Hoa Kỳ lên án động thái gây hấn của Trung Quốc tại Hồng Kông
- Minh Ngọc
- •
Hôm thứ Năm (11/3), chính phủ Hoa Kỳ đã lên án các động thái của Trung Quốc nhằm thay đổi hệ thống bầu cử của Hồng Kông và dự báo họ sẽ phải trải qua các cuộc đàm phán đầy “khó khăn” với các nhà ngoại giao cấp cao của Bắc Kinh vào tuần tới. Đặc biệt trong bối cảnh Washington dự kiến sẽ nhấn mạnh vào vấn đề Trung Quốc phạm tội diệt chủng đối với cộng người Hồi giáo thiểu ở vùng Tân Cương của quốc gia này.
Phát ngôn viên Nhà Trắng Jen Psaki (Ảnh: Getty Images)
Phát ngôn viên Nhà Trắng Jen Psaki cho biết, Ngoại trưởng Antony Blinken và Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan sẽ không lùi bước và nhượng bộ khi gặp gỡ các nhà ngoại giao Trung Quốc ở Alaska vào ngày 18 – 19/3 sắp tới, “Cho dù đó là về vấn đề Đài Loan, hay là… nỗ lực dẹp bỏ nền dân chủ ở Hồng Kông, hoặc về quan ngại của chúng tôi trong quan hệ kinh tế [của hai nước].”
“Giải quyết vấn nạn diệt chủng người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ sẽ là chủ đề thảo luận trực tiếp với các quan chức Trung Quốc vào tuần tới,” bà Jen Psaki nói thêm.
Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) vẫn luôn bác bỏ cáo buộc của Hoa Kỳ về việc họ đã phạm tội diệt chủng đối với người Duy Ngô Nhĩ và những người Hồi giáo khác ở khu vực Tân Cương. Đồng thời, chính quyền cộng sản còn chỉ trích hành vi của Hoa Kỳ trước động thái của Trung Quốc đối với Hồng Kông và Đài Loan là “can thiệp không chính đáng vào công việc nội bộ của họ”.
Phiên họp “Lưỡng hội” của Trung Quốc hôm thứ Năm (11/3) đã thông qua dự thảo quyết định thay đổi hệ thống bầu cử của Hồng Kông, giảm thiểu hơn nữa sự góp mặt của các nghị sĩ dân chủ trong hệ thống chính trị của đặc khu, đồng thời đưa ra một cơ chế nhằm đánh giá cái gọi là “lòng trung thành” của các chính trị gia đối với Bắc Kinh.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price gọi những thay đổi này là “một cuộc tấn công trực diện vào quyền tự trị, các quyền tự do và quy trình dân chủ của Hồng Kông”.
“Tôi cho rằng sẽ có một cuộc đối thoại đầy khó khăn [giữa hai quốc gia],” ông Ned Price nhận định như vậy khi đề cập đến cuộc hội đàm mà ông Blinken và Sullivan dự định tổ chức tại Anchorage với nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc, Dương Khiết Trì và Ủy viên Quốc vụ Vương Nghị.
Ông Ned Price còn cho biết, Washington sẽ nghiên cứu thêm các lĩnh vực hợp tác với Bắc Kinh có lợi cho Hoa Kỳ, bao gồm cả biến đổi khí hậu, nhưng sẽ vẫn kêu gọi Bắc Kinh phải thay đổi nếu họ muốn cải thiện mối quan hệ đang rạn nứt giữa hai quốc gia.
Chính quyền Joe Biden đã cam kết xem xét các điểm chính yếu trong chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ đối với Trung Quốc, và cũng khẳng định sẽ tiếp tục lập trường cứng rắn của chính quyền tiền nhiệm trước các mối đe dọa do ĐCSTQ gây ra.
Trước đó, hồi đầu tháng 3, ông Antony Blinken đã có bài phát biểu trong đó nêu rõ mối quan hệ của Hoa Kỳ với chế độ Trung Quốc là ưu tiên hàng đầu của chính quyền Biden. Ông cũng gọi đây là “thử thách địa chính trị lớn nhất thế kỷ 21”. Ông nhấn mạnh: “Mối quan hệ của chúng ta với Trung Quốc sẽ mang tính cạnh tranh khi cần thiết, hợp tác khi có thể, và đối đầu khi phải diễn ra. Mẫu số chung là sự cần thiết phải phối hợp với Trung Quốc từ một vị thế mạnh mẽ.”
Ông Biden và nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình cũng đã có cuộc điện đàm đầu tiên hồi tháng trước, và họ tỏ ra mâu thuẫn trong hầu hết các vấn đề, ngay cả khi ông Tập cảnh báo rằng việc đối đầu gay gắt sẽ là một “thảm họa” đối với cả hai quốc gia.
Mới đây, ngày 11/3, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cho biết, Trung Quốc và Hoa Kỳ có nhiều lợi ích chung và nhiều lĩnh vực hợp tác. Do đó, Bắc Kinh hy vọng mối quan hệ giữa hai quốc gia có thể phát triển một cách lành mạnh dựa trên việc tôn trọng lợi ích cốt lõi của nhau, hợp tác hai bên cùng có lợi, đồng thời không can thiệp vào các vấn đề nội bộ của nhau, đặc biệt là các vấn đề “lằn ranh đỏ”. Các vấn đề này có thể kể đến như vi phạm nhân quyền đối với người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, đàn áp ở Hồng Kông và gây hấn quân sự đối với Đài Loan. Chính quyền Trump hồi tháng 1 đã công khai tuyên bố hành động tàn ác của chế độ Trung Quốc ở Tân Cương là tội ác diệt chủng.
Minh Ngọc (T/h)
Xem thêm:
Từ khóa Bầu cử Hồng Kông Dòng sự kiện mối quan hệ Mỹ - Trung đặc khu Hồng Kông ĐCSTQ thay đổi hệ thống bầu cử Hồng Kông