Mặt trăng có thể là mặt trận cạnh tranh hạt nhân tiếp theo giữa Mỹ, Nga, Trung
- Gia Huy
- •
Cuộc chiến giành quyền thống trị toàn cầu giữa Mỹ với Trung Quốc và Nga có thể sớm trở nên rất khác lạ, sau khi hai đối thủ lớn nhất của Hoa Kỳ công bố kế hoạch hợp tác xây dựng nhà máy điện hạt nhân trên mặt trăng.
Mặc dù một kế hoạch như vậy trông có vẻ xa vời, nhưng chắc chắn nó không phải là mới.
Chỉ hai năm trước, NASA đã trao Giải thưởng Ý tưởng Artemis, một phần trong chương trình khai thác mặt trăng mới của cơ quan này, cho đề xuất thiết kế xây dựng hệ thống năng lượng phân hạch bề mặt hạt nhân trên bề mặt mặt trăng.
Năm 1983, Tổng thống Đảng Cộng hòa khi đó là Ronald Reagan đã công bố một chương trình có tên Sáng kiến Phòng thủ Chiến lược, thường được biết đến với cái tên “Chiến tranh giữa các vì sao.” Chương trình này nhằm tìm cách khiến vũ khí hạt nhân của đối thủ trở nên vô dụng, bao gồm cả việc khai thác hệ thống tên lửa đặt trong không gian.
Tuy nhiên, những diễn biến mới nhất diễn ra trong bối cảnh thế giới lo ngại rằng Nga đang lên kế hoạch triển khai vũ khí hạt nhân trong không gian nhằm phá hủy các mạng lưới vệ tinh giúp thực hiện liên lạc toàn cầu.
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã chỉ trích những lo ngại như vậy là “hư cấu” và có động cơ chính trị. Mặc dù Nhà Trắng có vẻ đánh giá thấp mối đe dọa này, nhưng tháng trước Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ do Đảng Cộng hòa lãnh đạo đã gọi vấn đề mật này là “mối đe dọa an ninh quốc gia.”
Theo tờ The New York Times, nỗi lo lắng bắt đầu khi vào tháng Hai, các cơ quan tình báo Hoa Kỳ đã thông báo cho Quốc hội Mỹ và các đồng minh nước ngoài rằng Tổng thống Putin có thể triển khai và sử dụng một quả bom nguyên tử trong không gian, khiến hàng nghìn vệ tinh có thể bị vô hiệu hóa. Trong số đó, sẽ có khoảng 600 vệ tinh là do Trung Quốc phóng vào quỹ đạo.
Cả kế hoạch nhà máy điện hạt nhân trên mặt trăng lúc trước của Hoa Kỳ và kế hoạch do Nga – Trung đề xuất mới đây đều kêu gọi xây dựng một nhà máy điện hạt nhân quy mô nhỏ hoạt động ở đó trong vòng khoảng chục năm, mặc dù điều đó có thể đầy tham vọng. Những dự án tiên tiến quy mô lớn như vậy hầu như luôn mất nhiều thời gian hơn dự kiến.
Lý thuyết đằng sau các kế hoạch này không quá xa vời như mới thoạt nhìn.
Bất kỳ kế hoạch thuộc địa hóa mặt trăng nào cũng sẽ cần một lượng lớn năng lượng. Cho đến gần đây, hầu hết các chiến lược xây dựng trên mặt trăng đều dựa vào năng lượng từ các tấm pin mặt trăng (các tấm pin mặt trời đặt trên mặt trăng). Một mặt của mặt trăng luôn hướng về mặt trời (trừ khi xảy ra nhật thực), điều này có nghĩa một số lượng lớn các tấm pin như vậy có thể tạo ra năng lượng suốt cả ngày.
Tuy nhiên, một nhà máy hạt nhân trên bề mặt mặt trăng sử dụng ít không gian hơn nhưng sẽ cung cấp nhiều năng lượng so với các tấm pin mặt trăng. Do đó, kế hoạch này sẽ yêu cầu vận chuyển ít vật liệu hơn và có thể hoạt động mà không cần ánh nắng mặt trời, khiến nó trở thành một giải pháp có thể được sử dụng vào một ngày nào đó để thuộc địa hóa Sao Hỏa và các hành tinh khác.
Hoa Kỳ đã tiến một bước lớn trong việc dẫn đầu về quân sự hóa không gian vào năm 2019, khi Tổng thống Donald Trump ký dự luật phòng thủ quân sự trị giá 738 tỷ đô la. Dự luật này, cùng với nhiều việc khác, đã biến Lực lượng Không gian Hoa Kỳ thành nhánh quân thứ sáu của Quân đội Mỹ.
Giờ đây, nhiều người ở Mỹ lo ngại rằng việc Nga, Trung Quốc và các quốc gia khác tập trung mới vào các dự án liên quan đến không gian có thể gây ra mối đe dọa an ninh quốc gia bởi vì những rủi ro đối với mạng lưới vệ tinh, hệ thống giám sát tầm xa, cũng như khả năng gián đoạn mạng lưới điện và liên lạc trên mặt đất.
Đó là một rủi ro đặc biệt do các loại máy bay không người lái công nghệ cao và chiến tranh giám sát đang diễn ra ở Ukraine cũng như trong cuộc chiến chống lại lực lượng Houthis ở Biển Đỏ. Khả năng Trung Quốc xâm lược Đài Loan thậm chí còn đi xa hơn, khiến việc kiểm soát không gian gần trái đất càng trở nên quan trọng hơn.
Dân biểu Đảng Cộng hòa Mike Turner, chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ, đang yêu cầu Nhà Trắng ngay lập tức giải mật các thông tin liên quan đến các sáng kiến không gian của Nga. Tuy nhiên, Dân biểu Turner không cung cấp thông tin chi tiết về mối đe dọa này.
Dân biểu Jim Himes, thành viên hàng đầu của Đảng Dân chủ trong Ủy ban Tình báo Hạ viện, cho biết ông ủng hộ lời kêu gọi của Dân biểu Turner, nhưng cũng cảnh báo các mối đe dọa sẽ không sớm xảy ra.
Ông lưu ý, Dân biểu Turner đã đúng khi nhấn mạnh vấn đề này, nhưng nó “rất nhạy cảm” nên không thể thảo luận công khai.
Dân biểu Himes tiếp tục: “Tôi không muốn mọi người nghĩ rằng người Sao Hỏa đang đáp xuống hoặc ngày thứ Tư của bạn sẽ bị hủy hoại. Tuy nhiên, đó là điều mà Quốc hội và chính phủ cần phải giải quyết trong trung và dài hạn.”
NASA cho biết, mục tiêu cuối cùng của cơ quan này là đưa con người lên sống trên mặt trăng vào năm 2040. Thời điểm mục tiêu này tạo ra nhiều thách thức kỹ thuật khi xét đến sứ mệnh đưa người lên mặt trăng lần cuối đã diễn ra cách đây 52 năm với tàu Apollo 17 của Hoa Kỳ vào năm 1972. Việc cộng đồng mặt trăng sẽ được cung cấp điện như thế nào đang trở thành một thách thức lớn khác.
Từ khóa Quan hệ Mỹ - Trung Mặt Trăng Quan hệ Mỹ - Nga Cạnh tranh vũ trang