Kinh nghiệm Singapore: Tiếng Anh cho công việc, tiếng mẹ đẻ để bảo tồn bản sắc
- sơn vũ
- •
Trong những ngày qua, đề xuất học chữ Hán trong phổ thông, rồi thí điểm học tiếng Trung, tiếng Nga từ lớp 3… đã làm dư luận Việt Nam bàn tán không ngớt. Nhiều người nhắc đến Singapore như một ví dụ “hoàn hảo” vì dùng tiếng Anh làm quốc ngữ mà kinh tế phát triển thành công. Nhưng lựa chọn đó của Singapore có phải là hoàn hảo không?
Bài phát biểu của Lý Quang Diệu năm 2004 là một trong những tuyên bố đầy đủ nhất thể hiện quan điểm của ông về chính sách ngôn ngữ, những phản ứng của từng nhóm người khi đưa tiếng Anh làm quốc ngữ, và giải pháp để không bị mất đi bản sắc của các dân tộc.
Qua đây, chúng ta có thể thấy vai trò Chính phủ nên có trong việc đảm bảo cả kinh tế và văn hóa cho người dân, và ở chiều ngược lại, những lựa chọn của người dân trước những quyết định của Chính phủ.
——
“Hãy bắt đầu từ sau cuộc chiến năm 1945, hoặc thậm chí là năm 1965. Chúng ta có những nhóm cộng đồng khác nhau – người Malay, người Hoa…
Ông Rajaratnam (Phó thủ tướng 1980-1985) tin tưởng rằng ”Chúng ta có thể tạo ra một dân tộc Singapore”. Về lý tưởng mà nói, tôi đồng tình. Nhưng thực tế mà nói, tôi biết đó sẽ là một chặng đường dài và gian nan; có thể chúng ta sẽ chẳng bao giờ tới đích, nhưng chúng ta vẫn nên nỗ lực.
Hãy tự hỏi bạn điều này. Nếu con bạn đưa về nhà một người bạn trai hay bạn gái thuộc dân tộc khác, bạn có vui không? Tôi sẽ nói thẳng, tôi không nghĩ mình sẽ vui. Nhưng có thể cuối cùng tôi vẫn chấp nhận. Điều đó đã nằm sâu trong tâm lý con người.
Trước khi chúng tôi đến Malaysia để thương thuyết về điều khoản nhập cảnh; giáo dục, ngôn ngữ và văn hóa đã là những vấn đề quan trọng. Ngay từ ban đầu, giáo dục đã là vấn đề nóng bỏng.
Chúng tôi đã làm gì trong vai trò Chính phủ? Từ 1959 đến 1965, chúng tôi có chính sách tự do học thuật. Chúng ta thừa hưởng từ trường tiếng Anh, trường Malay, Tamil (Ấn Độ) và các trường khác.
Khi chúng ta được độc lập năm 1965, Phòng thương mại Trung Quốc đến gặp tôi ở văn phòng. Họ hối thúc tôi hãy dùng tiếng Trung làm ngôn ngữ chính thức của quốc gia. Tôi nhìn thẳng vào mắt họ và nói, “Hẳn các anh điên rồi, tôi không muốn nghe thêm gì nữa. Nếu tiến sâu hơn, các anh đang đi vào đấu trường chính trị. Tôi sẽ đối đầu với các anh, bởi vì điều đó sẽ làm cho Singapore chia rẽ.”
Nếu tôi ngả theo hướng đó, mà hẳn các đồng sự của tôi sẽ không đồng ý, nếu tôi nói rằng, “Yes, Okay.” Điều gì sẽ xảy ra cho Singapore? Người Malay sẽ ra sao, và người Ấn sẽ thế nào? Người Hoa sử dụng tiếng Anh cũng sẽ phản đối chúng tôi. Đất nước sẽ chia năm xẻ bảy.
Xem thêm: Dạy chữ Hán trong phổ thông: Nên hay không?
Giả sử chúng ta chỉ có toàn người Hoa, không Malay, không Ấn Độ. Chúng ta có thể kiếm sống với tiếng Trung đóng vai trò ngôn ngữ hành chính và quốc gia không? Ai sẽ làm ăn với chúng ta? Làm sao tiếp cận kiến thức? Không có sự lựa chọn.
Chọn tiếng Anh làm ngôn ngữ chính thức của Chính phủ và hành chính, chúng ta phải làm gì với các ngôn ngữ mẹ đẻ? Nếu chúng ta không có bộ chính sách mà để tự do, các ngôn ngữ mẹ đẻ cuối cùng rồi sẽ biến mất. Bởi vì việc đầu tiên các bậc cha mẹ làm là đảm bảo cho con mình có thể kiếm sống.
Vì thế, cho dù có khó khăn, cho dù có trái ngược với quan niệm về xã hội thuần nhất, chúng tôi quyết định mỗi nhóm dân tộc sẽ học tiếng mẹ đẻ như là ngôn ngữ thứ hai. Tôi chắc rằng, các gia đình người Hoa nói tiếng Anh là không hài lòng nhất, và người Ấn cũng vậy. Người Malay thì vui vì gần như tất cả đều nói tiếng Malay ở nhà.
Đó là chính sách đúng hay sai? Nếu đưa tôi trở lại năm 1965, tôi nói rằng tôi sẽ vẫn chọn như vậy… Tôi có đưa nó vào luật không; bảo các học sinh trường tiếng Trung hãy đi sang trường tiếng Anh và chỉ học tiếng Trung như ngôn ngữ thứ hai?
Khi đó tôi nghĩ mình sẽ thua cuộc bầu cử tiếp theo. Sau khi độc lập, tỉ lệ ghi danh vào trường tiếng Trung là hơn 55% năm 1966. Nhiều bậc cha mẹ nghĩ, “Hãy học tiếng Trung. Chúng ta không còn thuộc Malaysia nữa.”
Tôi để yên như vậy. Tới thập niên 70, thị trường việc làm quyết định thay cho cha mẹ, và cán cân bắt đầu nghiêng về trường tiếng Anh… Quá nhanh đến nỗi tôi chỉ có cách khuyến cáo các phụ huynh hãy chậm lại, vì chúng tôi không đào tạo đủ giáo viên tiếng Anh.
[…]
Nhiều năm qua tôi luôn bị chỉ trích nặng nề bởi người Hoa học ở Malaysia, vì đã giết chết nền giáo dục tiếng Trung. Tôi là một cái cớ thuận tiện cho sự thất vọng của họ. Họ không thực sự ghét tôi. Họ nói, “Hãy nhìn xem. Xin đừng làm như vậy ở Malaysia.”
Nếu bạn có một hệ thống đồng nhất dựa trên ngôn ngữ quốc gia, điều đó sẽ là một vấn đề lớn cho cộng đồng người Hoa. Đó không phải là một vấn đề ở đây bởi vì tôi chưa từng bao giờ ép ai đi theo tiếng Anh. Họ có thể chọn tiếng Trung là ngôn ngữ chính và tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai. Nhưng triển vọng nghề nghiệp quyết định điều họ chọn.
Chúng ta có trở thành thuần nhất hoàn toàn, hay chỉ là một hỗn hợp ngôn ngữ và văn hóa? Không. Tại sao chúng tôi chọn con đường này. Vì không có lựa chọn nào khác. Nhưng nếu chúng ta chỉ có tiếng Anh và để cho các ngôn ngữ khác héo úa và phai tàn, chúng ta sẽ gặp vấn đề nghiêm trọng về bản sắc và văn hóa.
Làm sao tôi biết điều này? Bởi vì tôi đã học tiếng Trung trễ trong cuộc đời, và tôi khám phá lại lần nữa những điều đã nghe cha mẹ, ông bà nói: “À, đúng, thì ra nó là nghĩa như vậy.” Điều đó đồng cảm, rung động trái tim tôi. Tôi có muốn thấy nó mất đi không? Chắc chắn là không!…
Tôi nói với các bậc cha mẹ, “Hãy chăm sóc con cái cẩn thận. Nghĩ xem chúng có thể tiếp thu bao nhiêu – cái này hay cái khác – và quyết định điều các vị muốn.” Tôi sẽ cho các vị một loạt lựa chọn. Nếu các vị muốn tiếng Trung là ngôn ngữ chính, cứ tự nhiên. Hoặc tiếng Anh, bao nhiêu. Và bao nhiêu tiếng Trung. Một loạt lựa chọn. Nhưng hãy nhớ rằng quyết định là của các vị. Nếu các vị quyết định sai về năng lực của con các vị, đừng đổ tội cho Chính phủ.”
Từ khóa Lý Quang Diệu học tiếng Trung học tiếng Anh Singapore ngôn ngữ