Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Anh và Ukraine đều đang cáo buộc Triều Tiên điều quân tới Nga để có thể triển khai hỗ trợ quân đội Nga trong cuộc chiến Nga-Ukraine. Vào hôm thứ Tư (23/10), Nhà Trắng đã tuyên bố rằng động thái mới của Triều Tiên đã vi phạm nghiêm trọng các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc. 

Hoi dong Bao an LHQ
Trụ sở Liên Hiệp Quốc tại New York, Mỹ. (Ảnh: ShutterStock)

Cả Kremlin và Bình Nhưỡng đều lên tiếng phủ nhận thông tin quân đội Triều Tiên hiện diện ở Nga. 

Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc có thể làm gì nếu quốc gia nào đó từ chối tuân thủ các lệnh trừng phạt mà Hội đồng áp đặt lên Triều Tiên?

CHUYỆN GÌ XẢY RA NẾU CÓ QUỐC GIA VI PHẠM?

Kể từ năm 2006, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đã áp đặt rất nhiều các biện pháp trừng phạt khắt khe lên Triều Tiên. Qua thời gian, Hội đồng vẫn đang tiếp tục siết chặt các biện pháp nhằm ngăn chặn Bình Nhưỡng phát triển thành công vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo.

Hội đồng Bảo an có một ủy ban chuyên trách về các biện pháp trừng phạt Triều Tiên, với 15 thành viên, trong đó bao gồm cả Nga. Ủy ban này được thành lập để “xem xét và thực hiện các biện pháp [trừng phạt] thích hợp liên quan đến thông tin về các cáo buộc vi phạm“. Hoạt động của ủy ban dựa trên nguyên tắc các thành viên đồng thuận và có thể chỉ định cá nhân và tổ chức nào vi phạm lệnh trừng phạt để áp dụng các biện pháp thích hợp.

Một thành viên của Hội đồng Bảo an cũng có thể đề xuất các biện pháp bằng cách đệ trình một nghị quyết, nhưng để nghị quyết này được thông qua, cần ít nhất 9 phiếu thuận, đồng thời các thành viên thường trực Nga, Trung Quốc, Hoa Kỳ, Pháp hoặc Anh không lên tiếng phủ quyết. 

NHỮNG BIỆN PHÁP TRỪNG PHẠT NÀO ĐÃ ĐƯỢC LIÊN HIỆP QUỐC ÁP ĐẶT LÊN TRIỀU TIÊN?

Theo các biện pháp trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, các quốc gia bị cấm “tham gia tiếp nhận huấn luyện viên, cố vấn hoặc các quan chức khác [của Triều Tiên] với mục đích đào tạo liên quan đến quân sự, bán quân sự hoặc cảnh sát“.

Ngoài ra, Triều Tiên cũng đang phải chịu lệnh cấm vận vũ khí nghiêm ngặt. 

LÀM THẾ NÀO LIÊN HIỆP QUỐC CÓ THỂ GIÁM SÁT CÁC QUỐC GIA THI HÀNH NGHIÊM TÚC CÁC BIỆN PHÁP TRỪNG PHẠT?

Trong suốt 15 năm qua, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc đã bổ nhiệm một ban chuyên gia độc lập để giám sát các biện pháp trừng phạt của Liên Hiệp Quốc đối với Triều Tiên. Ban chuyên gia sẽ báo cáo hai lần mỗi năm cho Hội đồng Bảo an cũng như đưa ra các khuyến nghị nhằm nâng cao hiệu quả thực thi các biện pháp này.

Các báo cáo đã liệt kê tên cá nhân, tổ chức và quốc gia mà các chuyên gia đang điều tra hoặc nghi ngờ đã vi phạm các biện pháp trừng phạt.

Mặc dù các biện pháp trừng phạt của Liên Hiệp Quốc đối với Triều Tiên được áp đặt vô thời hạn, nhưng nhiệm vụ của ban chuyên gia được Hội đồng gia hạn hàng năm. Vào tháng Ba vừa qua, trong lần tiếp theo gia hạn ban chuyên gia, Nga đã lên tiếng phủ quyết, trong khi Trung Quốc bỏ phiếu trắng khiến các chuyên gia ngừng tiến hành giám sát các quốc gia thực thi các biện pháp trừng phạt của Liên Hiệp Quốc đối với Triều Tiên vào ngày 30 tháng 4.

Vào đầu tháng Mười, Hoa Kỳ, Hàn Quốc và Nhật Bản đã cùng nhau thành lập một nhóm đa quốc gia mới nhằm giám sát các quốc gia thực thi các biện pháp trừng phạt đối với Triều Tiên. Ngay sau đó, Bình Nhưỡng đã kịch liệt lên án động thái này là “hoàn toàn phi pháp và không chính đáng“. 

LIỆU NGA VÀ TRUNG QUỐC CÓ THÚC ĐẨY LIÊN HỢP QUỐC NỚI LỎNG CÁC BIỆN PHÁP TRỪNG PHẠT ĐỐI VỚI TRIỀU TIÊN?

Việc Liên Hiệp Quốc áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt mới đối với Triều Tiên, vốn đã là một trong những quốc gia bị trừng phạt nghiêm khắc nhất, là điều rất khó xảy ra.

Lần cuối cùng Hội đồng 15 thành viên áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với Triều Tiên là vào tháng 12 năm 2017. Hai năm sau đó, Trung Quốc và Nga đã đề xuất một nghị quyết dự thảo nhằm nới lỏng các biện pháp trừng phạt của Liên Hiệp Quốc với hy vọng khuyến khích Washington và Bình Nhưỡng đàm phán với nhau.

Tuy nhiên, cả Nga và Triều Tiên đã không công bố nghị quyết dự thảo này trước Hội đồng vì các nhà ngoại giao cho rằng nghị quyết thiếu sự ủng hộ của các quốc gia thành viên.

Vào tháng 11 năm 2021, Trung Quốc và Nga lại một lần nữa nỗ lực gỡ bỏ các biện pháp trừng phạt đối với các ngành công nghiệp quan trọng của Triều Tiên “nhằm mục đích cải thiện đời sống của nhân dân [Triều Tiên]” trong quốc gia châu Á cô lập này. Tuy nhiên, nghị quyết dự thảo này vẫn chưa được đưa ra bỏ phiếu.

Ngay sau đó, Hoa Kỳ đã đề xuất gia tăng các biện pháp trừng phạt của Liên Hiệp Quốc đối với Triều Tiên nhằm đáp trả các vụ phóng tên lửa đạn đạo mới của Triều Tiên. Tuy nhiên, Trung Quốc và Nga đã phủ quyết nghị quyết dự thảo do Hoa Kỳ soạn thảo vào tháng 5 năm 2022, trong khi 13 thành viên còn lại của hội đồng đều bỏ phiếu ủng hộ.