Một trong những nhà truyền giáo có ảnh hưởng nhất Thế kỷ 20 qua đời ở tuổi 99
- Yên Sơn
- •
Mục sư người Mỹ Billy Graham – một trong những nhà truyền giáo có ảnh hưởng nhất Thế kỷ 20 – đã qua đời ở tuổi 99.
Ông Billy Graham và con trai tại buổi kỷ niệm Thư viện Billy Graham tại Charlotte, Bắc Carolina năm 2007.
Phát ngôn viên của Hiệp hội Truyền giáo Billy Graham phát đi thông báo cho biết ông Graham đã qua đời tại nhà riêng tại Montreat, Bắc Carolina.
Trong suốt sự nghiệp 60 truyền giảng Cơ đốc giáo, ước tính mục sư Billy Graham đã thuyết giảng tới hàng trăm triệu người trên toàn thế giới.
Ông nhận được sự tín nhiệm và vinh danh của hàng triệu người, trong đó có nhiều đời tổng thống Hoa Kỳ. Tổng thống Donald Trump đã gọi ông Graham là “vĩ đại”, “một người đặc biệt”.
Ông Graham bắt đầu nổi tiếng ở Mỹ từ năm 1949 và bắt tay vào sứ mệnh toàn cầu của mình tại sự kiện thuyết giảng lớn ở London năm 1954.
Nhà truyền giáo sinh tại Bắc Carolina cũng là người đầu tiên sử dụng phương tiện truyền hình để thực hiện truyền giáo tới hàng triệu tín đồ.
Từ nhà truyền giáo trẻ tới hiện tượng toàn cầu
Billy Graham sinh năm 1918 tại Charlotte, Bắc Carolina. Tuổi thơ của ông gắn liền với trang trại sữa của gia đình và chính thức trở thành một tín đồ Cơ đốc giáo ở tuổi 16 sau khi được nghe buổi thuyết giảng của một nhà truyền giáo lưu động.
Năm 1939, ở tuổi 21, ông Graham được phong chức mục sư.
Mục sư trẻ Billy Graham bắt đầu nổi tiếng tại Mỹ khi ông tổ chức một trại truyền giáo 2 tháng ở thành phố Los Angeles vào năm 1949.
Sự nghiệp truyền giáo toàn cầu đã đưa ông Graham tới mọi ngóc ngách trên thế giới, trong đó có Nigeria ở Châu Phi và nhà nước cộng sản Bắc Hàn.
Bài thuyết giảng đầu tiên của ông Graham bên ngoài lãnh thổ Hoa Kỳ diễn ra trước 12.000 tín đồ tại Harringay Arena, London vào năm 1954.
Vào những năm 1950, phong trào nhân quyền tại Mỹ bùng nổ mạnh mẽ, ông Graham trở nên có cảm tình hơn với hoạt động này và tham gia diễn thuyết nhiều trong các buổi tập trung nhân quyền.
Ông Graham nổi tiếng với các bài thuyết giảng bốc lửa, truyền cảm hứng. Ông đã tránh được nhiều bê bối liên quan tới tình dục và tài chính, những vấn đề thường đeo bám các nhà truyền giáo trong nhiều thập kỷ.
Là một người có quan điểm bảo thủ trong các vấn đề xã hội, ông Graham phản đối hôn nhân đồng tính và nạo phá thai.
Vào năm 2005, ở tuổi 86, mục sư Graham có bài thuyết giảng cuối cùng trong một cuộc tập trung tại New York.
Khi biết mình sắp phải rời bỏ cuộc sống trần thế, ông Graham đã nói rằng: “Tôi biết cuộc sống của tôi sắp kết thúc. Tôi cảm ơn Thiên Chúa vì điều đó và vì tất cả những gì Ngài đã ban cho tôi trong cuộc đời này. Nhưng tôi nóng lòng được tới Thiên Đàng”.
Xứng đáng là một phần của lịch sử
Trên Twitter, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã gọi ông Graham là một người đặc biệt.
Ông Trump viết: “Billy Graham VĨ ĐẠI đã qua đời. Không có bất kỳ ai như ông ấy! Các tín đồ Cơ đốc giáo và tất cả những người có đức tin sẽ nhớ ông. Một con người rất đặc biệt”.
Cựu Tổng thống Barack Obama đã nói rằng ông Graham là người định hướng cho hàng triệu người Mỹ.
Đức Tổng giám mục Canterbury, Justin Welby, đăng tweet rằng ông Graham là tấm gương cho các thế hệ tín đồ Cơ đốc giáo hiện đại. Đức Tổng giám mục viết: “Billy Graham tràn đầy tình yêu với Chúa Kitô và chia sẻ Tin Mừng của Ngài trên khắp thế giới. Tôi rất biết ơn cuộc sống của ông”.
Nhà hoạt động nhân quyền Jesse Jackson cũng vinh danh mục sư Graham. Ông cho biết: “Với nhiều năm cống hiến, ông Graham đã giúp đỡ rất nhiều người trong bối cảnh nền văn hoá phương Nam. Ông ấy là một phần của lịch sử. Mong ông ấy ra đi thanh thản”.
Ca sĩ nhạc pop người Anh, Cliff Richard – người đã thông báo trở thành một tín đồ Cơ đốc giáo tại một sự kiện thuyết giảng của ông Graham năm 1966 – đã nói rằng thế giới đã mất đi một con người đặc biệt.
Ca sĩ nhạc pop này chia sẻ rằng: “Ông Billy Graham là người đàn ông đáng kính trọng và trung thực nhất. Đức tin của ông rất rõ ràng, và tôi đã tìm được cảm hứng từ ông ấy”.
“Các buổi thuyết giảng của ông luôn luôn hướng về phía trước và soi sáng và ông đã đưa ra ‘hy vọng’ cho nhiều người không biết rằng ‘hy vọng’ là có tồn tại”, ca sĩ Richard nói thêm.
Giao thiệp với nhiều đời Tổng thống Mỹ
Ông Billy Graham có quan hệ thân cận với nhiều đời tổng thống Mỹ từ Harry Truman, qua Richard Nixon tới Barack Obama.
Ông Graham đã từng chơi golf với Tổng thống Gerald Ford, đi nghỉ dưỡng với tổng thống George H W Bush (Bush cha) và sau này giúp tổng thống George W Bush (Bush con) khôi phục lại đức tin năm 2010.
Ông Graham ủng hộ tổng thống Nixon nhậm chức, nhưng cũng chỉ trích ông ta sau bên bối Watergate 1974.
Ông Obama trở thành vị tổng thống thứ 12 của nước Mỹ gặp mặt ông Graham khi tổng thống thứ 44 của nước Mỹ tới thăm nhà truyền giáo tại ngôi nhà trên đỉnh đồi của ông ở Bắc Carolina vào năm 2010.
Mặc dù giao thiệp với nhiều đời tổng thống Mỹ, nhưng sau đó ông Graham đã xác nhận rằng mối quan hệ thân cận của ông với các nhà quyền lực chính trị đã tạo nguy cơ thỏa hiệp trong các thông điệp ông truyền giảng.
Ông Graham nói rằng: “Nếu tôi được làm lại, tôi sẽ tránh bất kỳ các cuộc tiếp xúc bề mặt nào liên quan tới các đảng phái chính trị. Một nhà truyền giáo được yêu cầu làm một việc và chỉ một việc duy nhất: Rao giảng Tin Mừng”.
Yên Sơn
Xem thêm:
Từ khóa Cơ đốc giáo Billy Graham