Hoa Kỳ có thể không có ‘hiện diện ngoại giao’ thực tế ở Afghanistan từ ngày 1/9
- Minh Ngọc
- •
Ngoại trưởng Antony Blinken cho biết, Hoa Kỳ có thể sẽ không có sự hiện diện ngoại giao thực tế ở Kabul từ ngày 1/9, sau khi Hoa Kỳ rút hoàn toàn khỏi Afghanistan.
Trong một cuộc phỏng vấn hôm 29/8, ông Blinken tiết lộ, không có khả năng Hoa Kỳ có sự “hiện diện ngoại giao tại thực địa” sau khi Taliban chiếm Kabul chỉ hơn 2 tuần trước. Nhưng ông khẳng định, chính phủ sẽ cố gắng di tản những người Mỹ đang cố gắng rời khỏi đất nước này.
Tuyên bố của ông Blinken được đưa ra sau khi chiếc máy bay cuối cùng của Mỹ rời đi, để lại hàng nghìn người Afghanistan đã giúp đỡ các nước phương Tây và họ có thể hoàn toàn đủ điều kiện để được sơ tán.
Trong phát biểu của mình, ông Blinken đã lờ đi nhiều câu hỏi từ các phóng viên. Ông nhấn mạnh Washington sẽ tiến hành chính sách ngoại giao Afghanistan bao gồm công tác lãnh sự và quản lý hỗ trợ nhân đạo ra khỏi thủ đô Doha của Qatar, với một nhóm do ông Ian McCary, phó trưởng phái bộ Mỹ tại Afghanistan.
Trong một cuộc phỏng vấn trên chương trình “Meet The Press”, ông Blinken cũng cho hay: “Trước hết, về việc có sự hiện diện ngoại giao tại thực địa vào ngày 1/9 hay không, điều đó không có khả năng xảy ra. Nhưng điều sắp xảy ra là cam kết của chúng tôi tiếp tục giúp đỡ những người muốn rời khỏi Afghanistan, và những người chưa kịp rời khỏi Afghanistan trước ngày 1/9, việc đó sẽ kéo dài.”
“Không có thời hạn cho nỗ lực đó. Và chúng tôi có nhiều cách, chúng tôi có các cơ chế để giúp tạo điều kiện thuận lợi cho các chuyến khởi hành vẫn đang diễn ra của mọi người từ Afghanistan nếu họ lựa chọn rời khỏi đó,” ông Blinken tiếp tục.
Chính quyền Biden vào đầu mùa hè này đã tự đặt ra thời hạn cuối cùng vào ngày 31/8 cho việc rút toàn bộ quân khỏi Afghanistan, đẩy lùi thời hạn từ ngày 1/5, vốn đã được thống nhất sau cuộc đàm phán của Taliban và chính quyền Trump vào năm ngoái.
Trong một cuộc phỏng vấn khác với ABC News hôm Chủ nhật (29/08), ông Blinken phát biểu thêm rằng Hoa Kỳ có “đòn bẩy đáng kể” đối với Taliban để bảo đảm nhóm này – vốn được Văn phòng Giám đốc Tình báo Quốc gia và các cơ quan khác chỉ định là nhóm khủng bố – hoàn thành tốt các cam kết của họ.
Ông cho biết: “Một trăm mười bốn quốc gia đã nói rất rõ họ kỳ vọng rằng Taliban sẽ cho phép tự do đi lại sau ngày 31/8.”
Khi nhắc đến việc cộng đồng toàn cầu mong đợi Taliban tuân thủ, ông Blinken khẳng định: “Chúng tôi có đòn bẩy rất quan trọng để làm việc trong nhiều tuần và tháng tới nhằm khuyến khích Taliban thực hiện tốt các cam kết của mình.” Dù vậy ông không tiết lộ thêm chi tiết.
Kể từ khi Taliban kiểm soát Afghanistan, ông Joe Biden đã vấp phải nhiều chỉ trích từ cả các thành viên Đảng Cộng hòa và Đảng Dân chủ trong Quốc hội, cũng như giới truyền thông, về những quyết định yếu kém trong việc rút quân và di tản. Ông Biden và nhiều quan chức khác của chính phủ cũng bị chú ý vì cung cấp thông tin mâu thuẫn về tình hình tại thực địa, cụ thể là tại sân bay Kabul.
Trong nhiệm vụ rút quân và quân sự ở Kabul, các quan chức chính quyền nói rằng, họ đã phối hợp và nói chuyện với các thành viên cao cấp của Taliban, và điều này cũng dấy lên nhiều nghi vấn quan trọng.
Trong cuộc phỏng vấn với ABC, ông Blinken cho hay: “Tôi không nói rằng chúng ta nên tin tưởng vào Taliban về bất cứ điều gì. Tôi chỉ đơn giản là báo lại những gì mà một trong những lãnh đạo cao cấp của họ đã nói với người dân Afghanistan.”
Còn theo Lầu Năm Góc, các quan chức Hoa Kỳ hôm 30/8 vẫn đang nỗ lực sơ tán người Mỹ và thường dân Afghanistan khỏi Kabul sau một vụ đánh bom khủng bố chết người tại sân bay ngày 26/8 và hỏa tiễn được bắn theo hướng đó vào ngày 30/8.
Minh Ngọc (T/h)
Xem thêm:
Từ khóa ngoại giao Hoa Kỳ - Afghanistan Mỹ rút quân khỏi Afghanistan sơ tán người Mỹ khỏi Afghanistan