Không còn nghi ngờ gì nữa, Trung Quốc đại diện cho một mối đe dọa chưa từng có đối với Hoa Kỳ. Bắc Kinh không chỉ sở hữu tiềm lực kinh tế và quân sự vượt trội hơn so với các đối thủ trong quá khứ như Liên Xô, Đức Quốc Xã, hay Đế quốc Nhật Bản, mà còn có tầm ảnh hưởng rộng lớn đối với các đồng minh và đối tác của Hoa Kỳ—một điều mà những kẻ thù của chúng ta trong thế kỷ 20 chưa từng đạt được. Do đó, chính quyền Trump phải huy động tất cả sức mạnh quốc gia để ứng phó với hiểm họa từ Trung Quốc.

shutterstock 1408706489
Đối đầu Mỹ Trung (Ảnh: fukomuffin/ Shutterstock)

Trung Quốc muốn thay thế Hoa Kỳ để trở thành siêu cường duy nhất trên thế giới. Bắc Kinh đang tiến hành một cuộc chạy đua vũ trang quy mô lớn chưa từng thấy trong lịch sử hiện đại, một cuộc đua mà ngay cả Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ cũng phải thừa nhận là “thách thức [trọng yếu] cần theo kịp“. Và mục tiêu của họ rất rõ ràng. Trung Quốc tìm cách thống trị khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương, nơi sắp trở thành khu vực đóng góp phần lớn vào tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu. Một khi đạt được quyền kiểm soát khu vực Thái Bình Dương, Trung Quốc có khả năng phô diễn sức mạnh vượt ngoài biên giới và áp đặt ý chí chính trị lên các quốc gia trong khu vực. Hạm đội hải quân ngày càng hùng mạnh cùng với việc ráo riết xây dựng các căn cứ quân sự là những dấu hiệu thể hiện ý đồ này. 

Tại sao việc ứng phó với Trung Quốc lại quan trọng đối với người Mỹ?

Trước hết, Bắc Kinh sẵn sàng sử dụng sức mạnh của mình, áp dụng các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với các quốc gia dám liều lĩnh chỉ trích sự cứng rắn của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Trong những năm gần đây, Trung Quốc thậm chí đã dám đe dọa cả các tổ chức của Mỹ như Hiệp hội Bóng rổ Quốc gia (NBA) hay những quốc gia nhỏ bé xa xôi như Litva. Nếu Trung Cộng trở thành siêu cường độc tôn, thế giới sẽ không còn là một nơi mà lý tưởng tự do và giá trị Mỹ có thể phát triển.

Ngoại trưởng Marco Rubio đã nhấn mạnh tầm quan trọng của vấn đề này trong phiên điều trần xác nhận chức vụ của ông. “Nếu chúng ta không thay đổi đường lối [chính sách], chúng ta sẽ sống trong một thế giới mà mọi thứ thiết yếu cho đời sống hàng ngày của chúng ta, từ an ninh cho đến sức khỏe, sẽ phụ thuộc vào việc Trung Quốc có cho phép chúng ta có được chúng hay không“, ông Rubio phát biểu trước Ủy ban Đối ngoại Thượng viện.

Ông Rubio nói đúng. Lần đầu tiên trong lịch sử hiện đại, Hoa Kỳ đang phụ thuộc vào kẻ thù địa chính trị lớn nhất của mình. Một sự lệ thuộc nguy hiểm tột cùng. Sức mạnh kinh tế thường, nhưng không phải lúc nào cũng, mang tính quyết định trong các cuộc tranh giành quyền lực toàn cầu. Tuy nhiên, lịch sử đã chứng minh: sức mạnh công nghiệp là điều kiện tiên quyết để giành chiến thắng. Thế nhưng Washington dường như đã quên mất bài học này.

Chuỗi cung ứng của Hoa Kỳ phụ thuộc vào Trung Quốc, trao cho Bắc Kinh một đòn bẩy to lớn mà họ sẵn sàng khai thác bất cứ lúc nào. Sự phụ thuộc này trải rộng từ khoáng sản đất hiếm đến dược phẩm và hàng loạt lĩnh vực khác. Chẳng hạn, một nghiên cứu năm 2019 của Ủy ban Đánh giá Kinh tế và An ninh Hoa Kỳ – Trung Quốc cho thấy rằng người tiêu dùng Hoa Kỳ “ngày càng phụ thuộc” vào nguồn cung dược phẩm do một quốc gia cung cấp, mà quốc gia này lại “đặt ra rủi ro kinh tế và an ninh quốc gia” đối với Hoa Kỳ.

Dưới thời chính quyền Trump thứ nhất, các quan chức Trung Quốc từng ám chỉ rằng “Bắc Kinh có thể hạn chế xuất khẩu nguyên liệu thô cho vitamin và kháng sinh như một biện pháp đối phó trong cuộc chiến thương mại với Hoa Kỳ“. Cố vấn cao cấp tại Trung tâm Hastings, bà Rosemary Gibson, đã chỉ ra một thực tế đáng lo ngại rằng Hoa Kỳ “thậm chí không còn khả năng sản xuất penicillin nữa“. Hoa Kỳ gần như phụ thuộc hoàn toàn vào Bắc Kinh để sản xuất penicillin và các loại thuốc kháng sinh khác nhằm chống lại vi khuẩn kháng thuốc. Nếu Trung Cộng “ngừng xuất khẩu, chỉ trong vài tháng, các bệnh viện sẽ ngừng hoạt động“, bà Gibson lưu ý. Không khó để hình dung những hệ lụy sẽ xảy ra đối với tình trạng bất ổn xã hội, chưa kể đến tác động tiêu cực đối với khả năng sẵn sàng chiến đấu của quân đội chúng ta.

Cũng giống như Trung Quốc vận dụng mọi nguồn lực quốc gia để đạt được mục tiêu của mình, Hoa Kỳ cũng phải làm điều tương tự nếu muốn giữ vững vị thế siêu cường.  Điều này sẽ đòi hỏi phải định nghĩa lại và suy nghĩ lại về an ninh quốc gia. May mắn thay, có những dấu hiệu cho thấy chính quyền Trump thứ hai đang chú ý đến vấn đề này.

Nhà Trắng gần đây đã mở rộng Hội đồng An ninh Quốc gia để bao gồm cả Bộ trưởng Nội vụ. Đây là một động thái quan trọng.

Trước đây, trong khi một số tổng thống Hoa Kỳ như Dwight Eisenhower có cái nhìn bao quát hơn về vấn đề quốc phòng, việc hoạch định và thực thi chính sách an ninh quốc gia thường chỉ là nhiệm vụ của các cơ quan như Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng. Trong những thập niên gần đây, đặc biệt là từ sau Chiến tranh Chống Khủng bố Toàn cầu nổ ra, các bộ như Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp và Bộ An ninh Nội địa cũng dần đóng vai trò lớn hơn. Tuy nhiên, bản chất của mối đe dọa từ Trung Quốc đòi hỏi một cách tiếp cận còn toàn diện hơn nữa. Bộ Nội vụ là một ví dụ điển hình. Dù nhiều người có thể chỉ nghĩ rằng bộ này quản lý các công viên quốc gia, nhưng trên thực tế, phạm vi quyền hạn của họ còn vượt xa hơn thế.

Tài nguyên thiên nhiên là yếu tố thiết yếu trong cuộc cạnh tranh toàn cầu. Việc Trung Quốc đã khôn khéo giành quyền thống trị ngành công nghiệp khoáng sản đất hiếm cung cấp cho Bắc Kinh các nguyên liệu cần thiết để phô diễn sức mạnh quân sự và chuẩn bị cho chiến tranh. Tài nguyên thiết yếu bao gồm nhiều thứ từ lithium được dùng trong pin đến vô số nguyên liệu thô cần thiết để sản xuất chất bán dẫn. Việc bảo vệ và củng cố những nguồn lực này là nền tảng căn bản cho an ninh quốc gia. Trung Quốc đã nhận ra điều đó, và Hoa Kỳ cũng cần phải nhận thức được điều này.

Không chỉ dừng lại ở các cơ quan truyền thống, các cơ quan khác, vốn ít liên quan đến an ninh quốc gia, cũng có thể đóng vai trò quan trọng trong việc hoạch định chính sách chống lại sự bành trướng của Trung Quốc. Chẳng hạn, nhiều người đang lo ngại về việc Trung Quốc mua lại đất nông nghiệp và đất đai gần các căn cứ quân sự. Theo Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, quyền sở hữu đất nông nghiệp của các nhà đầu tư Trung Cộng đã tăng vọt từ 13.720 mẫu Anh vào năm 2010 lên 352.140 mẫu Anh vào năm 2020. Đây là một ví dụ cho thấy những cơ quan tưởng chừng không liên quan như Bộ Nông nghiệp cũng đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ và thúc đẩy lợi ích quốc gia.

Hoa Kỳ phải áp dụng một cách tiếp cận toàn diện các bộ ngành trong chính phủ để đối phó với Trung Quốc. Ở một mức độ nào đó, điều này sẽ đòi hỏi phải mở rộng cả trong tư duy lẫn việc hoạch định chính sách—và không chỉ giới hạn trong các cơ quan quyền lực trong chính phủ. Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, toàn xã hội đã nhận thức được mối đe dọa của chủ nghĩa cộng sản. Chúng ta cần lặp lại kỳ tích này, và trách nhiệm của các nhà lãnh đạo là phải giáo dục và truyền đạt thông tin cho công chúng.

Tuy nhiên, áp dụng một cách tiếp cận rộng hơn để chống lại các mối đe dọa từ Trung Quốc cũng đi kèm với những thách thức riêng. Các cơ quan hành chính có văn hóa và phương thức hoạt động riêng, và xung đột lợi ích trong việc hoạch định chính sách là điều không thể tránh khỏi. Bộ Thương mại, chẳng hạn, sẽ có những ưu tiên khác so với Bộ Quốc phòng. Một cách tiếp cận rộng hơn có thể dẫn đến trình trạng kém hiệu quả, làm chậm thêm nữa phản ứng vốn đã yếu kém của chúng ta trước Trung Quốc.

Đảng Cộng sản Trung Quốc đang khai thác toàn bộ sức mạnh của mình để thay thế Hoa Kỳ. Nếu cử tri Hoa Kỳ muốn bảo vệ tự do và chất lượng cuộc sống tiếp tục kéo dài cho đến tận thế kỷ này, thì họ không thể tiếp tục giữ nguyên hiện trạng hiện nay. Trung Quốc đã và đang giành được nhiều lợi thế, và quá thường xuyên, họ đã chiếm được nó là do chúng ta tự nhường sân chơi cho họ.

Sean Durns/ Washington Examiner

Thiên Vân chuyển ngữ