“[Bộ Quốc phòng Nga] đang nghiên cứu các phương án phản ứng nếu vũ khí tầm xa tấn công vào lãnh thổ Nga,” Tổng thống Nga Vladimir Putin nói với Pavel Zarubin, phóng viên truyền hình nhà nước, hôm Chủ Nhật. Đây là nhấn mạnh lại thông điệp trước đó, khi mà hiện nay diễn biến chiến tranh Ukraine có thể xuất hiện các tình huống phức tạp, theo Reuters. Tổng tống Ukraine Volodymyr Zelensky nói quân đội của ông có thể “sẽ phải cưỡng bức thật sự chiến đấu với quân Bắc Triều Tiên trên lãnh thổ Châu Âu.”

241025ValdimirPutin
Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh BRICS lần thứ 16, tổ chức tại Kazan, Liên bang Nga 22-24/10/2024 (ảnh cắt từ video của LHQ)

Quãng đầu tháng trước, khi các thông tin về khả năng cho phép dùng vũ khí tầm xa tấn công vào sâu lãnh thổ Nga được báo cáo trên phương tiện truyền thông phương Tây, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nói rằng Nga sẽ coi đó là sự cải biến về bản chất cuộc chiến tranh. Người Ukraine không vận hành các vũ khí tầm xa đó được, mà là người của NATO vận hành chúng, kết hợp công nghệ vệ tinh, cũng của NATO. Trong tình huống như vậy, Nga sẽ nhìn nhận rằng NATO đứng đầu bởi Mỹ trực tiếp tham chiến, chứ không còn là ở vai trò tiến hành chiến tranh ủy nhiệm thông qua Ukraine.

Cho đến nay, NATO vẫn chưa có thông qua quyết định chính thức cho dùng vũ khí tầm xa do NATO sản xuất để tấn công và sâu lãnh thổ Nga. Trên thực tế, các cuộc tấn công vào sâu lãnh thổ Nga hiện nay được thực hiện bằng vũ khí thông thường chủ yếu là UAV (máy bay không người lái, drone).

Trong khi đó, Nga đã điều chỉnh chiến lược vũ khí hạt nhân của mình, điều mà họ gọi là “học thuyết hạt nhân”. Trong các điều chỉnh, có phương án Nga có thể dùng đến vũ khí hạt nhân, khi một quốc gia phi hạt nhân (ví dụ Ukraine) tấn công Nga ở quy mô lớn với sự trợ giúp của cường quốc hạt nhân (ví dụ như Mỹ).

Khi được hỏi liệu phương Tây có nghe thấy những cảnh báo của Nga hay không, ông Putin nói với Zarubin: “Tôi hy vọng họ đã nghe thấy. Đương nhiên, chúng ta cũng sẽ phải đưa ra một số quyết định cho chính mình.”

Lâu nay Nga thường nói rằng phương Tây coi thường Nga, và hay lờ đi các cảnh báo của Nga.

Diễn biến phức tạp hiện nay

Hiện nay quân Nga đang tiếp tục tiến chậm và chắc ở chiến tuyến phía Đông. Vài ngày trước, Nga tuyên bố một nhóm khoảng 2.000 quân trong số quân Ukraine đóng tại tỉnh Kursk của Nga đã lọt vào bao vây, nhưng phía Ukraine bác bỏ tin này.

Phía Ukraine làm ầm lên về chuyện phát hiện sự hiện diện của quân Bắc Triều Tiên. Tuy nhiên, video mà được cho là quân Bắc Triều Tiên tham chiến đã bị Ukraine bắt được, là video giả. Mỹ xác định tin tức rằng khoảng 3.000 quân Bắc Triều Tiên đã tới Nga, và có thể sẽ tham gia chiến đấu. Hàn Quốc báo cáo rằng theo kế hoạch của Bắc Triều Tiên mà tình báo Hàn Quốc phát hiện được, thì số quân Bắc Triều Tiên có thể sẽ là 10.000 hoặc hơn nữa.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky trong bài phát biểu tối Thứ Bảy phàn nàn rằng quân đội của ông “sẽ phải cưỡng bức thật sự chiến đấu với quân Bắc Triều Tiên trên lãnh thổ Châu Âu; tất cả điều ấy diễn ra khi thiếu vắng các quyết định mạnh mẽ hơn từ phía các đối tác [phương Tây].”

Khi được phóng viên NBC News hỏi trong họp báo Hội nghị Thượng đỉnh BRICS hôm 24/10, tuy ông Putin không nói rõ quân đội Bắc Triều Tiên có mặt ở Nga hay không và nếu có mặt thì sẽ làm gì, nhưng ông nhắc nhở về Hiệp ước Đối tác Chiến lược Toàn diện giữa 2 nước Nga và Bắc Triều Tiên.

Hiệp ước này được ký kết vào tháng 6, trước khi quân Ukraine đột kích vào tỉnh Kursk của Nga vào đầu tháng 8. Trong Hiệp ước có điều khoản 4: “Nếu một trong các bên bị một hoặc nhiều quốc gia tấn công vũ trang và do đó rơi vào tình trạng chiến tranh, thì bên kia sẽ ngay lập tức cung cấp hỗ trợ quân sự và các hỗ trợ khác bằng mọi phương tiện mà mình có.”

Phía Nga tuyên bố rằng họ dùng quân Bắc Triều Tiên hay không dùng trong phạm vi lãnh thổ có chủ quyền của mình là việc riêng của Nga. Phía Bắc Triều Tiên tuyên bố rằng nếu Bắc Triều Tiên đưa quân sang Nga thì đó cũng phù hợp với luật quốc tế.

Trong khi đó, theo Politico phân tích, hiện có tới 7 quốc gia NATO không muốn Ukraine sớm gia nhập tổ chức này. Sau đó phía Ukraine đã lên tiếng phản đối, cho rằng cách báo cáo của Politico có thể dẫn tới công chúng hiểu lầm rằng Ukraine bị phản đối. Trong khi đó, điều mà Politico có được chỉ là thông tin về 7 nước đang trì hoãn khả năng Ukraine gia nhập NATO mà thôi.

Cuối tuần, sau nhiều lần đàm phán tới lui, G7 đã quyết định cho Ukraine vay 50 tỷ USD vào tháng 12, dựa trên 300 tỷ USD tài sản Nga đang bị G7 phong tỏa. Nga gọi đó là hành động “trộm cướp” và cho rằng lối hành xử “vũ khí hóa đồng đô-la Mỹ” rốt cuộc sẽ khiến phương Tây mất uy tín, và đẩy các nước trên thế giới tới gần hơn với nhóm BRICS.

Nhật Tân