Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko nói trong một cuộc phỏng vấn công bố hôm Chủ Nhật rằng thông điệp điều chỉnh chính sách hạt nhân của Tổng thống Nga Vladimir Putin tuy tới khá muộn màng, nhưng mà nó vẫn sẽ làm các kẻ thù phương Tây của ông ta phải “hạ bớt nhiệt huyết,” theo Reuters đưa tin 13/10.

Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) và Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko (phải) (ảnh Wikipedia, Creative Commons Attribution 4.0)

Theo ông Lukashenko, những lãnh đạo phương Tây mà “đầu óc phát nhiệt” đã nhận được tín hiệu nguy cơ hạt nhân từ trước khi Điện Kremlin công bố những thay đổi về chính sách hạt nhân của Nga vào cuối tháng trước.

Ngày 25/9, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã công bố Nga đang tiến hành chỉnh lý lại điều mà Nga gọi là “học thuyết hạt nhân” của mình. Trong đó có các tình huống mà Nga cần phải vận dụng tới vũ khí nguy hiểm này.

Sau điều chỉnh mới nhất này, Nga sẽ coi tình huống một cuộc tấn công có quy mô nhất định vào lãnh thổ Nga từ một quốc gia phi hạt nhân (ví dụ Ukraine) được hậu thuẫn bởi một cường quốc hạt nhân (ví dụ Mỹ) là một cuộc tấn công có tính uy hiếp mà Nga có thể dùng tới vũ khí hạt nhân để đáp trả.

Trước đó Mỹ và các đồng minh phương Tây rục rịch nói về khả năng cho dùng vũ khí tầm xa để tấn công sâu vào lãnh thổ Liên bang Nga. Ngay sau đó ông Putin đã chỉ ra rằng những vũ khí tầm xa này trên thực tế là được trực tiếp điều khiển từ xa bởi người của NATO thông qua hệ thống vệ tinh cũng của NATO, cho nên Nga sẽ coi đó là sự leo thang chiến tranh khi bản chất của chiến tranh không chỉ còn là chiến tranh NATO ủy nhiệm mà đã thành chiến tranh mà NATO trực tiếp tham chiến.

Điều chỉnh chính sách hạt nhân của Điện Kremlin là để đối phó với tình hình Liên bang Nga phải đối mặt với uy hiếp từ liên minh hàng chục nước phương Tây thông qua chính quyền Kiev mà họ hậu thuẫn.

Tổng thống Lukashenko, người năm ngoái đã đồng ý việc Nga triển khai việc bố trí vũ khí hạt nhân chiến thuật trên lãnh thổ Belarus, đã nói trong phỏng vấn nêu trên rằng: “học thuyết này đáng lẽ phải được điều chỉnh [như vậy] từ lâu rồi.”

Ông cho rằng nếu phương Tây tiếp tục phớt lờ nguy cơ xung đột hạt nhân, như họ đã làm trong suốt thời gian trước, thì các tên lửa của phương Tây sẽ “tấn công vào chúng ta, đặc biệt là Nga.” Theo ông, việc điều chỉnh học thuyết hạt nhân lần này, có thể làm “giảm nhiệt huyết” của những nhà lãnh đạo phương Tây.

Kể từ khi quân Kiev không đạt mục tiêu trong cái mà họ gọi là chiến dịch phản công mùa Hè năm ngoái, phương Tây vẫn tiếp tục cung cấp vũ khí và đạn dược vào chiến trường Ukraine.

Từ đó tới nay, trong hơn 1 năm đó, tuy hàng chục tỷ đô la vũ khí được tiếp tục rót vào chiến trường này, nhưng không còn thấy bất kỳ một chiến lược chiến đấu hay kế hoạch tổng quan nào theo đúng nghĩa được đưa ra từ các đồng minh phương Tây. Các nhà ngoại giao và chính khách phương Tây đều nói chung chung thế này: Chúng tôi cam kết giúp đỡ Kiev những gì để họ cần để có thể tự vệ, nhưng mà, chiến đấu cụ thể thế nào thì đó là Kiev quyết định.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cuối tháng trước, trong chuyến công du tới Mỹ, đã tìm cách thuyết phục Tổng thống Mỹ Joe Biden đồng ý cho phép dùng vũ khí tầm xa tấn công lãnh thổ Nga, như một phần trong cái mà ông gọi là “kế hoạch chiến thắng”. Ông vẫn luôn tìm cách thuyết phục phương Tây hãy phớt lờ “lằn ranh đỏ” của Tổng thống Nga Putin. Tuy nhiên lần thuyết khách đó đã không thành công. Trong tuần vừa qua, ông vẫn tiếp tục trong chuyến công du Châu Âu của mình để vận động về “kế hoạch chiến thắng” của mình. Nhưng cho tới nay, chưa có được đáp ứng về việc dùng vũ khí tầm xa của NATO tấn công vào lãnh thổ Nga.

Nhật Tân