Mỹ chính thức bác bỏ yêu sách của Trung Quốc về Biển Đông
- Xuân Thành
- •
Theo hãng tin AP, hôm thứ Hai (13/7), chính phủ Mỹ đã chính thức phát đi tuyên bố bác bỏ gần như toàn bộ các yêu sách lãnh thổ chính của Trung Quốc đối với Biển Đông.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hôm 13/7 phát đi tuyên bố cho hay: “Các yêu sách của Bắc Kinh đối với các nguồn tài nguyên ngoài khơi hầu khắp Biển Đông là hoàn toàn bất hợp pháp, và chiến dịch bắt nạt để kiểm soát vùng biển này của họ cũng là bất hợp pháp”.
Mặc dù các quan chức Mỹ trước đây đã từng gọi các hoạt động của chế độ Trung Quốc tại vùng biển này là “bất hợp pháp”, nhưng tuyên bố nêu trên của Ngoại trưởng Pompeo đại diện cho sự phản đối chính thức của Mỹ về các yêu sách cụ thể của Bắc Kinh. Sự phản đối này của Washington phù hợp với phán quyết năm 2016 của tòa trọng tài quốc tế. Philippines đã thách thức các yêu sách của Trung Quốc tại Biển Đông và năm 2016, Manila đã đưa vụ tranh chấp lãnh hải này ra tòa án quốc tế.
Phán quyết mang tính ràng buộc của tòa án quốc tế đã bác bỏ các yêu sách hàng hải của Trung Quốc liên quan tới quần đảo Trường Sa và các bãi đá và bãi cạn liền kề. Tuy nhiên, chế độ Trung Quốc đã từ chối công nhận phán quyết này.
“Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa [PRC] không có căn cứ pháp lý để đơn phương áp đặt ý chí của họ lên khu vực này”, ông Pompeo nói.
Trung Quốc, Philippines, Việt Nam, Malaysia, Brunei và Đài Loan đều đưa ra yêu sách đối kháng tại Biển Đông. Trong đó, yêu sách của Bắc Kinh là lớn nhất, bao phủ hầu hết toàn bộ vùng biển này. Biển Đông là nơi giàu tài nguyên hải sản và khoáng sản có giá trị, cũng như là một trong những tuyến hàng hải chính của thế giới.
Ngoại trưởng Pompeo nhấn mạnh: “Thế giới sẽ không cho phép Bắc Kinh hành xử trên Biển Đông với tư cách đế chế hàng hải”.
“Chúng tôi sát cánh cùng cộng đồng quốc tế trong việc bảo vệ tự do trên biển và tôn trọng chủ quyền và bác bỏ mọi thúc đẩy áp đặt ‘lẽ phải thuộc về kẻ mạnh’ trên Biển Đông hoặc khu vực rộng lớn hơn”, ông Pompeo khẳng định.
Chế độ Trung Quốc trong những năm gần đây đã tìm cách thúc đẩy yêu sách của họ tại vùng biển chiến lược này thông qua việc xây dựng các tiền đồn quân sự trên các đảo nhân tạo và bãi đá. Ngoài ra, Bắc Kinh cũng triển khai nhiều tàu hải cảnh và tàu cá tới Biển Đông để bắt nạt các tàu thuyền nước ngoài, ngăn chặn tiếp cận các vùng biển, và chiếm đóng các bãi đá và bãi cạn.
Những hành động hung hăng của Bắc Kinh trong những năm qua đã gây ra nhiều vụ đụng độ nhỏ trên biển với Việt Nam, Philippines và Malaysia.
Trung Quốc cũng thường xuyên cho tàu thăm dò địa chất tới các vùng biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Philippines và Việt Nam.
Theo trang tin ANI (Asia’s Premier News Agency), các phần mềm theo dõi tàu biển cho thấy tàu Trung Quốc đầu tháng Bảy này lại xuất hiện tại Bãi Tư Chính và tiến sát đến giàn khoan Lan Tây của Việt Nam. Đây là lần đầu tiên tàu Trung Quốc vào sát các công trình trong vùng biển của Việt Nam, chỉ cách hơn 1 hải lý.
Tàu hải cảnh Trung Quốc mang số hiệu 5402 đã đi vào phạm vi 30 hải lý giàn khoan Việt Nam hôm thứ Hai (4/7). Theo RFA, trước đó chưa đầy một tuần, Trung Quốc cũng gửi tàu thăm dò tới Biển Đông, và hiện con tàu này đang đi tuần gần Lô 06.01, một khu vực khoan dầu mà Việt Nam đã ký hợp đồng thăm dò khai thác với Hãng Rosneft của Nga. Năm ngoái việc Việt Nam lên kế hoạch khai thác ở lô này đã khiến Trung Quốc gửi tàu hải giám trang bị vũ khí hạng nặng cùng với tàu thăm dò địa chất tới khiêu khích Việt Nam.
Cụ thể, con tàu 5402 rời cảng Tam Á tỉnh Hải Nam vào ngày 1/7, dừng lại ở Đá Xu Bi ngày 2/7, một trong những đảo nhân tạo lớn nhất của Trung Quốc ở Biển Đông. Tới sáng 4/7, tàu chạy với tốc độ cao 15 hải lý/giờ về hướng giàn khoan khai thác khí đốt Lan Tây của Việt Nam, một giàn khoan đã hoạt động ổn định từ nhiều năm qua.
Tới ngày 6/7, tàu hải cảnh Trung Quốc mang số hiệu 5402 đã tiến gần một giếng dầu thuộc mỏ Phong Lan Dại, giếng mà tập đoàn Rosneft của Nga khoan thăm dò hồi năm ngoái, và bị tàu Hải Dương 8 cùng các tàu hộ tống và cả máy bay của Trung Quốc thả bom sách nhiễu.
Đáp trả sự hung hăng của Trung Quốc tại Biển Đông, quân đội Mỹ đã thực hiện nhiều cuộc tuần tra tự do hàng hải và tập trận Hải quân trong vùng biển chiến lược này. Hải quân Mỹ khẳng định hoạt động của họ tại Biển Đông là để đối phó với yêu sách của Trung Quốc và duy trì tiếp cận các vùng biển mà Washington coi là thành tố tạo nên các vùng biển quốc tế.
Đầu tháng này, Mỹ đã điều hai hàng không mẫu hạm tới tập trận tại Biển Đông, cùng thời điểm với việc Trung Quốc tổ chức diễn tập tại vùng biển này.
Fox News xác nhận hai mẫu hạm USS Nimitz và USS Ronald Reagan cùng hai hạm đội hộ tống đã tập trận tại Biển Đông từ ngày 4/7, ngày Độc lập của Hoa Kỳ.
“Mục đích là để thể hiện một tín hiệu không mơ hồ đối với các đồng minh và đối tác của chúng tôi rằng chúng tôi cam kết gắn bó với nền an ninh và ổn định của khu vực”, Chuẩn Đô Đốc George Wikoff của mẫu hạm USS Ronald Reagan nói với tờ Wall Street Journal hôm 5/7.
Trong khi đó, từ ngày 1/7, Giải Phóng Quân Trung Quốc cũng tổ chức tập trận khoảng 1 tuần ở khu vực Quần đảo Hoàng Sa, đơn phương ra lệnh cấm tất cả tàu bè qua lại xung quanh khu vực này.
“Họ đã thấy chúng tôi và chúng tôi cũng thấy họ”, Reuters dẫn lời Chuẩn Đô Đốc James Kirk của mẫu hạm USS Nimitz.
Xuân Thành
Xem thêm:
Từ khóa yêu sách của Trung Quốc ở biển Đông biển Đông tranh chấp biển Đông Quan hệ Mỹ - Trung Mike Pompeo Dòng sự kiện