Tòa án Độc lập phán quyết TQ phạm tội diệt chủng người Duy Ngô Nhĩ tại Tân Cương
- Minh Ngọc
- •
Ngày 9/12, Tòa án Nhân dân Độc lập có trụ sở tại London đã ra phán quyết, chế độ Trung Quốc đã thực hiện hành vi diệt chủng người Duy Ngô Nhĩ và các dân tộc thiểu số Hồi giáo khác ở khu vực Tân Cương.
Ông Geoffrey Nice, chủ tọa Tòa án Độc lập (Ảnh: Getty Images)
Tòa án Duy Ngô Nhĩ phát hiện, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), thông qua một loạt các hành động đàn áp bao gồm giam giữ hàng loạt, chia tách các gia đình, ép buộc triệt sản và cưỡng bức lao động, đã thực thi “chính sách có chủ ý, có hệ thống và phối hợp” nhằm giảm dân số Duy Ngô Nhĩ tại khu vực Tân Cương.
Phát hiện được đưa ra trong bối cảnh cộng đồng quốc tế lên án mạnh mẽ ĐCSTQ về vi phạm nhân quyền tại Tân Cương và các khu vực khác, trước thềm Thế vận hội mùa đông Bắc Kinh 2022. Gần đây, Hoa Kỳ, Canada, Anh, Úc và Lithuania đã tuyên bố tẩy chay ngoại giao đối với Thế vận hội liên quan đến vấn đề này. Hoa Kỳ và quốc hội của một số quốc gia phương Tây đã chỉ đích danh cuộc đàn áp của Bắc Kinh ở Tân Cương là một tội ác diệt chủng.
Trích dẫn từ một tài liệu dài 60 trang, ông Geoffrey Nice, chủ tọa tòa án, đã liệt kê nhiều cách thức mà ĐCSTQ cùng các cơ quan chức năng của họ ở khu vực phía Tây Trung Quốc đã tước đoạt quyền của người Duy Ngô Nhĩ, khiến họ ngày càng bị gia tăng lạm dụng đến mức độ diệt chủng. Ông Nice tập trung vào việc các tù nhân Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương bị ngược đãi.
Cơ sở pháp lý cho sự phân loại này phần lớn dựa theo tiền lệ được đặt ra bởi Công ước về Ngăn chặn và Trừng phạt Tội ác Diệt chủng, một hiệp ước quốc tế được Đại hội đồng Liên Hợp Quốc thông qua vào ngày 9/12/1948.
Những hình thức ngược đãi không tả xiết
Việc giam giữ hàng loạt người Duy Ngô Nhĩ tạo tiền đề cho vô số hình thức ngược đãi, sỉ nhục, tra tấn và giết người ngoài tư pháp. Ông Nice đã trích dẫn lời khai của các nhân chứng tại các phiên xét xử của tòa hồi tháng 6 và tháng 9 để ủng hộ quyết định này.
“Hàng trăm nghìn người Duy Ngô Nhĩ, ước tính vượt quá con số 1 triệu, đã bị chính quyền CHND Trung Hoa [Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa] giam giữ mà không có bất kỳ lý do nào, và phải chịu các hành vi tàn ác vô lương tâm, đồi trụy và vô nhân đạo,” ông nhấn mạnh.
Có tới 50 tù nhân cùng một lúc bị nhồi nhét trong các phòng giam 22 mét vuông. Họ không đủ chỗ để nằm trên sàn, buộc phải thả mình vào trong các xô múc nước, sao cho camera giám sát có thể nhìn thấy đầy đủ các tù nhân. Họ còn phải chịu các phương pháp tra tấn như như nhổ móng tay và bị đánh bằng gậy. Các quan chức đã bắt họ ngồi trên ghế, giữ chặt chân hoặc tay của họ trong suốt nhiều giờ hoặc nhiều ngày, và nhốt họ trong thùng chứa nước lạnh tới cổ. Một số người lại bị cùm chặt chân, ông Nice cho hay.
Ông nói thêm, tình trạng cưỡng bức và bạo lực tình dục phụ nữ cũng rất phổ biến. Một phụ nữ trẻ đã bị cảnh sát cưỡng hiếp tập thể trước sự chứng kiến của hàng trăm tù nhân khác. Đây là một hình thức răn đe rằng, điều này sẽ xảy ra với những người khác nếu họ vượt khỏi ranh giới. Giữ lại thức ăn không cho ăn để trừng phạt, hoặc làm nhục cũng là những phương pháp tra tấn và sỉ nhục thường xuyên diễn ra.
Ông Nice khẳng định, hậu quả tích lũy của các hình thức ngược đãi và tra tấn khác nhau này dẫn đến tội diệt chủng. Một số người có thể cố gắng bác bỏ cáo buộc diệt chủng, và khăng khăng rằng những gì thực sự đang diễn ra ở khu vực Tân Cương chỉ là nỗ lực lâu dài nhằm khiến người Duy Ngô Nhĩ đồng hóa với văn hóa xã hội của Trung Quốc. Nhưng ông Nice và các đồng nghiệp của ông hoàn toàn không tin vào những lập luận như vậy.
Ngày 9/12/1948, Liên Hợp Quốc thông qua nghị quyết số 260A “Công ước Ngăn chặn và trừng trị tội diệt chủng”, gọi gắt là Công ước CPPCG. Công ước này có hiệu lực vào ngày 12/1/1951, trong đó, điều thứ 2 đã định nghĩa hành vi diệt chủng: Cố ý tiêu diệt toàn bộ hoặc cục bộ một dân tộc quốc gia, nhóm dân tộc, chủng tộc hoặc đoàn thể tôn giáo, người phạm phải một trong những hành vi dưới đây:
– Sát hại thành viên của đoàn thể;
– Khiến cho thành viên của đoàn thể này chịu tổn hại nghiêm trọng về thân thể hoặc tinh thần;
– Cố ý khiến đoàn thể này rơi vào tình huống sinh sống nào đó, để hủy diệt mạng sống của toàn bộ hoặc cục bộ;
– Cưỡng chế thực thi biện pháp, ý đồ ngăn chặn thành viên của đoàn thể này sinh đẻ;
– Cưỡng chế hoặc dịch chuyển trẻ em của đoàn thể này đến một đoàn thể khác;
Ông Nice nhắc lại nội dung Công ước Diệt chủng năm 1948, và nhận định: “Một số người có thể nói rằng những gì đang diễn ra ở Tân Cương chỉ là sự khuyến khích đồng hóa các nhóm… và rằng CHND Trung Hoa có thể chỉ đơn giản là củng cố an ninh và biên giới cho một quốc gia thống nhất.” Theo ông, lối suy nghĩ như vậy hoàn toàn sai lầm. Dù đạt được điều đó thông qua khuyến khích hay thông qua vũ lực, sự đồng hóa hàng loạt sẽ làm vô hiệu giá trị của sự đa dạng, vốn thể hiện trong những cách thức con người sống và cư xử.
Ông nhìn nhận: “Có thể nói rằng phương pháp diệt chủng liên quan đến bản án này, một tội ác diệt chủng mà bằng chứng là các tội ác chống lại loài người và cùng các hình thức tra tấn khác, thực sự là nghiêm trọng.”
Gọi đúng tên riêng “Tội ác diệt chủng”
Theo ông Nice, các chính trị gia và công dân đều có thể lên tiếng ủng hộ người Duy Ngô Nhĩ. Sự vận động tích cực và liên tục của những cá nhân cùng các tổ chức có liên quan có thể chứng tỏ hiệu quả trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng nhân quyền. Mặc dù bản thân tòa án có thể đưa ra các khuyến nghị, nhưng quyền hạn của tòa lại bị hạn chế.
“Tòa án không có quyền xử phạt dưới bất kỳ hình thức nào đối với CHND Trung Hoa hoặc các cá nhân tại CHND Trung Hoa. Nó giả định rằng các chính trị gia, xã hội dân sự, các tổ chức phi chính phủ và các cá nhân quyền lực có quyền xử phạt, và những ai có thể lên tiếng về những vấn đề mà phán quyết này nêu ra đều có thể làm vậy,” ông Nice cho biết.
Ông tiếp tục, phần lớn thông tin được trình bày trong phiên điều trần đã được công bố rộng rãi trong suốt một thời gian. Trong khi Hoa Kỳ, Liên minh Châu Âu và các cường quốc khác đã có một số hành động về vấn đề người Duy Ngô Nhĩ, nhưng những hành động và tuyên bố của họ cho đến nay vẫn còn thiếu là một lời kêu gọi rõ ràng đối với sứ mệnh và mục đích của Công ước Diệt chủng.
Ông Nice kết luận, hiện nay tòa án đã công khai phán quyết của mình, hy vọng tất cả các bên yêu cầu hành động đối với cuộc khủng hoảng từ thời điểm này trở đi sẽ gọi cuộc đàn áp người Duy Ngô Nhĩ bằng đúng tên riêng và yêu cầu chấm dứt tội ác diệt chủng.
Minh Ngọc (Theo The Epoch Times)
Xem thêm:
Từ khóa giảm dân số người Duy Ngô Nhĩ diệt chủng người Duy Ngô Nhĩ Tòa án độc lập ở Anh điều tra diệt chủng người Duy Ngô Nhĩ