Một tuần ông Trump làm nổi bật nghị trình “Nước Mỹ trên hết”
- Tú Anh
- •
Trong tuần qua, Tổng thống Mỹ tham dự hai hội nghị thượng đỉnh quan trọng: Hội nghị cấp cao G-7 tại Canada và cuộc gặp lịch sử với lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong-un ở Singapore. Cả hai đã làm nổi bật nghị trình “Nước Mỹ trên hết” của vị tổng thống với quan điểm Cộng hòa truyền thống.
Để có thể hiểu được những điều kỳ diệu của những ngày qua, đầu tiên phải nhớ rằng nước Mỹ đang ở đâu trước khi có Tổng thống Trump. Dưới thời của Tổng thống Obama, người Mỹ đã phải gánh hậu quả của nhiều năm “ngoại giao” không hiệu quả và những dàn xếp đối ngoại thiếu suy nghĩ vốn đề cao những mục đích mang tính toàn cầu nhưng chẳng làm gì nhiều để thúc đẩy những lợi ích của chính nước Mỹ, của người dân Mỹ.
Thỏa thuận biến đổi khí hậu Paris đã áp đặt những mục tiêu cắt giảm khí thải carbon đầy gánh nặng lên ngành năng lượng Mỹ và khiến các gia đình người Mỹ gặp nguy cơ phải sử dụng giá điện cao, trong khi cho phép Trung Quốc và những nước gây ô nhiễm khác tiếp tục làm loạn.
Thỏa thuận hạt nhân Iran đã giải phóng tới 150 tỷ USD tài sản của nước này – ngay cả Viện nghiên cứu Brookings có xu hướng nghiêng về cánh tả cũng thừa nhận đã đem lại lợi ích cho nhóm khủng bố Hezbollah – trong khi nhắm mắt làm ngơ đối với chương trình hạt nhân nguy hiểm của Tehran.
Và, tất nhiên, Tổng thống Obama chỉ biết đứng nhìn khi “thương mại tự do” không bị ràng buộc phá hủy hết ngành công nghiệp này đến ngành công nghiệp khác của Mỹ, đóng cửa vô số nhà máy và để cho quá nhiều cộng đồng công nghiệp phải tự lo cho mình.
Rồi Tổng thống Trump xuất hiện. Ông đã thể hiện mình là người ra quyết định, đặt ra các điều khoản cho chương trình nghị sự và buộc những người lãnh đạo nước ngoài phải đáp ứng mình. Bất kể vấn đề đang cần giải quyết là sữa hay thép hay viện trợ nước ngoài, tổng thống Mỹ đều kiểm soát câu chuyện. Và ông đã thề sẽ chấm dứt việc nước Mỹ trở thành “một con lợn đất mà mọi người đều đang cướp bóc”.
Không có ví dụ nào tốt hơn của việc nước Mỹ đang bị lợi dụng là câu chuyện Canada đánh thuế đối với các sản phẩm sữa của Mỹ lên đến gần 300% và ngăn cản các công ty chế biến sữa của Mỹ đặt chân vào thị trường Canada. Tổng thống Trump lập luận rằng, thuế của nước ngoài cao tới 300% đang “làm tổn hại những người nông dân của chúng ta” và “đang giết chết ngành nông nghiệp của chúng ta”.
Ông Trump là tổng thống đầu tiên trong nhiều năm qua nói lên sự thật, thừa nhận rằng “thương mại tự do” là điều không thể khi các nước khác thường xuyên dựng lên các rào cản thương mại trong khi mong đợi Hoa Kỳ ngoan ngoãn chấp nhận. Thủ tướng Canada Justin Trudeau hiện đang phải ở thế thủ, đánh giá lại thỏa thuận thương mại của nước mình với Hoa Kỳ.
Như một quan chức Hoa Kỳ mô tả hội nghị thượng đỉnh G7, “Nếu họ tưởng rằng họ sẽ rao giảng cho ông Trump về những điều huy hoàng của thương mại tự do, họ đã phải thức tỉnh một cách bàng hoàng. Ông đã đến cuộc đấu súng với một chiếc máy bay ném bom tàng hình”.
Cái bẫy mà Tổng thống Trump đặt ra cho tầng lớp tinh hoa toàn cầu và những đối thủ theo đường lối tự do cánh tả của mình không thể bị coi nhẹ. Trong vòng vài ngày, tổng thống đã nhấn mạnh sự cần thiết phải đánh thuế nhôm và thép, thu hút sự coi thường của cả những chuyên gia theo đường lối tự do và bảo thủ vốn ca ngợi những ưu điểm của lý thuyết kinh tế thị trường tự do. Sau đó ông Trump quay sang một lập trường Cộng hòa truyền thống hơn, công nhận rằng nhiều nước tiếp tục dựa vào những chính sách bảo hộ và tuyên bố “quý vị muốn một [thỏa thuận] miễn thuế” “không có rào cản” và “không có trợ giá.” Việc xoay chuyển này đã buộc các quan chức nước khác vốn ban đầu phản đối việc Tổng thống Trump kêu gọi áp thuế lên nhôm và thép giờ lại bào chữa cho chủ nghĩa bảo hộ của chính họ, nếu không thì phải chấp nhận việc buôn bán tự do hơn và công bằng hơn đem lại lợi ích cho người Mỹ. Trong khi đó những người theo chủ nghĩa tự do cánh tả chống Trump giờ cũng buộc phải thừa nhận rằng thương mại tự do và công bằng giúp thúc đẩy ngành sản xuất của Mỹ – như Tổng thống Trump đã lý luận trong nhiều năm qua.
Tổng thống Mỹ đã chiến thắng ngoạn mục tất cả những người đó, bỏ rác vào cái rổ bảo hộ mậu dịch của tầng lớp tinh hoa theo chủ nghĩa toàn cầu và những rào cản đối với sự tự do của người dân Mỹ.
Bức ảnh biểu tượng hồi cuối tuần chụp Tổng thống Trump trong một vị trí quyền lực chẳng phải là một kỳ quan hay sao? Bất chấp sự phẫn nộ theo khuynh hướng tự do cánh tả điển hình của mình, Thủ tướng Đức Angela Merkel rõ ràng là đang phải đưa ra những đề xuất cho Tổng thống Trump, trong khi ông vẫn ngồi khoanh tay cân nhắc những lựa chọn của mình. Vị tổng thống Mỹ không chỉ cho thấy mình là một nhà thương thuyết không nói những lời vô nghĩa, mà còn ngồi ở trong tâm của sự chú ý trong khi phần còn lại của thế giới phản ứng với ông. Đó là hình ảnh “Nước Mỹ trên hết”.
Và rồi Tổng thống Trump rời Canada trước khi thượng đỉnh G-7 hạ màn để tới Singapore cùng lãnh đạo Bắc Hàn viết một “trang sử mới” cho bán đảo Triều Tiên và cho toàn thế giới. Trong khi những tổng thống Mỹ tiền nhiệm đã phớt lờ Bắc Hàn (và người dân bị bần cùng hóa của nước này), Tổng thống Trump tìm kiếm những nhượng bộ từ phía ông Kim Jong-un để thiết lập một mối quan hệ thân thiện hơn giữa hai nước.
Sau nhiều giờ làm việc với ông Kim và phái đoàn Bắc Hàn tại khách sạn Capella, đảo Sentosa, Singapore, cuối cùng ông Trump cùng với lãnh đạo Bắc Hàn đã ký tuyên bố chung, trong đó ông Kim cam kết phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên.
Chiến lược kết hợp ngoại giao, chế tài kinh tế và đe dọa quân sự đáng tin cậy của ông Trump đã đưa được ông Kim Jong-un vào bàn đàm phán. Tổng thống Mỹ đang đem lại hy vọng hòa bình và thịnh vượng cho nhân dân Bắc Hàn, cho bán đảo Triều Tiên, cho toàn thế giới và cũng là vì sự an toàn cho nước Mỹ, cũng là vì “Nước Mỹ trên hết”.
Tú Anh (Theo Daily Caller)
Xem thêm:
Từ khóa Donald Trump Nước Mỹ trước tiên