Helmut Kohl, Thủ tướng đầu tiên của nước Đức tái thống nhất, qua đời ở tuổi 87
- Tân BÌnh
- •
Cựu Thủ tướng Đức Helmut Kohl, người đã góp công lớn chấm dứt việc nước Đức bị chia rẽ bởi Chiến tranh Lạnh, và đưa quốc gia này trở thành trung tâm của một châu Âu thống nhất, hôm thứ Sáu (16/6) đã qua đời ở nhà riêng tại Ludwigshafen, thọ 87 tuổi.
Đang có chuyến công tác tại Rome (Ý), Thủ tướng Đức, bà Angela Merkel đã nói: “Một sinh mệnh đã kết thúc và hành trình đã qua của nhân vật ấy sẽ đi vào lịch sử. Tuy nhiên, phải mất một thời gian nữa, chúng ta mới có thể đánh giá đúng những gì chúng ta đã mất khi ông ấy không còn. Helmut Kohl là một người Đức vĩ đại, một người châu Âu vĩ đại”.
Mặc dù còn nhiều sự khác biệt, bà Merkel đã nói rõ rằng ông Helmut Kohl đã tạo ảnh hướng sâu sắc tới cuộc sống của bà
Trong suốt 16 năm giữ vị trí lãnh đạo đất nước từ năm 1982 đến năm 1998 (cả ở Tây Đức và nước Đức thống nhất), ông Kohn đã để lại cho lịch sử một sự kết hợp tuyệt vời giữa sự kiên định theo đuổi về thống nhất châu Âu với một bản năng sắc sảo. Chưa đầy một năm sau sự sụp đổ của Bức tường Berlin (tháng 11/1989), ông đã nỗ lực lãnh đạo chấm dứt hàng thập kỷ nước Đức bị chia cắt Đông và Tây, mở ra một kỷ nguyên mới trong chính trị châu Âu.
Bà Merkel nói: “Khi một tinh thần mới bắt đầu quét qua Đông Âu vào những năm 1980, khi Ba Lan giành được tự do, khi những người dũng cảm ở Leipzig, Đông Berlin và các nơi khác ở Đông Đức đã tổ chức một cuộc cách mạng ôn hòa, Helmut Kohl là người xuất hiện đúng lúc vào đúng thời điểm. Ông nắm bắt nhanh chóng được giấc mơ và mục tiêu của một nước Đức thống nhất, ngay cả khi những người khác lung lay”.
Nhờ vào việc xây dựng được mối quan hệ thân thiết với các nhà lãnh đạo thế giới khác, ông Kohl đã thuyết phục được cả những đồng minh phương Tây và các nhà lãnh đạo của Liên bang Xô viết đang sụp đổ rằng một nước Đức thống nhất, vững mạnh vẫn có thể chung sống hòa bình với các nước láng giềng.
Cựu Tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton, năm 2011 đã nói rằng: “Helmut Kohl là nhà ngoại giao châu Âu quan trọng nhất kể từ Thế chiến II” và thêm rằng ông Kohl đã giải quyết được những vấn đề lớn trong thời gian tại nhiệm của mình, “chính xác cho Đức, cho châu Âu, cho Hoa Kỳ và cho tương lai thế giới”.
Cựu Tổng thống Hoa Kỳ George H.W. Bush đã nói rằng thế giới đã mất đi “một người bạn thực sự của tự do”.
Ông Bush thêm rằng: “Làm việc chặt chẽ với người bạn rất tốt của tôi để giúp đạt được một kết thúc hòa bình cho Chiến tranh Lạnh và sự thống nhất của Đức trong NATO sẽ vẫn là một trong những niềm vui lớn lao của cuộc đời tôi. Xuyên suốt những nỗ lực của chúng tôi, Helmut Kohl là một tảng đá vững vàng và mạnh mẽ”.
Tổng thống đương nhiệm Hoa Kỳ Donald Trump nói ông Kohl là “một người bạn và đồng minh của Hoa Kỳ khi ông lãnh đạo Cộng hòa Liên bang Đức trong 16 năm quan trọng. Ông không chỉ là ‘cha đẻ’ của nước Đức thống nhất, mà còn là người bênh vực cho châu Âu và mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương”.
“Thế giới đã được hưởng lợi từ tầm nhìn và nỗ lực của ông. Di sản của ông sẽ tiếp tục tồn tại”, ông Trump nhấn mạnh.
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã cho rằng ông Kohl “đóng vào trò then chốt trong việc chấm dứt Chiến tranh Lạnh và thống nhất nước Đức”.
Ông Helmut Kohl sinh ngày 3/4/1930 tại Ludwigshafen, một thành phố công nghiệp miền tây nước Đức, bên dòng sông Rhine. Thời trẻ ông đã gia nhập đoàn thanh niên Hitler, nhưng không phục vụ trong quân đội Quốc xã. Khi mới 15 tuổi, cậu bé Kohl bị ép vào phục vụ trong một đơn vị chống máy bay khi Thế chiến II kết thúc. Anh trai của Kohl là Walter đã bị chết trong khi làm nhiệm vụ một vài tháng trước đó.
Là một tín đồ Công giáo La mã, từ tuổi niên thiếu Kohl đã gia nhập đảng Liên minh Dân chủ Thiên chúa giáo (CDU) khi đảng này được thành lập sau Thế chiến II. Ông đã lấy bằng tiến sĩ năm 1958 tại Đại học Heidelberg với một luận văn về chính trị của Rheinland-Palatinate (một vùng lãnh thổ nhỏ ở tây nam Đức) và trở thành thống đốc một bang miền tây vào năm 1969.
Trong lần tranh cử thủ tướng lần đầu tiên vào năm 1976, ông Kohl đã thua trước Thủ tướng Helmut Schmidt của đảng Dân chủ Xã hội. Nhưng 6 năm sau, vào 1/10/1982 ông Kohl đã đắc cử Thủ tướng Tây Đức.
Ông tiếp tục thắng cử vào năm 1987 và sau khi nước Đức tái thống nhất năm 1990, ông vẫn được bầu giữ vị trí Thủ tướng.
Thủ tướng Helmut Kohl đã lưỡng lự chưa muốn coi nước Đức thống nhất là một cường quốc vì bị ám ảnh bởi quá khứ phát-xít. Tuy nhiên, ông đã dần dần đưa đất nước của mình hướng tới các trách nhiệm quốc tế lớn hơn vào những năm 1990. Khi đó, Đức đã gửi quân đội tham gia các sứ mệnh nhân đạo của Liên Hợp Quốc (LHQ) ở Campuchia, Somalia, cùng nhiều nơi khác và triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình tới Bosnia.
Ông theo đuổi lập trường hòa giải với các nước láng giềng phía đông nước Đức. Tuy nhiên, một số nhà phê bình vẫn nói rằng ông đã tiến quá chậm sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc.
Ông Kohl có mối quan hệ thân thiết với các nhà lãnh đạo thế giới và họ đã giúp đỡ ông rất nhiều trong việc thống nhất nước Đức. Tổng thống Pháp Francois Mitterrand đã phê duyệt tư cách thành viên NATO cho nước Đức thống nhất, trong khi nhà lãnh đạo cộng sản Mikhail Gorbachev đồng ý rút quân đội Liên Xô ra khỏi Đông Đức.
Trong một tuyên bố được phát đi hôm thứ Sáu (16/6), ông Gorbachev đã nói: “Thật may mắn là trong thời điểm khó khăn đó, các quốc gia hàng đầu đã được lãnh đạo bởi các chính trị gia với tinh thần trách nhiệm, kiên định trong việc bảo vệ lợi ích quốc gia của họ, nhưng cũng có thể xem xét đến lợi ích của các nước khác, có thể vượt qua được rào cản về sự nghi ngờ để có được mối quan hệ đối tác tin cậy lẫn nhau”.
Việc xây dựng cầu nối với Hoa Kỳ từ sớm của ông Kohl cũng đã được đền đáp xứng đáng. Việc ông Kohl đồng ý cho lắp đặt tên lửa Pershing II của Mỹ trong lãnh thổ Tây Đức bắt đầu từ năm 1983, bất chấp những cuộc biểu tình lớn trong nước, qua đó đã tạo dựng được niềm tin với Washington và đó là điều thiết yếu để có thể tiến tới một nước Đức tái thống nhất vào năm 1990.
Trong hồi ký của mình, ông Kohl đã viết rằng: “Thật may mắn khi có khoảng 4 đến 6 nhà lãnh đạo nắm giữ quyền lực vào giữa những năm 80, những người thực sự tin tưởng lẫn nhau và thực sự có thể làm cho mọi việc xảy ra”. Cũng trong hồi ký này, ông Kohl đã mô tả ông George H.W. Bush là “đồng minh quan trọng nhất trên con đường dẫn tới nước Đức thống nhất”.
Ông cũng đã ca ngợi cựu Thủ tướng Anh, Margaret Thatcher vì sự trung thực của bà, ngay cả khi ông kể lại một cuộc đối đầu với bà Thatcher chỉ vài ngày sau khi Bức tường Berlin sụp đổ.
“Tôi trích dẫn một tuyên bố của NATO vào giai đoạn những năm 1970 và nói rằng NATO ủng hộ sự thống nhất của nước Đức. … bà Thatcher đã giậm chân giận dữ và hét lên với tôi, ‘Đó là cách nhìn nhận của ông, của ông mà thôi”, Ông Kohl viết trong hồi ký.
Trong thời điểm đó, không phải quốc gia phương Tây nào cũng muốn Đức thống nhất, bởi quan điểm của một số người sau cả 2 cuộc Thế chiến là “cứ khi nào nước Đức thống nhất là có chiến tranh“, Thủ tướng Kohl đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo sự yên tâm cho các lãnh đạo Châu Âu.
Trong một cử chỉ hoà giải sâu sắc vào năm 1984, ông Kohl đã nắm chặt tay Tổng thống Pháp Mitterrand trong một buổi lễ tại nghĩa trang Thế chiến I ở Verdun, Pháp.
Khi không còn là Thủ tướng Đức, năm 1999 ông Kohl vướng vào rắc rối tư pháp liên quan đến cáo buộc đảng CDU do ông cầm quyền không minh bạch về các khoản tiền tài trợ. Rắc rối này chỉ được giải quyết khi năm 2001, CDU đã chấp nhận nộp khoản tiền khoảng 140.000 USD để các công tố viên dừng điều tra và ông Kohl được thừa nhận vô tội.
Ông Helmut Kohl có hai đời vợ. Người vợ đầu của ông là bà Hannelore Renner, một thông dịch viên tiếng Anh và Pháp, đã sống với ông Kohl 41 năm và họ có 2 người con trai là Peter và Walter.
Tháng 7/2001, bà Hannelore đã tự tử ở tuổi 68 trong nỗi tuyệt vọng bởi bệnh dị ứng với ánh sáng không thể chữa trị. Năm 2005, ông Kohl giới thiệu bạn gái mới, bà Maike Richter, một nhà kinh tế học kém ông Kohl 35 tuổi. Hai người chính thức kết hôn vào tháng 5/2008.
Vào những năm gần đây, mặc dù đã chậm chạp nhiều do bệnh tật, nhưng ông Kohl vẫn tiếp tục góp tiếng nói đáng kể trên vũ đài chính trị Đức. Vào năm 2011, khi bà Merkel cố gắng thuyết phục các nhà lập pháp thuộc phe trung hữu về lợi ích, sự khôn ngoan của việc Đức tài trợ cho các khoản vay cứu trợ các nước khác thuộc khu vực đồng euro, ông Kohl đã cân nhắc kỹ càng.
Lúc đó, ông đã nói rằng: “Không có vấn đề gì đối với chúng ta khi chúng ta ở trong Liên minh châu Âu và khu vực đồng euro cần sát cánh đoàn kết với Hy Lạp”.
Ông cũng đặt câu hỏi với cách tiếp cận của bà Merkel vào thời điểm mà các nhà bảo thủ không đồng tình với quyết định của Thủ tướng muốn đẩy nhanh việc nước Đức thoát ly điện hạt nhân và Đức vắng mặt khi LHQ bỏ phiếu về vùng cấm bay tại Libya.
Ông Kohl khi đó đã nói: “Tôi tự hỏi mình nước Đức ngày nay đang đứng ở đâu và rồi sẽ đi về đâu”.
Vào tháng 4/2016, ông Kohl hoan nghênh Thủ tướng Hungary Viktor Orban, người đã có va chạm với bà Merkel về cách châu Âu xử lý dòng người tị nạn lớn, đến thăm ông tại nhà riêng. Thời điểm đó trùng hợp với việc công bố một lời mở đầu mới cho một bài luận của ông Kohl, trong đó cựu Thủ tướng tuyên bố rằng: “Châu Âu không thể trở thành ngôi nhà mới cho hàng triệu người cần được giúp đỡ trên toàn thế giới”.
Mặc dù còn nhiều sự khác biệt, hôm thứ Sáu (16/6) bà Merkel đã nói rõ rằng ông Kohl đã có ảnh hướng sâu sắc tới cuộc sống của bà khi ông giúp tạo ra một nước Đức thống nhất.
Bà Merkel nói: “Như hàng triệu người khác, tôi đã thoát khỏi cuộc sống dưới chế độ độc tài để hưởng cuộc sống tự do. Ông ấy sẽ tiếp tục sống trong ký ức của chúng ta với tư cách là một người châu Âu vĩ đại và là Thủ tướng của nước Đức tái thống nhất”.
Tân Bình
Xem thêm:
Từ khóa Cộng hoà Liên bang Đức Đông Đức Tây Đức