Liên Triều thảo luận việc Bắc Hàn rút pháo cao xạ cách xa biên giới
- Yên Sơn
- •
Thủ tướng Hàn Quốc Lee Nak-yon hôm thứ Hai (25/6) cho biết hai miền Triều Tiên đang thảo luận về khả năng miền Bắc sẽ rút trận địa pháo cao xạ của họ ra cách xa biên giới. Trong khi đó, Bắc Hàn được cho là cũng yêu cầu miền Nam phải thực hiện động thái tương tự với hệ thống pháo binh tiên tiến hơn.
Theo hãng tin AP, trong bài phát biểu nhân dịp kỷ niệm 68 năm khởi phát chiến tranh Triều Tiên 1950-1953, hôm thứ Hai (25/6), Thủ tướng Hàn Quốc Lee Nak-yon cho biết “Việc di chuyển trận địa pháo cao xạ của Bắc Hàn đang được thảo luận”. Ông Lee nhắc tới điều này khi ông giải thích về những bước đi thiện chí mà hai miền Triều Tiên đã thực hiện trong vài tháng gần đây.
Bình luận nêu trên của Thủ tướng Hàn Quốc là xác nhận đầu tiên của giới chức nước này về việc truyền thông đưa tin rằng Seoul đã yêu cầu Bình Nhưỡng lắp đặt lại vị trí trận địa pháo cao xạ ra xa biên giới liên Triều trong các cuộc thảo luận quân sự hôm 14/6. Bộ Quốc phòng Hàn Quốc trước đó đã phủ nhận thông tin nêu trên và tới nay cũng không bình luận về phát biểu của ông Lee.
Được biết, Bắc Hàn đã triển khai khoảng 1000 khẩu pháo và tên lửa dọc biên giới liên Triều dài 248km, đặt toàn bộ đô thị Seoul vào tầm bắn của pháo binh Bình Nhưỡng. Thủ đô Seoul với khoảng 10 triệu dân, chỉ cách biên giới miền Bắc khoảng 40 – 50km.
Nếu việc Bắc Hàn di chuyển trận địa pháo được hiện thực hóa, đó sẽ là bước hòa giải đáng kể khác từ phía chế độ nhà họ Kim kể từ khi nước này tham gia vào các cuộc đàm phán về việc từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân của họ từ đầu năm nay.
Tuy nhiên, một số chuyên gia nói rằng đó có thể chỉ là chiến thuật của Bình Nhưỡng để ép Seoul và Washington cũng phải rút hệ thống pháo binh hiện đại của họ khỏi khu vực biên giới.
Trong khi một số chuyên gia nhận định mối đe dọa pháo binh từ Bắc Hàn là “đáng kể”, bởi vì hệ thống này có thể gây thương vong lớn và tàn phá phần lớn Seoul trong vài giờ khai hỏa chiến tranh đầu tiên trước khi quân đội Mỹ – Hàn với vũ khí tối tân hơn có thể đáp trả đầy đủ.
Nhưng cũng có quan điểm cho rằng đánh giá như vậy là phóng đại vì pháo của miền Bắc nhìn chung có độ chính xác thấp và không thể phá hủy các kiến trúc bê tông kiên cố. Theo nhà bình luận quân sự Lee Illwoo, trong một cuộc tấn công của pháo binh Bắc Hàn vào một đảo của Hàn Quốc ở khu vực biên giới năm 2010, giết hại 4 người, thì 90 trong tổng số 170 đạn pháo do Bắc Hàn bắn ra rơi xuống biển và 30 trong số 80 đạn pháo còn lại rơi xuống đảo nhưng không phát nổ.
Nhà bình luận Lee Illwoo cho rằng việc Bắc Hàn rúi lui trận địa pháo của họ là “không có ý nghĩa” hoặc chỉ là “cử chỉ hòa bình” mang tính biểu tưởng.
Truyền thông Hàn Quốc đồn đoán rằng trong cuộc đàm phán quân sự liên Triều hôm 14/6, Bắc Hàn có lẽ đã yêu cầu Hàn Quốc và Mỹ cũng rút trận địa pháo của họ coi như là biện pháp đối ứng với việc miền Bắc di chuyển trận địa pháo ra xa biên giới. Truyền thông địa phương cho biết Bắc Hàn cũng đề xuất hai miền Triều Tiên và Mỹ chấm dứt các hoạt động bay giám sát và các hoạt động bay khác ở khu vực biên giới hai miền.
Ông Shin Won-sik, một vị tướng ba sao đã nghỉ hưu, tuần trước có phát biểu trên báo Hàn Quốc rằng miền Nam có lẽ không thể tìm được bất kỳ vị trí nào khác để tái định vị pháo binh của họ vì khu vực xa biên giới miền Bắc có mật độ dân cư đông đúc.
Vài ngày qua, cũng có một số diễn biến khác cho thấy Nam – Bắc Hàn đang nỗ lực hàn gắn quan hệ và thực thi tuyên bố chung về xây dựng hòa bình trên bán đảo Triều Tiên.
Hàn Quốc và Mỹ đã đồng ý đình chỉ cuộc tập trận Người bảo vệ Tự do Ulchi dự kiến diễn ra vào tháng Tám và hai cuộc tập trận quy mô lớn khác trong vòng ba tháng tới. Trong khi đó, Bắc Hàn cũng đang dỡ bỏ hầu hết các tuyên truyền chống Mỹ và thay vào đó bằng các hoạt động thông tin về hòa bình và hòa giải.
Hôm thứ Bảy (23/6), Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết họ đã chuyển 100 quan tài gỗ tới biên giới liên Triều để chuẩn bị nhận lại các bộ hài cốt lính Mỹ mất tích trong chiến tranh Triều Tiên. Hai miền Triều Tiên tuần trước cũng đã đồng ý vào tháng Tám sẽ tái khởi động chương trình đoàn tụ tạm thời các gia đình Nam – Bắc Hàn bị ly tán trong chiến tranh.
Hôm thứ Hai (25/6), các quan chức quân sự của hai miền Triều Tiên đã gặp nhau và đồng ý sẽ khôi phục hoàn toàn đường dây liên lạc nóng giữa quân đội hai nước, Reuters dẫn theo phát biểu của Bộ Quốc phòng Hàn Quốc.
Yên Sơn
Xem thêm:
Từ khóa Bắc Hàn đàm phán liên Triều phi hạt nhân hóa pháo binh