Xung đột tại Biển Đông và mâu thuẫn Nhật – Trung xung quanh một hòn đảo gần Đài Loan không chỉ khiến người ta bàn về nguy hiểm của những cuộc xung đột nội bộ mà còn dấy lên nguy cơ cho rằng Mỹ bị kéo vào một cuộc chiến với Trung Quốc. Chủ nghĩa bánh trướng của Bắc Kinh không chỉ đe doạ lợi ích của đồng minh Mỹ ở Đông Á mà làm tổn hại đến cả thương mại quốc tế, do Biển Đông là tuyến đường hàng hải huyết mạch trung chuyển đến 40% hàng hóa toàn cầu.

china-us

Mặc dù cuộc chiến Mỹ-Trung nghe có vẻ kinh khủng như thế nào đi nữa, nó không nên được xem là hoang đường”, Rand Corporation, một tổ chức tư vấn (think tank) tại Mỹ cảnh báo thông qua một phân tích chi tiết mới công bố có tựa đề: “Chiến tranh với Trung Quốc: Suy nghĩ về điều không tưởng”.

Theo các tác giả, nếu một cuộc chiến xảy ra giữa hai nước, lợi ích chính trị, kinh tế, thậm chí là xã hội do dân cư Trung Quốc di chuyển đến châu Mỹ sẽ nhận những hậu quả thảm khốc. Thảm họa không chỉ đến với riêng với hai nước này, mà còn có thể là với vùng Đông Á và toàn thế giới. Cuộc chiến gần đây nhất giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc là chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên trong những năm 1950. Từ đó, hai cường quốc tránh trực tiếp đối đầu nhau, mà tham gia vào chiến tranh ủy nhiệm, như cuộc chiến ở Việt Nam.

Trung Quốc và Mỹ hiện là đối tác thương mại lớn nhất của nhau và mới đạt được đồng thuận trong hiệp ước Paris về biến đổi khí hậu mới đây ở Hàng Châu. Trong bài phát biểu thông báo hiệp ước này, Tổng thống Obama nói: “Khi mà các nước như Trung Quốc và Hoa Kỳ sẵn sàng đứng ra làm gương, thì việc tạo ra một thế giới an toàn hơn, thịnh vượng hơn và tự do hơn đối với tất cả chúng ta là điều khả thi”.

Tuy nhiên, không nên ảo tưởng vào những nụ cười rạng rỡ tại thượng đỉnh G20 ở Hàng Châu của nguyên thủ hai nước Trung Quốc và Hoa Kỳ. Trên thực tế, quan hệ Mỹ-Trung gần đây nổi lên khá căng thẳng, với việc Trung Quốc ngày càng ra mặt thách thức vị trí siêu cường số một của Mỹ. Điều này có thể thấy ngay trong sự kiện ông Obama tới Hàng Châu hôm 4/9. Tổng thống Mỹ là nguyên thủ duy nhất của một cường quốc hàng đầu không được đón tiếp bằng cầu thang riêng và thảm đỏ, ông phải quốc bộ xuống phi trường bằng cầu thang gắn sẵn tại bụng máy bay. Hồi tháng 5/2014, Nhà Trắng kết tội 5 quan chức quân đội Trung Quốc vì tấn công mạng vào các hệ thống máy tính của chính phủ và doanh nghiệp Mỹ.

Trong khi đó tại Biển Đông và Biển Hoa Đông, sự bành trướng của Trung Quốc đã đẩy đến thế đối đầu với một số đồng minh thân cận của Mỹ, trong đó có Nhật Bản. Tranh chấp Nhật-Trung xung quanh đảo Senkaku/Điếu Ngư và ràng buộc hiệp ước an ninh Mỹ-Nhật ký sau Thế Chiến II có thể khiến Mỹ bị kéo vào cuộc xung đột giữa Bắc Kinh và Tokyo.

Tại Washington, các chuyên gia của Rand Corporation đã hình dung ra điều tồi tệ nhất. Đây là một think tank được thành lập ngay sau Thế Chiến II và được đánh giá là có quan hệ mật thiết với giới quân sự Mỹ. Theo khẳng định trong bản nghiên cứu của họ này, mối căng thẳng trong khu vực đã đạt đến cấp độ có thể dẫn đến một cuộc đối đầu quân sự, thậm chí khốc liệt, giữa hai cường quốc.

Theo các chuyên gia này cả hai nước đang tập trung lực lượng quân đội trong những vùng, nơi căng thẳng ngày càng leo thang. Vì thế, phải chuẩn bị cho “điều không tưởng”. Cuộc chiến này nếu nổ ra thì không phải do hành động được chuẩn bị sẵn, mà do sự cố, những leo thang vượt ngoài dự liệu hay tính toán sai lầm từ bên này hoặc bên kia. Tổ chức Rand Corporation xem xét mọi mầm mống nhen nhóm có thể dẫn đến một cuộc xung đột vũ trang.

Biển Đông đã chứng kiến những lần đụng độ nghẹt thở của các chiến hạm Mỹ và Trung Quốc hồi đầu năm nay. Bầu trời trên Biển Đông cũng bị bao trùm bởi các tín hiệu radar Trung Quốc xây trên các đảo bồi tụ. Dù liên tục khẳng định tàu thuyền Mỹ sẽ neo đậu ở bất cứ “vùng biển quốc tế nào”, nhưng Lầu Năm Góc không thể thoải mái thực hiện “tự do hàng hải” khi tới lui Biển Đông. Bất cứ một sơ suất nào trong cuộc đối đầu căng thẳng cũng có thể khiến hai bên trả giá đắt.

Mâu thuẫn Nhật-Trung trên biển Hoa Đông cũng không lắng dịu, mà còn tiếp tục dâng cao hơn. Mùa hè năm 2016, Bắc Kinh đã điều khoảng 230 tầu cá và chục tàu hải giám hộ tốc đến đánh bắt xung quanh quần đảo Senkaku/Điều Ngư. Việc này khiến Tokyo tức giận triệu đại sứ Trung Quốc tới để phản đối.

Sau khi so sánh lực lượng quân sự giữa hai nước, RAND kết luận rằng nếu cuộc chiến này xảy ra vào năm 2015, Trung Quốc sẽ nhận một thất bại hoàn toàn. Tuy nhiên tới năm 2025 thì khoảng cách sức mạnh giữa hai cường quốc bị rút ngắn lại đáng kể vì Trung Quốc lúc đó sẽ đổ nhiều tiền vào ngân sách quốc phòng hơn. Tuy nhiên Mỹ có lợi thế về kinh nghiệm chiến tranh hiện đại. Lần cuối cùng Trung Quốc chiến đấu trong một cuộc chiến thực sự là năm 1979, còn Mỹ đã chiến đấu trong ít nhất 4 mặt trận kể từ năm 2001.

Về mặt tác động kinh tế, RAND cho rằng Trung Quốc sẽ bị thiệt hại nhiều hơn Mỹ nếu mà cuộc chiến này xảy ra, do hầu hết khu vực Tây Thái Bình Dương – con đường lưu chuyển hàng hoá lớn – trở thành mặt trận. Bắc Kinh cũng sẽ mất đi các đồng minh Châu Âu, những nước gần như chắc chắn sẽ ủng hộ Washington. Tóm lại, RAND ước tính Trung Quốc sẽ thiệt hại từ 25-35% GDP trong cuộc chiến trên biển Đông với Mỹ.

Tuy vậy, khả năng lớn là trước mắt Trung Quốc vẫn sẽ kéo căng tình trạng căng thẳng trong khu vực theo đường hướng mà họ vạch rã, nhưng sẽ không đẩy các nước láng giềng đi quá xa tới mức nổ ra một cuộc xung đột hay kích hoạt chiến tranh Mỹ-Trung. Các chuyên gia trong khi đó vẫn liên tục nhắc nhở Bắc Kinh và Washington về hậu quả của cuộc chiến mà cả hai bên đều không mong muốn – dù ít có khả năng xảy ra, nhưng hoàn toàn không phải là điều không tưởng.

Trọng Đức