ho. Bắc Hàn khả năng đang sở hữu khoảng 500 chiếc P’okpung-ho. Tuy nhiên, các chuyên gia quân sự nhận định rằng mẫu tăng này là phiên bản thiết kế kém của mẫu T-62 của Liên Xô (với các bộ phận được lấy từ T-72 và các loại tăng khác của Trung Quốc). Ngoài ra, trong biên chế của binh đoàn tăng đồ sộ của miền Bắc còn có các loại tăng cũ như T-55, T-62 của Liên Xô, và các mẫu copy do Bắc Hàn tự sản xuất hoặc nhập từ Trung Quốc.
Có thể thấy rằng không có mẫu tăng nào của miền Bắc có thể sánh được với các mẫu tăng hiện đại trong biên chế của Bộ binh Quân đội Cộng hòa Triều Tiên (ROKA). ROKA có gần 1.600 xe tăng chiến đấu với các mẫu hiện đại được sản xuất trong nước như K1, K1A1 và K1A2, phiên bản mới nhất là K2 Black Panther (Báo đen K2). Với chất lượng vũ trang và đào tạo hiện đại, ROKA hoàn toàn có thể tạo ra các chiến thắng áp đảo như Chiến dịch Bão Sa mạc mà quân lực Mỹ đổ bộ vào vùng Vịnh năm 1991. Nếu chất lượng là chưa đủ, ROKA cũng có lợi thế về số lượng tăng khi họ cũng có gần trăm chiến tăng T-80U của Nga và hàng ngàn các mẫu cũ hơn nhưng đã được cải tiến như M48 Pattons.
Không lực Hàn Quốc lại là một ví khác khác cho thấy sự vượt trội hoàn toàn về chất lượng chiến đấu cơ so với Bắc Triều Tiên. Những chiếc máy bay tiên tiến nhất trong Không quân Quân đội Nhân dân Triều Tiên (KPAAF) chỉ là đội bay gồm ba mươi lăm chiếc MiG-29 của Liên Xô, vốn chỉ có ưu thế khi bay trên không đủ lâu, trong khi lại dễ bị bắn hạ. Ngoài ra, KPAAF được biên chế chủ yếu các bản sao của MiG-17, MiG-19 và MiG-21. Công nghệ lạc hậu và số giờ bay huấn luyện ít là điểm yếu rất lớn của không lực miền Bắc.
Trong khi đó, với ưu thế công nghệ vượt trội và được đào tạo tốt, các phi đội chiến đấu cơ F-16C/D, F-15K, FA-50 và F-35 của ROKAF hoàn toàn có thể tiêu diệt những máy bay lạc hậu của Bắc Hàn. Lợi thế quan trọng nhất của không lực miền Nam là phi công của họ được bay diễn tập thường xuyên hơn với các cuộc tập trận bắn đạn thật nhiều lần trong năm.
Điều duy nhất đáng lưu tâm tại miền Bắc là thế trận phòng không dày đặc của nước này, tương tự như lực lượng mà Iraq triển khai trước Chiến dịch Bão Sa mạc năm 1991. Mặc dù phần lớn hệ thống tên lửa đất đối không của KPA là vũ khí cũ kỹ, nhưng các loại tên lửa phòng không này có thể gây vấn đề lớn cho hoạt động không quân của miền Nam cho đến khi chúng bị phá hủy. Hầu hết vũ khí phòng không của Bình Nhưỡng đều sử dụng các loại tên lửa cũ như S-75 Dvina (SA-2 Guideline), S-125 Neva (SA-3 Goa) và S-200 Angara (SA-5 Gammon), được cho là tương đối đơn giản để vô hiệu hóa. Tuy nhiên, có một số báo cáo chưa được xác nhận cho rằng Bắc Triều Tiên có thể đã có được bản sao thiết kế của hệ thống tên lửa S-300 và 9K37 Buk của Nga, vốn rất mạnh mẽ và rất khó có thể bị phá hủy. Dù vậy, đó chỉ là đồn đoán và rất ít khả năng miền Bắc đã sở hữu loại vũ khí lợi hại này.
Khách quan mà nói, không phải tất cả lợi thế đều ở trong tay Hàn Quốc. Bắc Hàn với trận địa pháo dày đặc và tên lửa đạn đạo đã qua kiểm chứng sẽ hoàn toàn có thể gây nhiều tổn thất cho miền Nam. Hiện tại, Hàn Quốc chưa đầu tư đủ mạnh vào hệ thống đánh chặn các tên lửa đạn đảo của miền Bắc. Seoul mới chỉ mua một số ít tên lửa Patriot, một số được nâng cấp lên tiêu chuẩn PAC-3, nhưng loại này là không đủ để chống lại tên lửa của Bắc Hàn. Seoul cần phải trang bị nhiều PAC-3 hơn và nên nhanh chóng hoàn thiện và bổ sung thêm Hệ thống Phòng thủ Tên lửa Tầm cao Giai đoạn cuối (THAAD) để có thể bảo vệ đất nước toàn diện hơn.
Tóm lại, với thực lực quân sự của hai bên hiện nay, nếu xảy ra một cuộc chiến tranh thông thường, Hàn Quốc sẽ có thể chủ động và tự lực giải quyết được một cuộc xâm lược từ miền Bắc, chắc chắn họ sẽ không bị thất thế hoàn toàn như năm 1950 khi bị quân miền Bắc chiếm nhanh gọn gần hết miền Nam chỉ trong vài tuần khai hỏa. Tất nhiên, đất nước Hàn Quốc khi đó vẫn sẽ bị thiệt hại nghiêm trọng trong cuộc đối đầu như vậy, nhưng ROKAF bây giờ đã đủ mạnh để đánh bại KPA mà không cần sự hỗ trợ từ bên ngoài.
Tuy nhiên, nếu cuộc chiến này vượt khỏi cuộc xung đột vũ trang thông thường, leo thang thành cuộc chiến tranh hạt nhân hoặc Trung Quốc trực tiếp tham gia giúp đỡ quân đội miền Bắc, chắc chắn Hàn Quốc sẽ không từ chối sự giúp đỡ của quân đội Hoa Kỳ. Khi đó, tình thế tại Đông Bắc Á lại là một câu chuyện hoàn toàn khác, không loại trừ khả năng sẽ dẫn tới Thế chiến III.
Theo Dave Majumdar (Nationalinterest)
Xuân Thành dịch
Xem thêm:
Từ khóa Bắc Triều Tiên Hàn Quốc căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên