Lý do Bắc Kinh tự ý cắt bỏ video phát biểu của Chủ tịch Hội đồng châu Âu
- Bình Minh
- •
Do nội dung đề cập đến lập trường của Bắc Kinh trong cuộc chiến Nga-Ukraine, video quay trước của Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Charles Michel dành cho lễ khai mạc “Triển lãm Nhập khẩu Quốc tế Trung Quốc” (CIIE) đã bị chính quyền Bắc Kinh đơn phương hủy bỏ.
“Triển lãm Nhập khẩu Quốc tế Trung Quốc” (CIIE) khai trương tại Thượng Hải hôm 5/11. Ngày 8/11, Reuters trích dẫn lời của 3 nhà ngoại giao châu Âu tiết lộ, chính quyền Bắc Kinh đã đơn phương hủy bỏ video phát biểu quay trước của ông Charles Michel dành cho lễ khai mạc CIIE.
Video này vốn là một trong những bài phát biểu của một số nhà lãnh đạo, và người đứng đầu các tổ chức quốc tế (gồm cả ông Tập Cận Bình) tại lễ khai mạc CIIE.
Theo đoạn trích bài phát biểu được các nhà ngoại giao EU cung cấp, ông Charles Michel, Chủ tịch Hội đồng Châu Âu, đã chỉ trích “các hoạt động quân sự đặc biệt” mà Nga phát động ở Ukraine là “cuộc chiến bất hợp pháp” và châu Âu đang học “những bài học quan trọng” từ đó.
Ông Michel nhận định châu Âu quá ỷ lại vào Nga về nhiên liệu năng lượng hóa thạch, dẫn đến sự mất cân bằng trong nhập khẩu năng lượng và thương mại xuất khẩu.
“Ở châu Âu, chúng tôi hy vọng rằng mối quan hệ thương mại được duy trì trong trạng thái cân bằng … để tránh sự phụ thuộc quá mức (vào một quốc gia), quan hệ thương mại của chúng ta và Trung Quốc cũng nên như vậy,” ông nói.
Chính quyền Bắc Kinh luôn từ chối chỉ trích cuộc chiến Nga – Ukraine do Nga phát động vào cuối tháng Hai năm nay. Nhưng ông Michel lại kêu gọi chính quyền Bắc Kinh nỗ lực và hành động nhiều hơn để chấm dứt cuộc chiến này.
Ông nói: “Thông qua mối quan hệ đối tác ‘không giới hạn’ của các bạn, Trung Quốc có trách nhiệm sử dụng ảnh hưởng của mình để ngăn chặn cuộc chiến tàn khốc do Nga phát động… Trung Quốc có thể giúp chấm dứt tất cả những điều này.”
Bộ Ngoại giao Trung Quốc nêu rõ trong một tuyên bố, Ngoại trưởng Vương Nghị nói với ông Kuleba rằng “chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của tất cả các nước phải được tôn trọng… Các mối quan tâm an ninh chính đáng của tất cả các nước phải được coi trọng, và tất cả các nỗ lực có lợi cho việc giải quyết hòa bình cuộc khủng hoảng phải được ủng hộ.”
Dù vậy, Bắc Kinh đã từ chối lên án cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine, trong bối cảnh Chủ tịch Tập Cận Bình muốn xây dựng một liên minh chiến lược chặt chẽ với người đồng cấp Nga Vladimir Putin để chống lại Hoa Kỳ.
Trong một cuộc phỏng vấn với giới truyền thông, ông Barend Leyts – người phát ngôn của Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Charles Michel nói: “Chủ tịch Michel đã được mời phát biểu trong Diễn đàn Hongqiao (Hồng Kiều) /CIIE lần thứ 5 tại Thượng Hải. Theo yêu cầu của chính quyền Trung Quốc, chúng tôi đã cung cấp một video phát biểu được quay trước, nhưng cuối cùng họ lại không phát sóng. Chúng tôi đã bày tỏ sự quan tâm đến vấn đề này thông qua các kênh ngoại giao thông thường.”
Vì sự nhạy cảm chính trị, 3 nhà ngoại giao không sẵn sàng tiết lộ tên của họ. Tất cả họ đều ngạc nhiên vì bài phát biểu của Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Charles Michel bị hủy bỏ đơn phương.
Chủ tịch Hội đồng châu Âu là một trong những quan chức cao nhất trong Liên minh châu Âu (EU). Trách nhiệm của ông gồm tham dự Hội nghị thượng đỉnh quốc tế thay mặt cho EU và Hội nghị thượng đỉnh song phương với nguyên thủ các quốc gia khác.
Bộ Thương Mại của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) và Chính quyền Thượng Hải, đơn vị hỗ trợ tổ chức CIIE, đã không trả lời các yêu cầu bình luận của Reuters.
Ngày 8/11, tại cuộc họp báo thường xuyên của Bộ Ngoại giao ĐCSTQ được tổ chức tại Bắc Kinh, phát ngôn viên Triệu Lập Kiên phản hồi: “Tôi không hiểu tình huống liên quan, tôi không thể bình luận về điều này.”
Theo trang web chính thức của Triển lãm Nhập khẩu Quốc tế Trung Quốc (CIIE), tại lễ khai mạc, sau bài phát biểu của ông Tập Cận Bình, còn có Chủ tịch Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Tổng Giám đốc của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Tổng thống các quốc gia Indonesia, Sri Lanka và Belarus.
Tuần tới, tại Bali, Indonesia, ông Tập Cận Bình và Chủ tịch Charles Michel sẽ tham dự hội nghị thượng đỉnh G20 (diễn đàn quốc tế chính thức dành cho các nguyên thủ và thống đốc ngân hàng trung ương của 19 nền kinh tế hàng đầu thế giới và EU).
Theo báo cáo của truyền thông châu Âu và châu Mỹ, kể từ năm 2019, EU đã chính thức coi Trung Quốc là đối tác, đối thủ cạnh tranh kinh tế và đối thủ cạnh tranh tư tưởng. Mối quan hệ giữa EU và chính quyền Bắc Kinh đã thay đổi.
Vào tháng Mười, bộ phận chính sách đối ngoại của EU đã tuyên bố chính quyền Bắc Kinh hiện nên được coi là đối thủ cạnh tranh lớn, vì họ đang thúc đẩy “một trật tự thế giới khác”.
Từ khóa quan hệ châu Âu - Trung Quốc Charles Michel