Hồng Kông từ chối thị thực của nhà báo Anh là động cơ chính trị?
- Xuân Thành
- •
Ngoại trưởng Anh Quốc Jeremy Hunt hôm thứ Ba (9/10) đã nói rằng nếu không có bất kỳ lời giải thích nào của Hồng Kông về việc từ chối cấp thị thực cho một nhà báo Anh, thì ông chỉ có thể kết luận đó là động cơ chính trị.
Ông Victor Mallet – nhà báo Anh của tờ Financial Times và cũng là Phó Chủ tịch Câu lạc bộ phóng viên nước ngoài tại Hồng Kông.
Đặc khu Hồng Kông tuần trước đã từ chối đơn xin gia hạn thị thực công vụ của ông Victor Mallet, biên tập viên tin tức Châu Á của tờ Financial Times và cũng đang giữ chức Phó Chủ tịch Câu lạc bộ phóng viên nước ngoài (FCC) tại Hồng Kông.
Động thái từ chối thị thực này của chính quyền Hồng Kông đến chỉ hai tháng sau khi các quan chức Trung Quốc Đại Lục và Hồng Kông đã lên án FCC cho phép nhà hoạt động độc lập Andy Chan phát biểu tại diễn đàn của Câu lạc bộ này. Ông Andy Chan dấy lên tranh luận về tính khả thi của quyền tự do mà chính quyền Đặc khu hứa hẹn. Nhà báo Mallet là người chủ tọa sự kiện này.
Trong tuyên bố phát đi hôm 9/10, Ngoại trưởng Jeremy Hunt cho hay: “Nếu không có bất kỳ lời giải thích nào của giới chức [Hồng Kông], chúng tôi chỉ có thể kết luận rằng động thái này là động cơ chính trị”.
“Tôi kêu gọi giới chức Hồng Kông nên xem xét lại quyết định này – niềm tin vào quyền và tự do của Hồng Kông là thành tố thiết yếu của sự thành công trong tương lai”, ông Hunt nói thêm.
Theo Reuters, sau khi không được gia hạn thị thực, nhà báo Mallet đã rời Hồng Kông, nhưng đến ngày 7/10 ông đã được trở lại hòn đảo này nhưng chỉ với thị thực du lịch 7 ngày, chứ không phải thị thực 6 tháng thường được cấp cho những người có quốc tịch Anh Quốc.
Trong một bài bình luận đăng tải cuối tuần qua, tờ Financial Times đã nói rằng sự vụ này “gửi một thông điệp lạnh lùng tới mọi người dân Hồng Kông, nhấn mạnh việc Bắc Kinh thắt chặt kiểm soát trên lãnh thổ này và sự xói mòn rõ ràng vào các quyền cơ bản [của người dân] được luật pháp Hồng Kông và các thỏa thuận quốc tế bảo vệ”.
Hồng Kông từng là thuộc địa của Anh Quốc và đã được nước Anh trao trả lại cho chính quyền Trung Quốc Đại Lục vào năm 1997, nhưng các bên cam kết tiếp tục duy trì Hồng Kông dân chủ theo nguyên tắc “một đất nước, hai chế độ”, bảo đảm mức độ độc lập và tự do cao, trong đó có tự do báo chí mà không có ở bất kỳ đâu tại Trung Quốc Đại Lục.
Tuy nhiên, việc kêu gọi độc lập hoàn toàn cho Hồng Kông được cho là lằn ranh đỏ đối với các nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc. Chế độ Bắc Kinh luôn xem trung tâm tài chính này là một phần lãnh thổ không thể chia tách khỏi Trung Quốc.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng đã lên tiếng bảo vệ quyết định của giới chức Hồng Kông từ chối cấp thị thực cho nhà báo Mallet.
Reuters dẫn lời phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng nói: “Từ khi Hồng Kông trở về [Trung Quốc]… mọi người có thể thấy rằng xã hội và kinh tế Hồng Kông đã đạt được tiến bộ. Quyền của Hồng Kông trong việc bảo vệ những lợi ích hợp pháp của mình là vượt trên ‘sự chỉ trích’”.
Xuân Thành
Xem thêm:
Từ khóa Andy Chan Victor Mallet Hồng Kông Chính trị Hồng Kông