Hiểu thế nào mới đúng về ‘công bằng xã hội’?
- Minh Khuê
- •
Nếu “công bằng xã hội” là một khái niệm mơ hồ, là một loại ý thức hệ, là thứ cung cấp vỏ bọc cho phe cánh tả cấp tiến để họ có thể vận động các chính sách, khiến cho nền kinh tế và đời sống xã hội bị chính quyền kiểm soát chặt chẽ hơn; thì tại sao lại không loại bỏ nó hoàn toàn như rất nhiều người đã đề nghị? Hiện nay, cả những người thuộc phe bảo thủ hay những người theo chủ nghĩa tự do đều có khuynh hướng sử dụng khái niệm “công bằng xã hội” một cách tùy tiện để gây chú ý.
Gia đình là cái nôi để nuôi dưỡng đức hạnh công bằng xã hội.
Nhưng ngoài việc chấp nhận tất cả những lời chỉ trích rằng công bằng xã hội chẳng qua chỉ là một khái niệm bị chính trị hóa; liệu chúng ta có cần hiểu khái niệm “công bằng” ấy theo nghĩa gốc của nó, trên nền tảng đức hạnh không?
Khi học giả bảo thủ người Ý Fr. Luigi Taparelli sử dụng thuật ngữ này, ông có ý nói đến đức tính của cá nhân. Đó không phải là sự bình đẳng hay phân phối lại của cải bằng quyền lực nhà nước. Công bằng xã hội là một phần của đức tính chính nghĩa căn bản, là vấn đề thuộc về thói quen và mong muốn cho đi, là việc chúng ta trao cho người khác điều mà họ xứng đáng được hưởng.
Trong cuốn sách cuối cùng của Michael Novak (mà tôi đồng tác giả), “Công bằng xã hội không phải là điều bạn nghĩ,” Novak đã khám phá lý thuyết và lịch sử công bằng xã hội, được hiểu một cách đúng đắn, và chúng tôi đã cung cấp nhiều thông tin ứng dụng thực tế của nó trong các vấn đề về tín ngưỡng, hôn nhân, nghèo đói, từ thiện, và các chức nghiệp giúp đỡ như công tác xã hội.
Lợi ích chung
Công bằng xã hội có thể được hiểu là đức tính cá nhân, điều câu thúc các cá nhân làm việc với nhau vì lợi ích chung. “Công bằng xã hội” là sự “công bằng” khi giúp các cá nhân trong xã hội có được đức hạnh “cho người khác cái mà người khác đáng được hưởng”, và nó là “xã hội” theo nghĩa kép.
Trước tiên, công bằng xã hội nhắm vào lợi ích chung thay vì là lợi ích của một cá nhân cụ thể, nó không phải là thứ để ai đó đòi hỏi vì họ cảm thấy bất công. Nó không phải là việc thanh toán khoản nợ của một ai đó.
Thứ hai, công bằng xã hội liên quan đến việc tham gia với những người khác để đạt được một mục đích chung mà các cá nhân không thể đạt được một mình. Đó là đức tính của những người Mỹ mà nhà ngoại giao và tư tưởng chính trị người Pháp Alexis Tocqueville đã rất ngưỡng mộ khi ông gặp họ vào nửa đầu thế kỷ 19.
Đó là đức tính về sự đoàn kết, đức tính tuyệt vời của xã hội dân sự. Ông Tocqueville đã so sánh về cách người Mỹ và người Pháp giải quyết vấn đề khi cần một cây cầu hoặc nhà thờ trong thị trấn của mình. Với người Mỹ, họ sẽ tham gia cùng nhau để xây dựng nó, trong khi người Pháp sẽ tìm cách yêu cầu nhà nước thực hiện công việc này.
Theo cách hiểu này, công bằng xã hội không phải là vấn đề yêu cầu nhà nước phải cung cấp tiền bạc, hàng hóa và dịch vụ, mặc dù người ta vẫn có thể sử dụng tiền bạc, hàng hóa và dịch vụ của nhà nước. Công bằng xã hội không phải là vấn đề đòi hỏi nhà nước phải hành động chống lại xã hội dân sự hay gia đình, cũng không phải là vấn đề yêu cầu nhà nước thực hiện các biện pháp nào đó đối với việc giáo dục ở gia đình, đối với công việc ngoài xã hội, hay đối với các vấn đề trong nhà trường. (Ví dụ các chính sách cấm phụ huynh giáo dục con cái bằng đòn roi, hay ép buộc phải trả bảo hiểm quá cao cho người lao động, hay yêu cầu nhà trường không được phép dạy kinh Thánh nhưng phải dạy thuyết tiến hóa, v.v.. Đó đều là sự can thiệp quá sâu của nhà nước – người dịch)
Đó là đức tính mà công dân trong một nền dân chủ cộng hòa cần có, tương phản với bản tính thụ động hơn của người dân sống trong xã hội lãnh chúa hoặc chuyên chế.
Sự thụ động mà Michael Novak đã đề cập tới khi nói về tổ tiên của ông trong thời kỳ lãnh chúa tại Slovakia: “Tổ tiên của tôi được dạy để chấp nhận số phận của họ. Những bổn phận đạo đức của họ khá đơn giản: cầu nguyện, trả tiền và phục tùng”.
Khi ở Mỹ, mọi thứ đã thay đổi. Bây giờ họ đã là những công dân có các quyền cá nhân trong một nước cộng hòa, không phải những người dân chỉ biết phục tùng trong xã hội lãnh chúa. Theo lối sống mới, họ chịu trách nhiệm cho tương lai của chính họ. Họ cần phải năng động và sáng tạo để làm việc cùng nhau nhằm đáp ứng các nhu cầu chung và giải quyết các vấn đề và khủng hoảng.
Tác giả Novak dẫn chứng tuyệt vời về quê hương của ông, Thị trấn Johnstown, bang Pennsylvania. Nơi đây, toàn bộ cộng đồng cùng đoàn kết với nhau để đối phó với đập bị vỡ nhiều lần và nước tràn ngập thị trấn, cướp đi nhiều mạng sống. Ông mô tả cách mà cộng đồng này được tổ chức để phản ứng với thiên tai, dựa trên công bằng xã hội và xây dựng nên công bằng xã hội thực sự.
“Những thói quen phổ biến về tự tổ chức, hiểu thấu đáo vào những việc cần làm tiếp theo và theo thứ tự nào, và sự hợp tác đồng thuận trong các vấn đề sống còn – như vốn xã hội, quỹ đạo đức xã hội – đã giúp Johnstown hồi sinh sau ba trận lũ lớn vào các năm 1889 , 1936 và 1977”, ông Novak viết.
Sự can thiệp của nhà nước
Giống như những đức tính khác, công bằng xã hội phát triển lên thông qua việc thực hành và suy yếu đi khi không được sử dụng đến nữa hoặc khi nhà nước – mở rộng rất nhiều kể từ những năm 1880 – can thiệp sâu vào xã hội. Điều này nguy hiểm ở chỗ, sau khi nhà nước can thiệp, thì người ta phớt lờ hoặc kiềm chế sự sáng tạo và nhiệt tình của những người hiểu rõ nhất về đức tính công bằng xã hội.
Đôi khi vai trò thích hợp của nhà nước chỉ đơn giản là đứng sang một bên để xã hội thực hiện đức hạnh của mình.
Ví dụ trong trường hợp bảo vệ trẻ con bị ngược đãi, nếu không có sự tham gia của xã hội, các chuyên gia thường đưa ra phương án dọa nạt: ông/bà phải tuân theo điều này/điều kia nếu vẫn còn muốn giữ đứa trẻ. Tuy nhiên có một cách giải quyết hoàn toàn khác: một cuộc họp đại gia đình được tổ chức, huy động các thành viên gia đình khác lên kế hoạch, đảm bảo an toàn cho bọn trẻ. Cách này dựa trên truyền thống bản địa cổ xưa trong việc giải quyết vấn đề hay phục hồi công lý, chứ không phải là một phần cấu trúc pháp lý của bộ máy chuyên nghiệp quan liêu hiện đại.
Kết quả của quá trình ra quyết định theo cách trên không được định trước và đại gia đình thực thi theo kế hoạch được thống nhất. Kế hoạch đó được đề xuất với các chuyên gia chịu trách nhiệm bảo vệ trẻ em. Kế hoạch cuối cùng này có thể là chuyển những đứa trẻ đến họ hàng thân quyến, yêu cầu cha mẹ ngược đãi trẻ em phải rời khỏi nhà hoặc đi tới các trung tâm điều trị vì lạm dụng ma túy hoặc rượu, hoặc trong những trường hợp nghiêm trọng nhất là dẫn đến đến việc chấm dứt quyền làm cha mẹ.
Nhà nước, trong trường hợp cần thiết, không được từ bỏ trách nhiệm pháp lý của mình trong việc bảo vệ trẻ em khi chúng bị chính cha mẹ lạm dụng. Nhưng trách nhiệm cần được mở rộng tới các thành viên gia đình quan tâm tới những đứa trẻ, những người sẽ có khả năng hoặc ý tưởng bảo vệ sự an toàn cho lũ trẻ.
Và trong cả những trường hợp xấu nhất, khi người ta bất đồng quan điểm và bắt đầu tính đến việc yêu cầu chính quyền cưỡng chế thực thi theo một cách nào đó; thì thực ra vẫn có những cách để đưa mọi người lại hòa hợp với nhau vì lợi ích chung, để xây dựng và tăng cường năng lực của gia đình và cộng đồng nhằm thực hành đức hạnh công bằng xã hội.
Theo cách tư duy cũ, phương pháp đầu tiên mà nhiều nhà hoạt động lựa chọn trong việc giải quyết các vấn đề khó khăn là kêu gọi nhà nước đưa ra một luật mới hoặc thực thi pháp luật hiện hành nghiêm ngặt hơn. Nhà nước là cần thiết, nhưng sự cần thiết đó làm sao sánh được với tình yêu thương và khả năng chăm sóc, sự khôn ngoan và sáng tạo của những người có liên quan.
Thực tế, thay vì lựa chọn kêu gọi nhà nước can thiệp, câu hỏi đặt ra nên là: liệu sự can thiệp đó có khiến cho gia đình và cộng đồng mạnh mẽ hơn và có khả năng tốt hơn để đáp ứng những nghĩa vụ đối với các thành viên dễ bị tổn thương của họ? Liệu sự can thiệp của nhà nước có củng cố đức tính công bằng xã hội của những người tham gia sự việc hay là làm suy yếu nó?
Tác giả: Paul Adams
(Paul Adams là giáo sư danh dự về công tác xã hội tại Đại học Hawaii, và là giáo sư và phó hiệu trưởng phụ trách các vấn đề học thuật tại Đại học Case Western Reserve. Ông là đồng tác giả của cuốn sách “Công bằng Xã hội không phải là điều bạn nghĩ” và đã viết nhiều về chính sách phúc lợi xã hội và đạo đức nghề nghiệp và đức hạnh.)
Bài viết được đăng lần đầu trên The Epoch Times
Minh Khuê biên dịch
Xem thêm:
Từ khóa Xã hội Mỹ Công bằng xã hội phúc lợi xã hội Phúc lợi xã hội Mỹ