Chỉ còn chưa đầy 70 ngày nữa là đến cuộc bầu cử Mỹ năm 2024, các ứng cử viên của cả hai đảng – từ thành viên Quốc hội đến ứng cử viên tổng thống – đã đề cập đến Trung Quốc nhiều lần trong các quảng cáo tranh cử, tần suất hơn nhiều so với những năm trước. Cả hai đảng đều nhấn mạnh lập trường cứng rắn của họ đối với Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) trong chiến dịch bầu cử.

du an moi
(Ảnh minh họa: Shutterstock)

Tờ Washington Post hôm thứ Hai (2/9) đưa tin, theo cơ sở dữ liệu quảng cáo chính trị AdImpact, cho đến nay trong cuộc bầu cử năm 2024, đã có 171 quảng cáo tranh cử dành cho các thành viên Quốc hội hoặc ứng cử viên tổng thống có nội dung liên quan đến Bắc Kinh. Các vấn đề với Trung Quốc đã trở nên đặc biệt nóng bỏng trong năm bầu cử này, khi căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng gia tăng.

Cùng với việc các ứng cử viên đang rơi vào một cuộc giằng co, cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa hiện đang nhắm vào thái độ của đối thủ đối với ĐCSTQ để nêu bật lập trường cứng rắn của họ đối với Trung Quốc, đồng thời hy vọng sử dụng điều này để tăng cơ hội thắng cử.

Những quảng cáo này thể hiện quan điểm tiêu cực về Trung Quốc dưới sự cai trị của ĐCSTQ, và cũng làm tăng khả năng Quốc hội sẽ có những chính sách cứng rắn hơn đối với Trung Quốc trong tương lai.

Theo một cuộc thăm dò của Gallup hồi đầu năm nay, khoảng 80% người Mỹ cho biết họ có cái nhìn tiêu cực về Trung Quốc Cộng sản. Nhiều người Mỹ liên tưởng Trung Quốc với đại dịch COVID-19, cuộc khủng hoảng fentanyl và những tai ương kinh tế của Hoa Kỳ.

“Hiện tại, Bắc Kinh không được người Mỹ hoan nghênh  đến mức đó”, cố vấn chính trị Đảng Cộng hòa Whit Ayres nói với tờ Washington Post,Nhiều người cho rằng họ phạm tội trộm cắp tài sản trí tuệ và không tuân theo luật lệ.” 

Các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc bị cáo buộc ăn cắp tài sản trí tuệ của Mỹ, và chính quyền ĐCSTQ bị cáo buộc vi phạm luật thương mại quốc tế và môi trường, bán phá giá một lượng lớn sản phẩm giá rẻ vào thị trường Mỹ, gây ảnh hưởng đến các thực thể trong nước của Mỹ, đồng thời cố gắng sử dụng các thủ đoạn không chính đáng trong phát triển các công nghệ tiên tiến và khai thác các khoáng sản quan trọng để vượt qua nước Mỹ.

Các vấn đề liên quan đến Trung Quốc trở thành chủ đề tranh cử của cả hai bên

Những tuyên bố cứng rắn về Trung Quốc từ lâu đã xuất hiện trong các chiến dịch tranh cử ở Mỹ. Ví dụ, cựu Tổng thống Trump đã coi thuế quan đối với Trung Quốc là trọng tâm trong chiến dịch tranh cử năm 2016 của ông, chủ trương này của ông đã giành được sự ủng hộ mạnh mẽ từ cử tri ở các bang Vành đai rỉ sét, nơi ngành sản xuất bị suy thoái vì nhiều công việc sản xuất của Mỹ được chuyển sang Trung Quốc.

Dấu hiệu mới nhất là các đảng viên Đảng Dân chủ đang bắt đầu thúc đẩy chủ đề này một cách quyết liệt hơn so với trước đây, trong khi trước đây các đảng viên Cộng hòa có quan điểm diều hâu thường đưa ra vấn đề này.

Cuộc đua vào Thượng viện miền Trung Tây năm nay vô cùng căng thẳng. Một số đảng viên Đảng Dân chủ đương nhiệm ở các bang dao động, hoặc ở trong các cuộc đua sít sao, đang cố gắng đả kích các đối thủ Đảng Cộng hòa của họ về vấn đề Trung Quốc khi tái tranh cử, để duy trì đa số mỏng manh của họ tại Thượng viện.

Trong cuộc bầu cử năm 2020, khoảng 82% quảng cáo liên quan đến Trung Quốc trong các cuộc đua vào Thượng viện là của Đảng Cộng hòa hoặc các nhóm được Đảng Cộng hòa ủng hộ. Đối với cuộc bầu cử năm 2024 cùng kỳ, hầu hết các quảng cáo liên quan đến Trung Quốc đều do Đảng Dân chủ tài trợ, trong khi Đảng Cộng hòa chỉ chiếm 36%.

Một phân tích do Tổ chức Carnegie vì Hòa bình Quốc tế (Carnegie Endowment for International Peace) công bố cho thấy, kể từ năm 2019, Quốc hội Mỹ đã áp dụng thái độ cứng rắn hơn đối với Bắc Kinh, với số dự luật liên quan đến Trung Quốc được đưa ra năm 2021 nhiều gấp 6 lần so với năm 2013.

Trong những năm gần đây, Quốc hội Mỹ đã phân bổ hàng tỷ đô la để hiện đại hóa quân đội và chuẩn bị cho những thất bại trong tương lai trước sức mạnh quân sự của ĐCSTQ. Quốc hội cũng hạn chế khả năng tiếp cận của Bắc Kinh với các con chip tiên tiến của nước ngoài và tăng cường nỗ lực xây dựng các liên minh toàn cầu.

Nghị sĩ đảng Cộng hòa Andy Barr nói với tờ Washington Post: “Người dân Mỹ đã bắt đầu nhận ra thực tế rằng ĐCSTQ thực sự là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia”.

Phân biệt rõ ĐCSTQ và Trung Quốc

Tuy nhiên, một số người lo ngại rằng những chính sách và nhận xét tấn công Bắc Kinh này có thể ảnh hưởng đến người Trung Quốc tại Mỹ, trong đó có người Mỹ gốc Hoa. Theo báo cáo của FBI, kể từ khi dịch COVID bùng phát, tội phạm liên quan đến thù hận đối với người Mỹ gốc Á tăng mạnh.

Vì vậy, việc phân biệt rõ giữa ĐCSTQ và người dân Trung Quốc là rất quan trọng.

Trong một lá thư gửi 9 cơ quan Chính phủ vào tháng 3 năm nay, Dân biểu Đảng Cộng hòa James Comer, Chủ tịch Ủy ban Giám sát Hạ viện, cảnh báo rằng tuyên truyền của ĐCSTQ coi các hành động phân biệt chủng tộc và bạo lực là các cuộc tấn công nhắm vào người gốc Hoa, qua đó chia rẽ cộng đồng người Hoa và Mỹ, hơn nữa, dưới vỏ bọc của cộng đồng hải ngoại, các xã hội dân chủ cởi mở dễ bị ảnh hưởng hơn trước mặt trận thống nhất của ĐCSTQ.

Ông viết: “Điều quan trọng là chúng ta tránh làm trầm trọng thêm sự chia rẽ chủng tộc giữa người Mỹ gốc Hoa và người Mỹ, điều này sẽ thúc đẩy cuộc chiến chính trị của ĐCSTQ”.