Máy tính Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Bỉ bị hacker Trung Quốc theo dõi
- Trí Đạt
- •
Bà Els Van Hoof, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Liên bang Bỉ, nói với giới truyền thông hôm thứ Năm (25/4) rằng gián hacker Trung Quốc đã đột nhập vào máy tính xách tay của bà từ đầu năm 2021.
Vụ việc này nổi lên khi các hoạt động gián điệp của Trung Quốc ở châu Âu ngày càng gia tăng, đã thu hút sự chú ý.
Tranh chấp về hoạt động gián điệp giữa Bắc Kinh và phương Tây ngày càng gia tăng khi các cơ quan tình báo phương Tây ngày càng gióng lên hồi chuông cảnh báo về hoạt động tấn công do nhà nước hỗ trợ ở Trung Quốc.
Các công tố viên Đức cách đây vài ngày thông báo rằng họ đã bắt giữ 3 công dân Đức. Họ bị nghi ngờ làm việc cho cơ quan an ninh quốc gia của ĐCSTQ và chuyển giao công nghệ có thể sử dụng cho mục đích quân sự cho phía Trung Quốc. Bắc Kinh phủ nhận mọi cáo buộc như vậy.
Bà Els Van Hoof là đại diện của Đảng Dân chủ Thiên chúa giáo và Flemish (CD&V) và là chủ tịch Ủy ban Đối ngoại của Hạ viện. Trong một cuộc phỏng vấn với Đài phát thanh và Truyền hình Flemish (VRT) bằng tiếng Hà Lan của Bỉ, bà nói rằng bà đã phát hiện ra vụ tấn công mạng thông qua một báo cáo từ FBI vào tháng trước, cũng tức là 3 năm sau khi xảy ra vụ hack.
FBI tiết lộ một báo cáo trong vụ án nhắm vào 7 công dân Trung Quốc, cho thấy các điệp viên ĐCSTQ đã đột nhập vào máy tính xách tay của bà Van Hoof qua email. Người Trung Quốc bị cáo buộc do thám không chỉ người Mỹ mà còn cả các thành viên của Liên minh Nghị viện về Trung Quốc (Inter-Parliamentary Alliance on China, IPAC).
IPAC là một hiệp hội quốc tế gồm các nghị sĩ tập trung các vấn đề nhân quyền ở Trung Quốc, và do đó đã trở thành cái gai trong mắt chế độ Cộng sản Trung Quốc. Bà Van Hoof cho biết 400 thành viên của IPAC đã trở thành mục tiêu tấn công mạng của ĐCSTQ, bao gồm cả bà và phó chủ tịch Samuel Cogolati. Họ đều đã mở email của hacker vào năm 2021.
“Tôi cũng mở những email này, điều đó có nghĩa là mọi hành động của tôi đều bị theo dõi bằng kỹ thuật số,” bà Van Hoof nói. “Đó là một cảm giác không thoải mái”.
Tác động của các cuộc tấn công mạng của Trung Quốc vẫn chưa rõ ràng. Tờ báo Het Nieuwsblad của Bỉ dẫn báo cáo của FBI cho biết, kể từ năm 2021 đến nay, hành tung của những chiếc máy tính xách tay bị ảnh hưởng đã bị theo dõi.
Bà Van Hoof nói với VRT rằng mục đích của ĐCSTQ khi làm điều này “rõ ràng là để đe dọa bạn và khiến bạn im lặng”.
Bà nói với VRT rằng các đe dọa vẫn luôn tồn tại kể từ khi bà đảm nhận vai trò hiện tại, bao gồm cả những lá thư đe dọa từ Đại sứ quán ĐCSTQ, cũng như việc hủy bỏ phiên điều trần của ủy ban về người thiểu số Duy Ngô Nhĩ do hệ thống ngừng hoạt động.
Ngay từ năm 2021, một số người đã nghi ngờ máy tính xách tay của bà Van Hoof có vấn đề gì đó. Bà nói với VRT rằng cơ quan an ninh quốc gia Bỉ đã kiểm tra máy tính xách tay của bà vào tháng 9/2021 nhưng không tìm thấy điều gì đáng ngờ.
Đầu tuần này, Jian G., trợ lý của ông Maximilian Krah, một thành viên của Nghị viện châu Âu từ Đức (thuộc Đảng AfD của Đức), đã bị bắt vì nghi ngờ làm việc cho ĐCSTQ ở Đức.
Ông Krah là ứng cử viên hàng đầu của đảng Sự lựa chọn vì nước Đức (AfD) trong cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu vào tháng Sáu.
Jian G. bị Đức cáo buộc chuyển thông tin ra quyết định của Nghị viện Châu Âu cho ĐCSTQ và giúp ĐCSTQ giám sát các nhân vật chống cộng ở Đức. Tin tức này gây ra sự quan tâm lớn.
Các công tố viên cho biết hôm thứ Ba (ngày 23/4) rằng Jian G. (tên được giữ kín để tuân thủ các quy định về quyền riêng tư của Đức) đã làm việc cho một thành viên Đức trong Nghị viện Châu Âu kể từ năm 2019.
Theo Reuters, Jian G. có hai nơi cư trú ở Brussels và thành phố Dresden phía đông nước Đức. Chính quyền Đức đã bắt giữ Jian G. ở Dresden hôm thứ Hai và khám xét căn hộ của ông ta.
Tuyên bố của phía công tố Đức cho biết: “Ông ta bị buộc tội làm việc cho một cơ quan gián điệp nước ngoài, vụ án này đặc biệt nghiêm trọng”.
Các công tố viên gọi đây là “công việc của cơ quan tình báo Trung Quốc” và cáo buộc ông G. đã nhiều lần chuyển thông tin tình báo về các cuộc thảo luận và ra quyết định của nghị viện cho các cơ quan tình báo Trung Quốc vào tháng Một năm nay. Theo tuyên bố từ văn phòng công tố, ông G. là một công dân Đức, cũng bị cáo buộc thu thập thông tin về các nhà bất đồng chính kiến Trung Quốc ở Đức cho chính quyền Trung Quốc.
Trí Đạt (t/h)
Từ khóa Gián điệp ĐCSTQ Hacker Trung Quốc tin tặc Trung Quốc