Hàng ngàn người chạy trốn khi nỗ lực ngừng bắn mới thất bại ở Sudan
- Xuân Lan
- •
Cư dân Khartoum phải vật lộn với tình trạng mất điện, thiếu nước khi giao tranh ác liệt trong ngày thứ năm.
Một nỗ lực ngừng bắn mới giữa quân đội Sudan và lực lượng bán quân sự ở thủ đô Khartoum cho đến nay đã không thành công, làm gia tăng mối lo ngại về việc nguồn cung lương thực đang giảm dần và sự thiếu hụt của các dịch vụ y tế thiết yếu.
Lệnh ngừng bắn kéo dài 24 giờ – được vận động bởi các quốc gia đang cố gắng sơ tán công dân của họ sau nhiều ngày xung đột – được cho là sẽ có hiệu lực vào lúc 6 giờ chiều giờ địa phương (16:00 GMT). Tuy nhiên, các nhân chứng ở Khartoum cho biết giao tranh vẫn tiếp diễn vào thứ Tư.
Trước đó trong ngày, người ta có thể nghe thấy tiếng súng nổ liên tục ở trung tâm Khartoum xung quanh khu nhà đặt trụ sở quân đội – nơi nhà lãnh đạo quân sự của Sudan, Tướng Abdel Fattah al-Burhan, cho biết ông đã ở vào đầu tuần. Không rõ liệu ông có còn ở đó không.
“Các lực lượng vũ trang đang đáp trả một cuộc tấn công mới ở khu vực lân cận Bộ Tổng tư lệnh,” một tuyên bố của quân đội cho biết.
Một cuộc đấu súng ác liệt khác đã diễn ra ở khu phố Jabra phía tây Khartoum, nơi có nhà của thủ lĩnh bán quân sự, Tướng Mohamed Hamdan Dagalo, được biết đến rộng rãi với tên Hemedti, và gia đình ông, hãng Reuters đưa tin.
Vị trí của ông Hemedti không được tiết lộ kể từ khi giao tranh bắt đầu vào thứ Bảy.
Các vụ nổ cũng vang lên từ sân bay chính của thành phố, vốn đã ngừng hoạt động sau khi xung đột nổ ra do tranh giành quyền lực giữa hai ông al-Burhan và Hemedti về kế hoạch hợp nhất Lực lượng Hỗ trợ Nhanh (RSF) của Hemedti vào quân đội chính quy.
Khói dày bốc lên bầu trời và đường phố thủ đô, một trong những thành phố lớn nhất châu Phi với khoảng 5,5 triệu dân. Thành phố đã hầu như vắng bóng người.
Người dân hiện phải cố thủ trong nhà, trong khi đối mặt với tình trạng mất điện và lo lắng về nguồn cung cấp thực phẩm sẽ kéo dài bao lâu.
Martin Griffiths, phó Tổng thư ký Liên Hợp Quốc phụ trách các vấn đề nhân đạo và điều phối viên cứu trợ khẩn cấp, cho biết cuộc giao tranh đã “đóng cửa hoàn toàn” công việc của cơ quan thế giới tại quốc gia này.
Bộ Y tế Sudan ước tính ít nhất 270 người đã chết và 2.600 người bị thương. 9 bệnh viện đã bị trúng đạn pháo và 16 bệnh viện phải sơ tán, Hiệp hội Bác sĩ Sudan cho biết, không có bệnh viện nào hoạt động hoàn toàn bên trong thủ đô.
“Các bệnh viện đã hoàn toàn sụp đổ, không có tất cả các nhu yếu phẩm. Đó [giống như] là quá khứ thảm khốc…”, người phát ngôn của Trăng lưỡi liềm đỏ Sudan Osama Othman cho biết.
Ông Al-Burhan đứng đầu một hội đồng cầm quyền được thành lập sau cuộc đảo chính quân sự năm 2021, bao gồm việc loại bỏ nhà lãnh đạo kỳ cựu Omar al-Bashir vào năm 2019; trong khi ông Hemedti, người mà các nhà phân tích cho rằng có thể chỉ huy hơn 100.000 chiến binh, là cấp phó của ông trong hội đồng.
Cuộc xung đột của họ đã làm tiêu tan hy vọng tiến tới dân chủ ở Sudan, có nguy cơ lôi kéo các nước láng giềng can dự và có thể dẫn đến sự cạnh tranh trong khu vực giữa Nga và Hoa Kỳ. Sudan nằm ở vị trí chiến lược giữa Ai Cập, Ả Rập Xê Út, Ethiopia và khu vực Sahel đầy biến động của Châu Phi.
Bộ trưởng Quốc phòng Chad cho biết các lực lượng vũ trang của Chad đã tước vũ khí của 320 binh sĩ Sudan đã tiến vào lãnh thổ của nước này hôm thứ Hai, đồng thời cho biết thêm rằng Chad không muốn tham gia vào cuộc xung đột.
“Ngày nay, hàng ngàn người tị nạn đang băng qua biên giới của chúng tôi để tìm kiếm sự bảo vệ. Chúng tôi không có lựa chọn nào khác ngoài chào đón và bảo vệ họ”, Bộ trưởng Quốc phòng Daoud Yaya Brahim nói. Những người khác từ Khartoum tiến về phía nam Sudan, nơi hiện chưa xảy ra giao tranh.
Quân đội kiểm soát việc tiếp cận Khartoum và dường như đang cố gắng cắt đứt các tuyến đường tiếp tế cho các chiến binh RSF. Theo các nhân chứng và người dân, quân tiếp viện đã được đưa đến từ gần biên giới phía đông với Ethiopia.
RSF cho biết quân đội đã sử dụng pháo hạng nặng bắn vào các ngôi nhà ở Jabra, vi phạm luật pháp quốc tế. Một trung tâm điều phối của RSF đã được thành lập để giúp đỡ người dân ở các khu vực của thủ đô mà họ kiểm soát, RSF nói.
Các cường quốc nước ngoài đã thúc đẩy một lệnh ngừng bắn để cho phép sơ tán công dân họ và vận chuyển hàng tiếp tế, nhưng mặc dù các thỏa thuận ngừng bắn đã được hai bên công bố vào cả thứ Ba và thứ Tư, cả hai đều không được thực hiện.
Với những chiếc máy bay cháy âm ỉ trên đường băng của Sân bay Quốc tế Khartoum, việc sơ tán lúc này có vẻ khó khăn.
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết không có kế hoạch sơ tán do chính phủ Hoa Kỳ điều phối. Thổ Nhĩ Kỳ cũng cho biết họ hiện không thể sơ tán.
Tạp chí Der Spiegel dẫn các nguồn tin giấu tên cho biết, Đức đã tạm dừng sứ mệnh đưa khoảng 150 công dân ra nước ngoài trên ba máy bay vận tải A400M của Luftwaffe vào thứ Tư.
Khi được hỏi về báo cáo, Bộ Ngoại giao Đức cho biết tất cả các lựa chọn đang được đánh giá.
Chánh văn phòng nội các Nhật Bản cho biết các nhà chức trách đang lên kế hoạch sử dụng máy bay của Lực lượng Phòng vệ quân sự để sơ tán khoảng 60 công dân Nhật Bản.
Người phát ngôn Liên Hợp Quốc Stephane Dujarric nói với các phóng viên rằng Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres sẽ thảo luận về tình hình vào thứ Năm với những người đứng đầu Liên minh châu Phi, Liên đoàn Ả Rập và các tổ chức liên quan khác.
“Người dân ở Sudan đang cạn kiệt lương thực, nhiên liệu và các nguồn cung cấp thiết yếu khác. Nhiều người cần được chăm sóc y tế khẩn cấp,” Dujarric nói.
Liên Hợp Quốc cho biết các tay súng đã nhắm mục tiêu vào các bệnh viện và nhân viên nhân đạo, với các báo cáo về bạo lực tình dục đối với nhân viên cứu trợ.
Hầu hết các bệnh viện đều ngừng hoạt động và tổ chức từ thiện y tế Bác sĩ không biên giới (Medecins Sans Frontieres, hay MSF) cho biết những người có vũ trang đã đột kích vào một nhà kho cung cấp vật tư mà tổ chức này hoạt động ở phía tây đất nước.
Ngay cả trước cuộc xung đột, khoảng một phần tư dân số Sudan đang phải đối mặt với nạn đói trầm trọng. Chương trình Lương thực Thế giới đã tạm dừng một trong những hoạt động viện trợ toàn cầu lớn nhất tại nước này vào thứ Bảy sau khi ba công nhân của họ thiệt mạng.
Từ khóa xung đột ở Sudan