Mỹ cáo buộc TQ thao túng tự do tôn giáo qua công cụ tìm kiếm trực tuyến
- Minh Nhật
- •
Giới chức Mỹ cáo buộc Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) tìm mọi cách gây ảnh hưởng đến dư luận Mỹ bằng thủ đoạn không công chính, thông qua các công cụ tìm kiếm như Google, Bing, Yahoo, Ask và Duckduckgo.
Họp báo trước ngày Tự do Tôn giáo Quốc tế 26/10
Khi được hỏi về vai trò của Google trong hoạt động tuyên truyền cho ĐCSTQ làm sai lệch hồ sơ về vi phạm tự do tôn giáo và tấn công Pháp Luân Công, Đại sứ Sam Brownback, người phụ trách vấn đề Tự do Tôn giáo Quốc tế của Mỹ, đã đặt vấn đề vào bối cảnh lớn hơn. Ông cho biết, ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc đã trở thành mối quan tâm chính của Mỹ, có lẽ cần phản hồi từ Quốc hội hoặc Chính phủ.
“Tại Mỹ hiện đang nổ ra tranh luận gay gắt, từ giới công ty công nghệ đến các tổ chức thể thao. Tranh luận này rất mạnh mẽ. Những vấn đề này nên được nêu ra và thảo luận.” Ông Brownbuck đã phát biểu tại buổi họp báo ngày 25/10, trước ngày Tự do Tôn giáo Quốc tế (26/10) và ngày kỷ niệm 21 năm ban hành “Đạo luật Tự do Tôn giáo Quốc tế” năm 1998 (27/10). Đạo luật được thông qua nhằm hỗ trợ thúc đẩy tự do tôn giáo trong chính sách đối ngoại của Mỹ.
Ông Brownback nhấn mạnh: “Chúng tôi ủng hộ tự do ngôn luận, ủng hộ tự do tôn giáo. Chính phủ nên bảo vệ những quyền cơ bản này. Những nguyên tắc này cũng áp dụng cho các cá nhân và công ty tại Mỹ.” Ông cho rằng “thảo luận quyết liệt” là rất quan trọng để “tái khẳng định các nguyên tắc cơ bản này”, qua đó có thể thúc đẩy Quốc hội hoặc Chính phủ hành động mạnh mẽ hơn.
Tự do tôn giáo ở Trung Quốc
Theo khảo sát của các nhà nghiên cứu tại Trung tâm Thông tin Pháp Luân Đại Pháp (FDIC), chính quyền ĐCSTQ nỗ lực sử dụng công cụ tìm kiếm Google để gây ảnh hưởng đến công chúng Mỹ.
Ví dụ, khi người dùng tìm kiếm từ khóa “tự do tôn giáo ở Trung Quốc”, Google sẽ hướng dẫn người dùng trong khuôn mẫu “Câu hỏi cho người dùng” (People also ask). Trong khuôn mẫu này, Google thường liệt kê vấn đề phổ biến nhất, khớp với những gì công cụ tìm kiếm cho là câu trả lời đáng tin cậy nhất.
Một trong những vấn đề mà Google nêu ra là “Trung Quốc có tự do ngôn luận và tự do tín ngưỡng tôn giáo không?” Câu trả lời cho câu hỏi này là: “Hiến pháp năm 1982 cho công dân (Trung Quốc) quyền tin và không tin vào bất kỳ tôn giáo nào: công dân của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa được hưởng tự do tín ngưỡng tôn giáo.”
Khi tìm kiếm từ khóa “Pháp Luân Công” cũng xuất hiện vấn đề tương tự. Pháp Luân Công là thực hành tín ngưỡng tâm linh cổ xưa đã bị ĐCSTQ đàn áp tàn khốc. Người phát ngôn Trương Nhi Bình của FDIC cho biết, Google đã liệt kê câu hỏi “Pháp Luân Công có phải là Phật tử không?” Về vấn đề này, đáp án hàng đầu của Google là đưa người dùng đến trang web của chế độ ĐCSTQ lên án các bài tập thiền.
Người phát ngôn Trương Nhi Bình nhận định: “Điều này tương tự như hướng dẫn người dùng đến trang web của chủ nghĩa Quốc xã mới (Neo-Nazism) để hiểu những điểm chính của Do Thái giáo.” “Những khuôn mẫu giải đáp này hướng người dùng đến kết quả mà Google cho là khả tín nhất. Như vậy chẳng phải Google tin rằng ĐCSTQ có thẩm quyền nhất về chủ đề Pháp Luân Công và tôn giáo?”
Ông cho biết, gần đây Trung tâm Thông tin Pháp Luân Đại Pháp đã nêu vấn đề này với Google, nhưng vẫn chưa nhận được phản hồi.
Nhưng tại nước Anh, khi dùng Google tìm kiếm từ khóa “Pháp Luân Công” thì kết quả bao gồm cả trang web bị ĐCSTQ ngăn chặn, kết quả tìm kiếm này cũng tương tự ở Mỹ. Trong khi nếu tìm kiếm thực hiện bằng tiếng Trung Quốc, kết quả tìm kiếm nghiêng về quan điểm của ĐCSTQ. Ở một số trang đầu của kết quả tìm kiếm cho ra kết quả nghiêng về thông tin cung cấp từ các trang web thuộc phạm vi ĐCSTQ kiểm soát. Theo FDIC điều tra, mô hình này cũng xuất hiện tương tự trong một số công cụ tìm kiếm như Bing, Yahoo, Ask và Duckduckgo.
Mỹ tiếp tục gây áp lực đối với Bắc Kinh
Vài tháng qua, chính quyền Mỹ thời TT.Trump đã tiếp tục đẩy mạnh chỉ trích ĐCSTQ, vì ĐCSTQ đã giam giữ hơn triệu người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ trong cái gọi là “trại cải tạo” ở Tân Cương.
Đại sứ Brownback cho biết, Mỹ sẽ tiếp tục thúc giục Trung Quốc (ĐCSTQ) chấm dứt đàn áp người Hồi giáo và các cộng đồng tôn giáo khác như Kitô hữu, Phật giáo Tây Tạng và học viên Pháp Luân Công. Ông hy vọng những nỗ lực của Mỹ sẽ mang lại hiệu quả.
Ông nói: “Tôi hy vọng đến lúc nào đó người dân Trung Quốc sẽ thẳng thắn chia sẻ với chúng tôi và những người tại các vùng khác trên thế giới về thảm cảnh tự do tôn giáo tại Trung Quốc.”
Chính quyền TT.Trump xem tự do tôn giáo là vấn đề ưu tiên trong chương trình nghị sự năm nay tại Liên Hợp Quốc, và ĐCSTQ là mục tiêu chính. Ông Brownback cho biết, đây là lần đầu tiên tại Liên Hợp Quốc một quốc gia tổ chức sự kiện nhằm thúc đẩy tự do tôn giáo.
Gần đây, trong một bài phát biểu về chính sách đối với Trung Quốc, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence cũng bày tỏ lo ngại về vấn đề ĐCSTQ vi phạm nhân quyền và gây ảnh hưởng ngày càng tăng đối với giới doanh nghiệp Mỹ. Hôm 24/10 ông đã tuyên bố: “Hôm nay, Trung Quốc không chỉ (hàng năm) gây thương mại không công bằng đối với Mỹ thông qua lượng hàng xuất khẩu trị giá hàng trăm tỷ Đô la Mỹ, mà gần đây Trung Quốc đã nỗ lực xuất khẩu chế độ kiểm duyệt, đây là tiêu chí của ĐCSTQ.” Bắc Kinh lợi dụng lòng tham của doanh nghiệp để nỗ lực ảnh hưởng đến dư luận ở Mỹ và đe dọa các công ty Mỹ.
Ông Pence chỉ trích các công ty Mỹ như Nike và Hiệp hội Bóng rổ Quốc gia (NBA) đã hợp tác với ĐCSTQ.
Minh Nhật
Xem thêm:
Từ khóa google Pháp Luân Công Tự do tôn giáo Dòng sự kiện công cụ tìm kiếm trực tuyến