Lao động cưỡng bức Tân Cương có thể tham gia vào chuỗi cung ứng sản xuất ô tô quốc tế
- Bình Minh
- •
Các nhà nghiên cứu cảnh báo, nếu bạn mua một chiếc ô tô trong vòng 5 năm trở lại đây, một số bộ phận của chúng có thể được chế tạo bởi những người bị cưỡng bức lao động ở Trung Quốc.
4 học giả từ Đại học Sheffield Hallam ở Anh và một nhóm các nhà nghiên cứu ẩn danh đã tiến hành một cuộc điều tra kéo dài 6 tháng. Họ phát hiện ra rằng Chính phủ Trung Quốc đã cố tình chuyển việc khai thác, xử lý nguyên liệu thô và sản xuất phụ tùng ô tô sang Tân Cương.
Điều này khiến hầu hết các nhà sản xuất ô tô quốc tế có “mối quan hệ lớn và ngày càng tăng” với các hành vi vi phạm nhân quyền ở Tân Cương.
Các nhà nghiên cứu cho biết trong một tuyên bố rằng điều này về cơ bản sẽ khiến “chuỗi cung ứng quốc tế phải tuân theo các chương trình đàn áp và lao động cưỡng bức có hệ thống”.
Sau khi phân tích các tài liệu công khai, nhóm đã tìm thấy mối liên hệ lớn và ngày càng tăng giữa các thương hiệu ô tô phương Tây với các hành vi lạm dụng ở Tân Cương, gồm: trang trí mui xe, khung ô tô, vỏ động cơ, nội thất và sản phẩm điện tử, v.v. Các bộ phận khác nhau của xe có thể đều bị nghi ngờ đã tham gia vào quá trình cưỡng bức lao động.
Các nhà nghiên cứu cho biết: “Chúng tôi đã tìm thấy 96 công ty khai thác, chế biến hoặc sản xuất liên quan đến ngành ô tô ở khu vực của người Duy Ngô Nhĩ. Trong số đó, 38 công ty đã đăng ký tham gia chương trình chuyển giao lao động. Hơn 100 nhà sản xuất ô tô và phụ tùng ô tô quốc tế, có thể thu mua từ các công ty này.”
“Kế hoạch luân chuyển lao động” của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) là chuyển một lượng lớn người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, và các dân tộc thiểu số khác đến nơi khác, với lý do “thoát nghèo”.
Theo phân tích, mục đích thực sự là thay đổi cơ cấu dân số của Tân Cương, và kiểm soát tư tưởng của các dân tộc thiểu số. Kế hoạch này cũng đang được sử dụng ở Tây Tạng. Nhiều chuyên gia quốc tế cho rằng hành vi này của ĐCSTQ liên quan đến tội ác chống lại loài người.
Báo cáo cũng chỉ ra, mọi thương hiệu ô tô lớn gồm Volkswagen, BMW, Honda, Ford, GM, Mercedes-Benz, Toyota, các thương hiệu thuộc sở hữu của Stellantis như Fiat, Chrysler, Dodge, và Jeep, Tesla và NIO, v.v., đều có nguồn gốc từ các công ty bị nghi ngờ tham gia cưỡng bức lao động.
Các nhà nghiên cứu cảnh báo rằng chính quyền Trung Quốc “đàn áp có hệ thống đối với người Duy Ngô Nhĩ, kết hợp với chuỗi cung ứng không minh bạch đã khiến ngành công nghiệp ô tô phụ thuộc vào các nhà cung cấp vi phạm nhân quyền.”
Cuộc khảo sát cho biết rủi ro lớn nhất đến từ “thép và nhôm” được sử dụng để chế tạo khung, trục, thân xe, vỏ động cơ, bánh xe và phanh, cùng những thứ khác.
“Với các khoản trợ cấp và ưu đãi từ Chính phủ Trung Quốc, các nhà sản xuất thép và nhôm lớn nhất thế giới đã chuyển đến khu vực Duy Ngô Nhĩ. Nhưng lốp xe, trang trí nội thất, kính chắn gió, pin và gần như mọi thành phần chính khác cũng tham gia vào đó,” các nhà nghiên cứu nói.
Nhóm nghiên cứu đang kêu gọi các công ty ô tô phương Tây hành động.
“Ngành công nghiệp ô tô không thể chờ đợi lâu hơn nữa, phải theo dõi chuỗi cung ứng của họ từ nguyên liệu thô”, bản tóm tắt của báo cáo cho biết thêm rằng “có những rủi ro đáng kể về mặt pháp lý, đạo đức và uy tín, nếu việc truy xuất nguồn gốc đầy đủ không được thực hiện.”
Trung Quốc bị cáo buộc giam giữ hơn 1 triệu người Duy Ngô Nhĩ và các dân tộc thiểu số khác trong những “trại cải tạo” ở vùng viễn tây của nước này.
Một báo cáo của Liên Hợp Quốc vào tháng Tám đã chỉ ra, những tội ác chống lại loài người có thể xảy ra ở Tân Cương.
Sau khi báo cáo được công bố, United Auto Workers (UAW) cũng kêu gọi các nhà sản xuất ô tô chuyển toàn bộ chuỗi cung ứng của họ ra khỏi khu vực Tân Cương của Trung Quốc.
“UAW khẩn trương kêu gọi ngành công nghiệp ô tô chuyển toàn bộ chuỗi cung ứng của mình ra khỏi khu vực này, và đầu tư vào các công việc được trả lương cao ở Hoa Kỳ, để giúp đáp ứng nhu cầu của chuỗi cung ứng,” nhóm này cho biết trong một tuyên bố.
Chủ tịch UAW, ông Ray Curry cho biết: “Cưỡng bức lao động và các hành vi vi phạm nhân quyền khác là không thể chấp nhận được trong nền kinh tế toàn cầu hiện đại.” “Hiện giờ là lúc ngành công nghiệp ô tô thiết lập các mô hình chuỗi cung ứng tiên tiến, để bảo vệ người lao động, nhân quyền và môi trường bên ngoài các khu vực của người Duy Ngô Nhĩ.”
Ông Curry cho biết điều này bao gồm một khoản tái đầu tư đáng kể trở lại Hoa Kỳ. Điều này sẽ “tạo ra cơ hội kinh tế, đưa các công việc sản xuất trở lại Hoa Kỳ” với sự trợ giúp của Đạo luật Trợ cấp Hoa Kỳ.
Ngày 5/10/2021, CNN đăng tải một video phỏng vấn, trong đó một cựu cảnh sát trinh thám của ĐCSTQ mô tả chi tiết về cách ông đã tra tấn người Duy Ngô Nhĩ để có được lời khai giả từ họ. CNN đã sử dụng từ “khủng bố” và “man rợ” để mô tả cảnh tra tấn trong trại cải tạo lao động Tân Cương. Tuy nhiên ĐCSTQ vẫn luôn phủ nhận việc này.
Ngày 31/10/2022, Ủy ban thứ Ba của Đại hội đồng LHQ (UN General Assembly Third Committee) đã tổ chức thảo luận liên quan vấn đề nhân quyền tại Tân Cương, Trung Quốc.
Theo AFP, có 50 nước đã ký văn kiện chung được hội luận tại Liên Hợp Quốc, lên án những vi phạm nhân quyền nghiêm trọng có hệ thống của ĐCSTQ gây ra ở Tân Cương.
50 nước ký kết bao gồm Mỹ, Vương quốc Anh, Pháp, Úc, Israel, Thổ Nhĩ Kỳ, Nhật Bản, Guatemala và Somalia.
Từ khóa Tân Cương Người Duy Ngô Nhĩ nhân quyền ở Tân Cương lao động cưỡng bức ở Tân Cương nhân quyền ở Trung Quốc