Hoa Kỳ đã tăng cường sức mạnh không quân ở Tây Thái Bình Dương với việc điều động thêm hai nhóm máy bay chiến đấu đến Căn cứ Không quân Kadena ở Nhật Bản, dàn dựng một màn trình diễn sức mạnh trước Trung Quốc trong bối cảnh thương chiến Mỹ-Trung leo thang.

https s3 ap northeast 1.amazonaws.com psh ex ftnikkei 3937bb4 images 3 2 8 2 28932823 1 eng GB f35 three
Máy bay F-35A Lightning II (Ảnh: Không quân Hoa Kỳ)

Theo Phi đoàn 18 của Không quân Hoa Kỳ, đơn vị chủ quản của Căn cứ Không quân Kadena, một số lượng không xác định máy bay chiến đấu F-35A và F-15E đã đến căn cứ này từ ngày 3/4 đến ngày 6/4, đánh dấu đợt triển khai máy bay chiến đấu gần đây nhất của Không quân Hoa Kỳ tới Thái Bình Dương.

Máy bay F-35A vừa đến Kadena là do Phi đội tiêm kích viễn chinh 355 của Căn cứ Không quân Eielson ở Alaska điều động. Trong khi, các máy bay phản lực F-15E trước đây được đồn trú tại Căn cứ Không quân Seymour Johnson ở Bắc Carolina và được biên chế vào Phi đội tiêm kích viễn chinh 336.

“Lực lượng phối hợp này nhằm mục đích ngăn chặn các đối thủ tiềm tàng và hỗ trợ các mục tiêu rộng hơn của Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Hoa Kỳ”, Phi đoàn 18 cho biết trong thông cáo báo chí hôm thứ Ba (8/4), đồng thời nói thêm rằng việc hiện đại hóa năng lực ở khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương vẫn là “ưu tiên hàng đầu”.

Căn cứ Kadena dự kiến ​​sẽ nhận được máy bay chiến đấu F-15EX đầu tiên trong số 36 máy bay chiến đấu từ tháng 3 đến tháng 6/2026, thay thế cho phi đội gồm 48 máy bay chiến đấu F-15C/D đời cũ hơn. Không quân Hoa Kỳ đã đang duy trì sự hiện diện luân phiên của máy bay chiến đấu trong giai đoạn chuyển tiếp này.

Việc luân chuyển máy bay tại Kadena, cách Đài Loan 370 dặm, là trường hợp tiêu biểu cho cam kết liên tục của Lầu Năm Góc trong việc duy trì “sự hiện diện liên tục của máy bay chiến đấu” cho đến khi máy bay phản lực F-15EX đến, Phi đoàn 18 cho biết thêm. Hiện vẫn chưa rõ đợt triển khai luân phiên gần đây nhất sẽ kéo dài bao lâu.

Kadena nằm trên đảo Okinawa của Nhật Bản và là căn cứ không quân Mỹ gần Đài Loan nhất, một đối tác an ninh của Hoa Kỳ. Trung Quốc Cộng sản từ lâu đã tuyên bố hòn đảo Đài Loan là một phần lãnh thổ của mình và đã đe dọa sẽ dùng vũ lực, nếu cần thiết, để thống nhất vào đại lục. 

Nhật Bản là một phần của ‘Chuỗi Đảo Thứ Nhất’, một khu vực địa chiến lược ngăn chặn hàng hải của Hoa Kỳ nhằm hạn chế quân đội Trung Quốc tiếp cận Tây Thái Bình Dương.

Cũng trong ngày thứ Ba (8/4), Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Gen Nakatani tuyên bố rằng máy bay không người lái trinh sát MQ-4C của Hải quân Hoa Kỳ sẽ được triển khai tới Kadena trong vòng vài tuần nữa trong “thời gian không xác định” để tăng cường giám sát và thu thập thông tin tình báo.

MQ-4C là máy bay hàng hải tự động, độ cao lớn, có khả năng hoạt động lâu dài trên độ cao 50.000 feet trong hơn 24 giờ với phạm vi hoạt động 7.400 hải lý (8.515 dặm). Hai máy bay không người lái MQ-4C đã được triển khai tại Căn cứ Không quân Kadena trong năm tháng hồi năm ngoái.

Sự xuất hiện của máy bay chiến đấu và kế hoạch triển khai máy bay không người lái do thám diễn ra sau khi Trung Quốc tổ chức cuộc tập trận quân sự kéo dài hai ngày quanh Đài Loan hồi tuần trước.

Đại tá Không quân Hoa Kỳ David Deptula, chỉ huy Nhóm tác chiến 18, cho biết: “Cam kết của Kadena đối với khả năng răn đe khu vực là chắc chắn. Điều động máy bay luân phiên là một phần bình thường trong các hoạt động của Kadena và sự hiện diện của chúng đảm bảo sự tiếp tục của sứ mệnh lâu dài của chúng tôi là bảo vệ Nhật Bản và duy trì một Ấn Độ – Thái Bình Dương tự do và cởi mở”. 

Trung tá Không quân Hoa Kỳ Erik Gonsalves, chỉ huy Phi đội Chiến đấu cơ Viễn chinh 355, cho biết: “Những [binh sĩ] nam và nữ của [Phi đội Chiến đấu cơ Viễn chinh] 355 rất vui mừng khi được trở lại Căn cứ Không quân Kadena. Tôi đã dành phần lớn sự nghiệp của mình tại [Lực lượng Không quân Thái Bình Dương] và mong muốn nâng cao năng lực của phi đội chúng tôi trong những lợi thế không cân xứng mà chúng tôi chia sẻ trong [khu vực trách nhiệm] này”. 

Việc củng cố an ninh tại Kadena diễn ra bất chấp Tổng thống Donald Trump đã đang chỉ trích hiệp ước an ninh giữa Hoa Kỳ và Nhật Bản là không có đi có lại, tuyên bố rằng “họ không có nghĩa vụ phải bảo vệ chúng ta”.  Dù vậy, Hoa Kỳ vẫn tiếp tục duy trì và tăng cường sự hiện diện quân sự của mình tại đồng minh Đông Bắc Á này để chống lại các mối đe dọa từ Trung Quốc.