Kế hoạch “cảnh địa ngục” của Mỹ đối phó ĐCSTQ tại eo biển Đài Loan
- Theo RFI
- •
Mỹ cảnh báo lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) Tập Cận Bình đã kêu gọi quân đội sẵn sàng cho năm 2027 chiếm giữ Đài Loan bằng vũ lực, do đó Mỹ và các đối tác phải đảm bảo không để cho họ thành công. Liên quan vấn đề này, có quan chức quân sự hàng đầu của Mỹ đã tiết lộ về kế hoạch “cảnh địa ngục” của quân đội Mỹ.
Theo một bài báo được tờ Washington Post công bố, quân đội Mỹ có kế hoạch tạo ra “cảnh địa ngục” để ngăn chặn ĐCSTQ tấn công Đài Loan. Tuy nhiên có chỉ huy quân sự hàng đầu của Mỹ ở châu Á nói rằng thời gian không còn nhiều để thực hiện kế hoạch này.
Mỹ từ lâu đã theo đuổi chính sách “mơ hồ về chiến lược”, do đó chưa bao giờ cam kết gửi quân tới bảo vệ Đài Loan nếu ĐCSTQ tấn công xâm lược. Tổng thống Biden đã nhiều lần nói rằng ông sẽ gửi quân đội Mỹ đến bảo vệ Đài Loan, nhưng ông đã thêm cảnh báo trong một cuộc phỏng vấn gần đây với tạp chí Time: “Điều đó sẽ tùy thuộc vào tình hình”. Cựu Tổng thống Trump cũng tương tự, thời gian làm tổng thống ông đã nói với một thượng nghị sĩ Cộng hòa rằng, “Chúng ta không thể làm gì được nếu ĐCSTQ tấn công Đài Loan”…
Sẽ là một quyết định rất khó khăn đối với bất kỳ tổng thống Mỹ nào khi đưa ra quyết định cử những người đàn ông và phụ nữ Mỹ đến bảo vệ một nền dân chủ nhỏ bé ở bên kia thế giới. Vì vậy, Đô đốc Samuel Paparo, tư lệnh mới của Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương Mỹ, tiết lộ trong một cuộc phỏng vấn rằng kế hoạch “cảnh địa ngục” là nhằm ngăn chặn Tập Cận Bình xâm lược Đài Loan, nhằm đảm bảo ông ta không bao giờ nhìn thấy chiến thắng qua eo biển Đài Loan.
Paparo nói với tờ Washington Post bên lề Đối thoại Shangri-La hàng năm do Viện Nghiên cứu Chiến lược Mỹ tổ chức: “Họ [ĐCSTQ] muốn một cuộc tấn công dữ dội để chiến thắng nhanh chóng, để nó trở thành chuyện đã rồi trước khi các nước trên thế giới có thể hiệp lực với nhau [ngăn chặn]. Công việc của tôi là chuẩn bị từ nay đến năm 2027 đảm bảo rằng các lực lượng của Mỹ và các đồng minh có thể chiến thắng trong cuộc chiến đó”.
Paparo cho rằng có thể chiến lược của ĐCSTQ là một cuộc tấn công quy mô lớn bất ngờ vào Đài Loan mà không có bất kỳ bên nào dự tính được. Tập Cận Bình không muốn lặp lại những sai lầm mà Tổng thống Nga Putin đã mắc phải với Ukraine vào năm 2022, khi đó Nga đã thúc đẩy cuộc xâm lược toàn diện với ý định nhanh chóng hoàn thành, nhưng tình hình biến thành một cuộc chiến tranh tiêu hao lâu dài.
Paparo cho biết chìa khóa để ngăn chặn giả thuyết về chiến lược của Tập Cận Bình là chiến lược “cảnh địa ngục” (hellscape) của Mỹ. Ý tưởng chiến lược này là khi một khi hạm đội xâm lược của ĐCSTQ bắt đầu băng qua tuyến đường thủy dài 100 dặm giữa Trung Quốc và Đài Loan, quân đội Mỹ sẽ triển khai hàng ngàn tàu ngầm không người lái, tàu mặt nước không người lái và máy bay không người lái tràn ngập khu vực, theo đó cho phép Đài Loan cùng Mỹ và đồng minh có thời gian để đáp trả một cách toàn diện.
Paparo nói: “Tôi muốn sử dụng một loạt khả năng để biến eo biển Đài Loan thành địa ngục không có người. Bằng cách đó tôi có thể khiến cuộc sống của họ [quân ĐCSTQ] khốn khổ trong cả tháng và cho nước Mỹ thời gian để làm những việc khác.” Khi được hỏi chi tiết, ông trả lời: “Tôi không thể công khai chi tiết, chỉ khẳng định điều đó có thật và có thể đạt được”.
Có một số dấu hiệu công khai cho thấy kế hoạch “cảnh địa ngục” đang tiến triển. Vào tháng Ba năm nay, Bộ Quốc phòng Mỹ tuyên bố sẽ chi 1 tỷ USD cho dự án mang tên “máy phục chế” (replicator) nhằm chế tạo một số lượng lớn tàu mặt nước không người lái và máy bay không người lái cho sứ mệnh này. Ông Paparo cho rằng chương trình này cho thấy Mỹ cũng đã rút ra bài học từ cuộc chiến Nga-Ukraine và Ukraine đã đổi mới công nghệ máy bay không người lái.
Hiện chưa rõ lịch trình bàn giao các hệ thống này. Theo hầu hết các cuộc tập trận quân sự do các tổ chức nghiên cứu của Mỹ thực hiện, nếu đàn máy bay không người lái không được chuẩn bị tốt khi một cuộc tấn công xảy ra thì có thể gây ra một cuộc xung đột kéo dài, làm tổn thất nặng nề cho lực lượng hải quân và không quân Mỹ và thiệt hại có thể mở rộng sang cả các đồng minh như Nhật Bản, Hàn Quốc và Philippines.
Dù vậy, ngay cả khi “cảnh địa ngục” xuất hiện kịp thời, nhưng nếu chỉ dựa vào các đàn máy bay không người lái cũng không thể sánh được với sự tăng cường quân sự khổng lồ của Bắc Kinh ở phía bên eo biển. Quân đội ĐCSTQ đang mở rộng khả năng chiến tranh hạt nhân, hải quân, không quân, mạng, tình báo và điện tử… với tốc độ kỷ lục. Theo ông Paparo, ngân sách quân sự của Trung Quốc có thể gấp 3 lần những gì ĐCSTQ công khai tuyên bố, con số theo ông khoảng 700 tỷ USD mỗi năm. Trong khi đó, ngân sách của Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương chỉ riêng trong năm nay đang thiếu 11 tỷ USD so với mức tài trợ cần thiết – theo một lá thư hồi tháng Ba người tiền nhiệm của Paparo gửi tới Quốc hội.
Việc tài trợ cho các chương trình quốc phòng không phải là vấn đề duy nhất. Quân đội Mỹ hiện không có cách nào đáng tin cậy để ngăn chặn tên lửa hành trình siêu thanh “sát thủ tàu sân bay” của Trung Quốc. Việc triển khai không gian của Mỹ cũng dễ bị Trung Quốc tấn công. Việc chuyển giao quân sự của Mỹ tới Đài Loan bị chậm tiến độ rất nhiều so với kế hoạch. Các quan chức Nhật Bản nói với tôi rằng chính quyền Tổng thống Biden đang trì hoãn yêu cầu của Tokyo về một lực lượng đặc nhiệm chung mới để giúp chuẩn bị cho một cuộc xung đột ở Đài Loan hoặc ở Biển Đông – những nơi ĐCSTQ ngày càng trở nên hung hãn.
Vấn đề phức tạp nữa là một cuộc xâm lược toàn diện Đài Loan không phải là lựa chọn duy nhất của Tập Cận Bình. Thay vì tấn công Đài Loan, ĐCSTQ có thể chỉ phong tỏa hòn đảo này, như họ đã làm vào tháng trước sau khi ông Lại Thanh Đức nhậm chức Tổng thống Đài Loan. Bắc Kinh còn có những lựa chọn khác như dùng biện pháp ép buộc kinh tế, can thiệp chính trị và đưa tin sai lệch để buộc người dân Đài Loan thống nhất với Trung Quốc. Việc chống lại những mối đe dọa này không thuộc phạm vi hoạt động của Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Theo tờ Washington Post, ông Paparo là một sĩ quan quân đội, tuy không giữ chức vụ ngoại giao quốc tế chính thức nhưng có quan điểm mạnh mẽ về cái mà ông gọi là chính phủ “theo chủ nghĩa xét lại và bành trướng” của ĐCSTQ. Ông tin rằng nỗ lực 40 năm của phương Tây nhằm thuyết phục Trung Quốc tự do hóa chính trị đã thất bại, đang khiến châu Á mở ra một kỷ nguyên mới nguy hiểm hơn do ĐCSTQ.
Theo Paparo, “Khu vực châu Á có hai lựa chọn: Một là có thể nhân nhượng và cuối cùng phải từ bỏ một số quyền tự do…; hoặc là có thể được trang bị vũ khí tận răng. Cả hai tình huống đều ảnh hưởng trực tiếp đến sự an toàn, tự do và hạnh phúc của công dân Mỹ”.
Tờ Washington Post có nhận định thừa nhận quan điểm mà ông Paparo cảnh báo. Không ai nghĩ rằng một cuộc chạy đua vũ trang ở châu Á là một kết quả lý tưởng. Nhưng nếu ĐCSTQ tiếp tục chạy đua vũ trang thì Mỹ và các đối tác không thể không theo. Như cố Tổng thống Mỹ George Washington đã chỉ rõ: “Chuẩn bị cho chiến tranh là một trong những biện pháp hiệu quả nhất để bảo vệ hòa bình”.
Từ khóa Quan hệ Trung Quốc - Đài Loan quan hệ Mỹ - Đài Loan Trung Quốc tấn công Đài Loan Đài Loan