Liên Hợp Quốc và Trung Quốc đã bị cáo buộc cùng nhau tạo ra một “sự bế tắc thuận tiện cho cả hai bên” sau khi cơ quan nhân quyền LHQ xác nhận rằng họ sẽ không công bố báo cáo về các vụ lạm dụng ở khu vực Tân Cương của Trung Quốc trước Thế vận hội Mùa đông.

Embed from Getty Images

Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên hợp quốc (OHCHR) cho biết vẫn chưa có mốc thời gian để công bố báo cáo đầu tiên về khu vực. Báo cáo này đã được thực hiện trong ba năm và được cho là đã sẵn sàng để xuất bản.

“Tôi e rằng chúng tôi chưa có lịch cập nhật để xuất bản báo cáo. Tuy nhiên, tôi hiểu rằng nó sẽ chưa sẵn sàng để xuất bản trước khi Thế vận hội Mùa đông bắt đầu vào thứ Sáu tuần này,” phát ngôn viên của OHCHR, Liz Throssell cho biết.

Trước đó đã có thông tin rằng chính phủ Trung Quốc đã yêu cầu Liên Hợp Quốc trì hoãn việc phát hành báo cáo cho đến sau Thế vận hội, kết thúc vào ngày 20/2.

Trong khi đó, Hoa Kỳ đã gây áp lực buộc Liên Hợp Quốc phải xuất bản báo cáo trước lễ khai mạc vào thứ Sáu này, với sự tham dự của Tổng Thư ký LHQ António Guterres.

Cả OHCHR và Trung Quốc cũng chưa đàm phán thống nhất được về yêu cầu đến thăm Tân Cương độc lập của người đứng đầu cơ quan nhân quyền Michelle Bachelet.

Bà Bachelet, cao ủy nhân quyền của LHQ, đã đàm phán với Bắc Kinh từ tháng 9 năm 2018 về chuyến thăm đến Tân Cương mà không bị giám sát. Khu vực này là nơi khoảng 1 triệu người Duy Ngô Nhĩ được cho là đã bị giam giữ hàng loạt.

Tuy nhiên, Bắc Kinh nói với OHCHR rằng chuyến thăm nên mang tính chất “thân thiện” và không nên được đóng khung như một cuộc điều tra.

Nhưng các tài liệu do tờ SCMP thu được cho thấy lập trường đàm phán của Trung Quốc không thay đổi kể từ năm 2019, đặt ra câu hỏi về bản chất của các cuộc đàm phán nói trên.

Trong một bức thư ngày 31 tháng 5 năm 2019, đại diện thường trực của Trung Quốc tại văn phòng Liên hợp quốc ở Geneva, Chen Xu, đã mời bà Bachelet “thăm Trung Quốc, bao gồm Bắc Kinh và khu tự trị Tân Cương, từ ngày 15 đến ngày 22 tháng 6 năm 2019”.

Theo điều lệ của OHCHR, một “sứ mệnh tìm hiểu thực tế” nên phải được tiến hành theo các điều kiện của phái đoàn chứ không phải quốc gia chủ nhà.

Nó phải đảm bảo “quyền tự do đi lại trong cả nước”, cũng như quyền tự do tìm hiểu, bao gồm “quyền tiếp cận tất cả các nhà tù, trung tâm giam giữ và nơi thẩm vấn”, “tiếp xúc bảo mật và không bị giám sát với nhân chứng và cá nhân khác”.

Emma Reilly, một cựu quan chức nhân quyền của LHQ, cho biết những lời mời của Trung Quốc vào năm 2019 và 2022 hứa hẹn “không hơn một chuyến tham quan có hướng dẫn viên”.

Nếu họ đã đàm phán trong ba năm mà không có bất kỳ tiến triển nào đối với ‘quyền tiếp cận không bị kiểm soát’ này, thì phải chăng tốt hơn cả là chấp nhận rằng họ sẽ không đạt được những gì họ muốn và xuất bản báo cáo, bà Reilly đặt câu hỏi.

Bà mô tả mối quan hệ bất ổn rõ ràng giữa LHQ và Trung Quốc là một “sự bế tắc đôi bên cùng có lợi”, đồng thời nói rằng các sếp cũ của bà tại LHQ không có ý muốn làm phiền lòng Trung Quốc. 

Bà Reilly đã bị LHQ sa thải vào tháng 11 sau khi công bố bằng chứng cho thấy tổ chức này đang chia sẻ tên của những người bất đồng chính kiến ​​với chính phủ Trung Quốc.

Trong khi đó, các tài liệu bị rò rỉ khác cho thấy những nỗ lực bền bỉ của Trung Quốc nhằm ngăn LHQ công khai lên án hoặc thậm chí bình luận về các cáo buộc vi phạm nhân quyền ở Tây Tạng và Tân Cương. Chúng cho thấy Bắc Kinh có động thái ngăn cản các quan chức LHQ đăng cai tổ chức hoặc gặp gỡ các đại diện từ Đài Loan, Tây Tạng hoặc Tân Cương.

Năm 2012, sau khi OHCHR công bố lên án các điều kiện ở Tây Tạng, Trung Quốc đã phản ứng gay gắt.

Năm 2014, các quan chức Trung Quốc thúc giục LHQ từ chối các nhà hoạt động Duy Ngô Nhĩ tiếp cận Hội đồng Nhân quyền của LHQ, yêu cầu “không có quan chức nào của [Văn phòng LHQ tại Geneva] gặp những người này hoặc chấp nhận bất kỳ tài liệu nào họ cung cấp”.

Nhiều nhà nhà lập pháp phương Tây đã thúc giục LHQ công bố báo cáo của mình trước Thế vận hội, cáo buộc Bắc Kinh đang cố gắng củng cố danh tiếng của mình thông qua các sự kiện thể thao uy tín.

Reinhard Bütikofer, người đứng đầu phái đoàn của Nghị viện Châu Âu tại Trung Quốc cho biết: “Khi sự chú ý của thế giới hướng về Thế vận hội Bắc Kinh, chúng tôi không thể cho phép chính phủ Trung Quốc ‘tẩy trắng’ về những hành động tàn bạo đang diễn ra ở khu vực Tân Cương.”

Một nhóm các nhà lập pháp lưỡng đảng của Hoa Kỳ đã viết thư cho bà Bachelet vào tháng trước, nhắc nhở bà rằng văn phòng của bà đã hứa rằng báo cáo sắp có vào tháng 9 năm 2021.

“Chúng tôi tin rằng ấn phẩm này sẽ gửi một lời nhắc nhở quan trọng rằng không quốc gia nào có thể trốn tránh sự giám sát của quốc tế vì đã tham gia vào các vụ vi phạm nhân quyền nghiêm trọng,” họ viết.

Xuân Lan (theo SCMP)

Xem thêm: