243 tổ chức phi chính phủ kêu gọi tẩy chay ngoại giao Olympic Bắc Kinh 2022
- Mộc Vệ
- •
Trước thềm Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh sắp được tổ chức, 243 tổ chức phi chính phủ trên thế giới đã ra tuyên bố chung kêu gọi chính phủ các nước tẩy chay về mặt ngoại giao cũng như thúc đẩy các vận động viên và các nhà tài trợ không “hợp pháp hóa” cuộc đàn áp nhân quyền của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).
243 tổ chức phi chính phủ kêu gọi tẩy chay ngoại giao
Hôm thứ Năm (27/1), tổ chức nhân quyền Human Rights Watch (HRW) có trụ sở tại New York đã ra tuyên bố chung lên án cuộc đàn áp nhân quyền của ĐCSTQ và kêu gọi tẩy chay ngoại giao đối với Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh.
Tuyên bố nêu rõ ĐCSTQ đã và đang xâm hại trên quy mô lớn đối với người Duy Ngô Nhĩ, người Tây Tạng, các dân tộc thiểu số và những người theo tôn giáo của tất cả các nhóm tín ngưỡng độc lập. ĐCSTQ bóp nghẹt “xã hội dân sự” độc lập bằng cách đàn áp các nhà hoạt động nhân quyền, nữ quyền, luật sư, truyền thông…
Ngoài ra, ĐCSTQ tiếp tục đe dọa cộng đồng người nước ngoài, các nhân vật đại chúng và các công ty bên ngoài Trung Quốc thông qua hoạt động trấn áp tinh vi xuyên quốc gia.
Sophie Richardson, Giám đốc bộ phận Trung Quốc tại HRW cho biết: “Nước chủ nhà đang phạm tội nghiêm trọng chống lại luật pháp quốc tế, cho nên Thế vận hội Mùa đông không thể ‘hướng thiện’ như Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) tuyên bố”.
Thế vận hội Mùa đông có thể hợp lý hóa tội ác của ĐCSTQ
“Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh [diễn ra bình thường] không khác gì gửi tín hiệu cho thế giới rằng chính phủ của Tập Cận Bình là (chế độ) bình thường”, giám đốc điều hành Renee Xia của tổ chức phi chính phủ Bảo vệ Nhân quyền Trung Quốc (Chinese Human Rights Defenders) cho biết, “Khi thế giới hợp pháp hóa kiểu hành vi ngược đãi này thì những nạn nhân càng khó hơn để đứng lên chống lại bất công”.
Theo thông cáo, kể từ năm 2015 khi Trung Quốc giành được quyền đăng cai Thế vận hội Mùa đông 2022, các tổ chức phi chính phủ và các hãng truyền thông đã ghi lại nhiều vi phạm nhân quyền nghiêm trọng của ĐCSTQ. Bao gồm:
Tùy tiện giam giữ, tra tấn và cưỡng bức lao động hàng triệu người Duy Ngô Nhĩ và các nhóm dân tộc Thổ Nhĩ Kỳ khác ở Tân Cương; phá hoại nền truyền thông độc lập và thể chế dân chủ của Hồng Kông; sử dụng hệ thống giám sát công nghệ cao để theo dõi những người bất đồng chính kiến chống lại bất công, đàn áp những nhà hoạt động truyền thông độc lập như Trương Triển (Zhang Zhan), giam giữ tùy tiện, tra tấn và cưỡng chế mất tích những người bảo vệ nhân quyền như Gao Zhisheng (Cao Trí Thịnh) và Guo Feixiong.
Omer Kanat, giám đốc điều hành của Dự án Nhân quyền Duy Ngô Nhĩ nhấn mạnh: “Vinh quang của Thế vận hội không thể che giấu tội ác diệt chủng. Thật khó hiểu tại sao người ta lại có thể chào mừng tình hữu nghị quốc tế và ‘giá trị Olympic’ ở Bắc Kinh”.
Còn Bhuchung Tsering, phó chủ tịch Ban Vận động Quốc tế vì Tây Tạng (International Campaign for Tibet) cũng nêu rõ: “Ủy ban Olympic Quốc tế cho biết không thể hòa trộn thể thao và chính trị, nhưng ĐCSTQ đã sử dụng Thế vận hội Bắc Kinh 2008 vì mục đích phục vụ lợi ích chính trị của họ”.
Giáo sư Rafael Medoff, chuyên nghiên cứu về lịch sử Do Thái và là giám đốc sáng lập của viện nghiên cứu The David S. Wyman Institute for Holocaust Studies, nhận định: “Thực tế là vào lúc Thế vận hội Mùa đông được cử hành ở đất nước Trung Quốc cộng sản thì nạn diệt chủng cũng đang diễn ra tại đó.” Ông so sánh việc Đức Quốc xã của Hitler đăng cai Thế vận hội cách đây 86 năm cũng giống như ý định của ĐCSTQ khi đăng cai Thế vận hội ngày nay.
Thực tế là ĐCSTQ đã phá hủy và làm hư hại gần 16.000 nhà thờ Hồi giáo, một số bị biến thành vũ trường. Họ còn đốt kinh sách và sách tôn giáo, đồng thời giam cầm hàng ngàn nghệ sĩ, học giả, nhà văn và người nổi tiếng. Chính sách phát xít trên đi ngược lại tinh thần Olympic.
Ngày 21/1 mới đây, Bộ Ngoại giao Mỹ đã lên án bản án đối với 11 học viên Pháp Luân Công, cao nhất lên đến 8 năm tù, chỉ vì họ thực hành niềm tin tôn giáo của mình. Phán quyết của tòa hôm ngày 14/1 được đưa ra chỉ vài tuần trước khi Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh 2022 khai mạc. Thượng nghị sĩ Mỹ Rick Scott nói với Epoch Times: “Cuộc đàn áp của ĐCSTQ đối với các nhóm thiểu số tôn giáo là vô tình.”
“Cuộc tấn công mới nhất này nhằm vào những người tập Pháp Luân Công, những người đã cung cấp thông tin về đại dịch, là bằng chứng mới nhất về sự tàn bạo của họ (ĐCSTQ), và do đó càng có lý do để cắt đứt liên lạc và ngừng ủng hộ chính quyền tà ác này.”
Lên án các nhà tài trợ Olympic
Tuyên bố cũng cáo buộc các nhà tài trợ toàn cầu của Olympic như Airbnb, Alibaba, Allianz, Atos, Coca-Cola, Intel, Omega, Procter & Gamble, Samsung… đã không thực hiện trách nhiệm thẩm tra nhân quyền của họ.
Hồi tháng 7/2021, tại một phiên điều trần quốc hội, Thượng nghị sĩ Tom Cotton đã hỏi tại sao Coca-Cola công khai phản đối luật bỏ phiếu gây tranh cãi của bang Georgia, nhưng lại giữ im lặng về các vấn đề nhân quyền ở Trung Quốc trước Olympic Bắc Kinh. Ông Paul Lalli, Giám đốc Nhân quyền Toàn cầu của Coca-Cola, trả lời: “Chúng tôi không đưa ra quyết định về nơi tổ chức Thế vận hội, chúng tôi ủng hộ và quan tâm đến các vận động viên tham gia Thế vận hội.”
Nhiều chính phủ như Úc, Canada, Nhật Bản, Litva, Vương quốc Anh, và Mỹ… đã tuyên bố tẩy chay Thế vận hội Bắc Kinh 2022.
Sharon Hom, giám đốc điều hành của Tổ chức Nhân quyền Trung Quốc (Human Rights in China) tại New York, cho biết, “Chúng tôi kêu gọi các chính phủ hỗ trợ những người bảo vệ nhân quyền đang bị giam giữ, họ đang thúc đẩy cải cách và bảo vệ quyền lợi của người khác, hoặc phải trả một cái giá quá lớn cho việc chỉ thảo luận làm thế nào để củng cố xã hội dân sự Trung Quốc”.
Chủ tịch Fu Xiqiu của tổ chức hỗ trợ người Hoa ChinaAid khuyến nghị rằng, “Các vận động viên giữ vững lý tưởng Olympic không nên tham gia Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh 2022 dưới sự giám sát tràn lan, đàn áp tự do ngôn luận và tín ngưỡng – một môi trường bất ổn về nhân quyền”.
Mộc Vệ (t/h)
Xem thêm:
Từ khóa Human Rights Watch Dòng sự kiện Olympic Bắc Kinh 2022 Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh Tẩy chay Olympic Bắc Kinh tẩy chay ngoại giao Olympic Bắc Kinh