Joshua Wong: Chúng tôi biểu tình vì tự do cho HK khỏi độc tài Trung Quốc tàn bạo
Đầu tiên là dự luật dẫn độ sang Trung Quốc, sau đó là cảnh sát Hồng Kông nặng tay trấn áp người biểu tình. Người Hồng Kông sẽ không chấp nhận số phận sống dưới bàn tay của Trung Quốc.
Những cơn gió tự do đang nổi lên ở Hồng Kông, dễ thấy nhất là trong các cuộc biểu tình gần đây chống lại dự luật dẫn độ.
Một trong hai tác giả của bài viết này, nhà hoạt động dân chủ Hoàng Chi Phong (Joshua Wong) đã cảm thấy cơn gió đó khi anh được phóng thích hôm (17/6) và tham gia cùng những đồng đội của mình trong các cuộc biểu tình.
Đối mặt với mối đe dọa trực tiếp của luật dẫn độ do trưởng đặc khu Hồng Kông đề xuất, khoảng 1 triệu người đã tham gia biểu tình hôm 9/6 để bày tỏ sự bất đồng đối với việc sửa đổi luật, mà nếu thông qua sẽ đưa người dân địa phương lẫn người nước ngoài ở Hồng Kông tới hệ thống pháp lý của Trung Quốc.
Thay vì yêu cầu cải tổ hiến pháp rộng lớn hơn, những người biểu tình chỉ thúc giục chính phủ Hồng Kông rút lại luật dẫn độ để có thể duy trì giá trị của “một quốc gia, hai chế độ.” Tuy nhiên, chính quyền Hồng Kông khăng khăng muốn xúc tiến nó.
Hôm 12/6, các công dân tập hợp bên ngoài tòa nhà lập pháp Hồng Kông để ngăn cản hoặc hoãn lại phiên thảo luận về dự luật nguy hiểm này. Đã có đụng độ, nhưng đối với rất nhiều người Hồng Kông, biểu tình quy mô lớn được xem là sự phục hồi của phong trào chiếm trung tâm kéo dài 79 ngày năm 2014. Trong cuộc biểu tình lần này, cảnh sát đã hành động dã man, sử dụng đạn cao su và hơi cay chống lại và để giải tán người biểu tình.
Carrie Lam, trưởng đặc khu Hồng Kông đã gọi cuộc biểu tình là “nổi loạn” và vẫn từ chối rút lại dự luật. Tuần trước, một người đàn ông mặc chiếc áo mưa vàng, treo lên khẩu hiệu viết “Không dẫn độ đến Trung Quốc” đã chết vì tự sát. Bây giờ, người Hồng Kông thậm chí còn quyết tâm hơn trong việc bảo vệ tự do khỏi hệ thống pháp lý độc tài của Trung Quốc và bảo vệ nền pháp trị của Hồng Kông.
Bà Lam vẫn tiếp tục từ chối rút lại dự luật, mặc dù đã cố gắng thể hiện nhượng bộ bằng cách tạm hoãn nó, và bà đã chính thức xin lỗi vào hôm thứ Ba vì công tác yếu kém trong quá trình lập pháp.
Tương phản với hành động này, khi một nửa người Hồng Kông biểu tình chống lại luật an ninh quốc gia vào năm 2003, chính phủ đã chính thức hủy bỏ dự luật và một quan chức cấp cao đã từ chức.
Tệ hơn là bà Lam không đáp lại yêu cầu chủ yếu của người dân là thành lập một ban điều tra độc lập để điều tra những hành vi dã man của cảnh sát trong cuộc biểu tình 12/6, và bà ta cũng không rút lại phát ngôn gọi cuộc biểu tình là “nổi loạn.” Trên thực tế, bà ta chưa nhượng bộ một chút nào.
Nhưng người Hồng Kông ít quan tâm đến bà Lam hơn là với việc duy trì ngọn gió tự do. Một mối đe dọa rõ ràng tới sự tự do của Hồng Kông nằm ở lực lượng thực thi pháp luật sử dụng bạo lực chống lại người biểu tình hôm 12/6. Các video cho thấy cảnh sát đánh một người biểu tình khi cố lấy lại chai nước. Cảnh sát Hồng Kông đã từng có danh tiếng là đứng trung lập chính trị. Nhưng hành động không đúng đắn của họ nay đã hủy hoại danh tiếng đó.
Sử dụng đạn cao su, đạn nhựa và hơi cay chống lại cuộc biểu tình phần lớn là ôn hòa đã cho thấy việc áp dụng vũ lực không tương xứng để chống lại thường dân. Những người biểu tình bị thượng đã bị bắt thậm chí khi đang trong bệnh viện, bất chấp việc họ cần thời gian để phục hồi vết thương. Nhiều người Hồng Kông liên hệ hành động bạo lực này của cảnh sát với vụ thảm sát Thiên An Môn tại Bắc Kinh năm 1989. Khi lực lượng thực thi pháp luật ở Hồng Kông bắt đầu hành động giống với bạo lực của Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc năm 1989, sợ hãi sẽ ngăn cản người dân công khai bày tỏ ý kiến và thực hiện quyền hội họp, biểu tình của mình. Một thời kỳ khủng bố mới sẽ đến Hồng Kông nếu không có kiểm soát đối với cảnh sát và chính phủ.
Trong tù, bộ trang phục tù nhân màu nâu Hoàng Chi Phong được thay bốn ngày một lần. Trong những ngày mưa mùa hè này, trời quá nóng đến mức không chịu được và việc bật quạt chỉ làm mọi thứ tồi tệ hơn. Không có sự riêng tư trong nhà tù. Đây là tương lai mà chúng ta phải ngăn chặn cho những nhà hoạt động và công dân vì dân chủ Hồng Kông.
Trong khi người dân Hồng Kông tiếp tục kháng cự, cộng đồng quốc tế cần nỗ lực để bảo đảm sự tự do cho Hồng Kông. Chúng tôi không kêu gọi sự can thiệp của nước ngoài, mà là một hành động quốc tế để buộc chính phủ Hồng Kông chịu trách nhiệm trước các thiết chế nhân quyền của thế giới.
Các nền dân chủ phương Tây nên nhớ rằng lợi ích thương mại với Hồng Kông và Trung Quốc có giá trị nhỏ hơn việc bảo vệ nhân quyền. Sau cuộc biểu tình triệu người hôm 9/6, một nhóm lưỡng đảng gồm các thượng nghị sĩ Mỹ đã tái xét Đạo luật Nhân quyền và Dân chủ Hồng Kông để “tái khẳng định cam kết của Mỹ đối với dân chủ, nhân quyền và nền pháp trị ở một thời điểm mà sự tự trị của Hồng Kông đang bị tấn công bởi can thiệp từ chính quyền Trung Quốc và Đảng Cộng sản”.
Đặc biệt là, đạo luật sẽ yêu cầu tiến hành đánh giá thường niên đối với nền tự trị của Hồng Kông để lấy cơ sở cho việc quy chế đặc biệt mà Mỹ trao cho Hồng Kông trong Đạo luật chính sách Hồng Kông 1992. Dự luật này sẽ đảm bảo rằng cơ hội thương mại của chính phủ chúng ta không làm suy yếu các giá trị và cam kết đối với nhân quyền và nền pháp trị của Hồng Kông.
Các nền dân chủ phương Tây, đặc biệt là Hoa Kỳ, phải quan tâm tới việc phản kháng lại một Trung Quốc độc tài. Biểu tình chống dẫn độ ở Hồng Kông đang nằm trên tuyến đầu của mặt trật kháng cự lại chế độ toàn trị Trung Quốc và bảo vệ nhân quyền, tự do dân sự cho tất cả chúng ta trên thế giới.
Mặc dù dân chủ ở Hồng Kông đang gặp bế tắc, các cơn gió tự do của nó vẫn xứng đáng để cộng đồng quốc tế bảo vệ.
Tác giả Joshua Wong và Eric Lai, 2 nhà hoạt động vì dân chủ Hồng Kông. Bài viết đăng trên mục Ý kiến của tờ USAtoday hôm 21/6/2019.
Trọng Đức (biên dịch)
Xem thêm:
Từ khóa Hoàng Chi Phong Joshua wong biểu tình ở Hồng Kông