Laura Harth: Bắc Kinh nỗ lực lật đổ hệ thống nhân quyền của LHQ
- Minh Ngọc
- •
Theo nhà hoạt động nhân quyền Laura Harth, chế độ cộng sản Trung Quốc đang cố gắng lật đổ hệ thống nhân quyền toàn cầu để tránh phải chịu trách nhiệm về các cuộc đàn áp nhân quyền trong biên giới của chính mình.
Bà Harth, giám đốc chiến dịch của tổ chức phi lợi nhuận Safeguard Defenders có trụ sở tại Madrid (Ảnh minh họa: Getty Images)
Bà Harth, giám đốc chiến dịch của tổ chức phi lợi nhuận Safeguard Defenders có trụ sở tại Madrid, cho biết chế độ này đã hoạt động tích cực tại Hội đồng Nhân quyền (HRC), cơ quan cao nhất của Liên Hợp Quốc về nhân quyền, nhằm thay đổi các quy tắc xung quanh việc Liên Hợp Quốc giám sát hồ sơ nhân quyền của các quốc gia.
“Họ đang đề xuất định nghĩa này: ý tưởng về nhân quyền mang đậm nét Trung Quốc, mang đậm nét xã hội chủ nghĩa,” bà Harth nói với chương trình “American Thought Leaders” của EpochTV.
Ví dụ, hồi tháng 6 năm ngoái, HRC đã thông qua một nghị quyết do Trung Quốc đề xuất về “hợp tác các bên cùng có lợi”, mà nhiều nhà phân tích cho rằng đó là nỗ lực thay thế nghị quyết “chỉ đích danh và làm xấu hổ” (name and shame) bằng “đối thoại mang tính xây dựng liên quan đến quốc gia vi phạm nhân quyền. Nghị quyết, được thông qua trong một cuộc bỏ phiếu với tỷ lệ 23-16, “tìm cách đặt lại luật nhân quyền quốc tế như một vấn đề về mối quan hệ giữa nhà nước với nhà nước… và không có vai trò ý nghĩa nào đối với xã hội dân sự”, theo báo cáo năm 2020 của Viện Brookings.
Vấn đề mà Bắc Kinh nhắm tới chính là họ “đang viết lại hoàn toàn tiền đề của những gì mà Tuyên ngôn Nhân quyền muốn thực hiện,” bà Harth nhận định. “Họ đang viết lại kho ngữ liệu quốc tế.”
Tháng 7/2020, chính quyền Trung Quốc đã tập hợp được 53 quốc gia, trong đó có 13 quốc gia khi đó có mặt trong HRC, ủng hộ Luật An ninh Quốc gia hà khắc áp đặt lên Hồng Kông. Chỉ có 27 nước chỉ trích đạo luật áp đặt các hình phạt khắc nghiệt đối với tội phạm chính trị, vốn được sử dụng nhằm bịt miệng và bắt giữ những tiếng nói ủng hộ dân chủ tại đặc khu này.
Nếu chế độ Trung Quốc thành công trong việc định hình lại khuôn khổ quyền quốc tế nhằm ưu tiên các nguyên tắc của Bắc Kinh, chẳng hạn như không can thiệp vào các vấn đề nội bộ của đất nước, thì HRC sẽ không còn là một diễn đàn để các nhà hoạt động nhân quyền trên toàn thế giới thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền ở bất kỳ quốc gia nào, bà Harth cảnh báo.
Chính quyền Biden đã tái gia nhập hội đồng Liên Hợp Quốc gồm 47 thành viên vào đầu năm nay. Trước đó, cựu Tổng thống Donald Trump đã rút Hoa Kỳ khỏi tổ chức này, với lý do hội đồng LHQ có định kiến với Israel và nhiều thành viên trong hội đồng này chính là những kẻ vi phạm nhân quyền tồi tệ nhất thế giới.
HRC hiện bao gồm các quốc gia Trung Quốc, Cuba, Eritrea, Nga và Venezuela — tất cả đều là những thủ phạm vi phạm quyền.
Đối với bà Harth, chế độ Trung Quốc đặc biệt nguy hiểm vì họ không chỉ tiến hành đàn áp tàn bạo các dân tộc thiểu số, tín đồ tôn giáo và những người bất đồng chính kiến trong nước mà còn xuất khẩu chiến lược độc đoán của mình ra toàn cầu.
Bà khẳng định: “Trung Quốc đang từng bước thiết lập lại luận điệu của cuộc tranh luận, đặt ra chủ đề của cuộc tranh luận, thay đổi… sự hiểu biết về nhân quyền, định nghĩa nhân quyền.”
Minh Ngọc (Theo The Epoch Times)
Xem thêm:
Từ khóa Dòng sự kiện Trung Quốc đàn áp nhân quyền Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc Laura Harth