Các thanh tra của IAEA, cơ quan giám sát hạt nhân của LHQ, phát hiện khoảng 2,5 tấn uranium tự nhiên đã biến mất khỏi một địa điểm của Libya không nằm dưới sự kiểm soát của chính phủ, Reuters đưa tin 15/3.

shutterstock 1916469041
Tripoli, Libya, ảnh minh họa 2021. (Nguồn: Hussein Eddeb / Shutterstock)

Trong một báo cáo hôm thứ Tư mà Reuters được xem, thì phát hiện này là kết quả của một cuộc kiểm tra hôm thứ Ba, mà kiểm tra này lẽ ra theo kế hoạch đã xảy ra từ năm ngoái nhưng “phải hoãn lại vì tình hình an ninh trong khu vực”, theo tuyên bố bí mật của Giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) Rafael Grossi.

Các thanh tra viên của IAEA “đã phát hiện ra rằng 10 thùng phuy chứa khoảng 2,5 tấn uranium tự nhiên ở dạng UOC (tinh quặng uranium) đã biến mất khỏi nơi mà theo [Libya] tuyên bố trước đây… là được cất giữ tại địa điểm đó…”

IAEA dự kiến sẽ tiến hành “các hoạt động tiếp theo” để xác định uranium đã bị chuyển đi trong tình huống nào, và hiện nay chỗ uranium đó đang ở đâu.

“Việc không biết được vị trí hiện tại của vật liệu hạt nhân có thể gây ra rủi ro phóng xạ, cũng như những lo ngại về an ninh hạt nhân,” tuyên bố viết.

Năm 2003, Libya dưới thời nhà lãnh đạo lúc bấy giờ là Muammar Gaddafi đã từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân. Lúc đó họ đã có được máy ly tâm có thể làm giàu uranium cũng như thông tin thiết kế bom hạt nhân, mặc dù họ đạt được rất ít tiến bộ trong việc chế tạo bom.

Vào ngày 17/3/2011, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã bỏ phiếu thông qua đề xuất của Hoa Kỳ về việc thiết lập một “vùng cấm bay” trên bầu trời Libya với lý do nhân đạo. Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, và Đức bỏ phiếu trắng.

Chỉ trong vòng vài ngày, NATO sẽ phát động một chiến dịch ném bom chống Chính phủ Libya, trong khi hải quân Hoa Kỳ và Vương quốc Anh phong tỏa bờ biển Libya. Ông Gaddafi bị hành quyết dã man vào tháng 10/2011. Khi Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton được thông báo về cái chết của ông ta trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình, bà đã cười và nói, “Chúng tôi đã đến, chúng tôi đã thấy, ông ta đã chết.”

Từng là quốc gia thịnh vượng nhất ở châu Phi, Libya nhanh chóng rơi vào nội chiến giữa các lãnh chúa đối địch. Chính phủ lâm thời do LHQ hậu thuẫn được cho là sẽ  tổ chức bầu cử vào tháng 12/2021 để thành lập chính phủ mới, nhưng điều đó không bao giờ thực hiện, và tính hợp pháp của chính phủ trở thành đề tài gây tranh cãi.

Libya hiện nay trên thực tế đã bị chia cắt giữa các phe phái có trụ sở tại Tripoli và Benghazi.

Nhật Tân