Mỹ cứng rắn hơn trên nhiều mặt sau vụ khinh khí cầu gián điệp Trung Quốc
- Tiêu Nhiên
- •
Sau sự cố khinh khí cầu gián điệp của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), Chính phủ, Quốc hội Mỹ và các đồng minh cân nhắc áp đặt các hạn chế chặt chẽ hơn để hạn chế tối đa cơ hội tiếp cận công nghệ phương Tây của Trung Quốc – những công nghệ vốn giúp nước này tăng cường sức mạnh quân sự và kinh tế.
Nói với tờ WSJ, cựu quan chức cấp cao CIA Mỹ là Martijn Rasser hiện đang làm việc tại Trung tâm An ninh Mỹ mới (Center for aNew American Security), một tổ chức nghiên cứu chính sách của Washington, cho biết cơ quan chức năng Mỹ nhấn mạnh những quả khinh khí cầu từ Trung Quốc chứa ăng-ten và cảm biến để thu thập thông tin tình báo và liên lạc, điều đó đã trở thành vấn đề nguy cơ cho an ninh quốc gia Mỹ, sự kiện tạo thêm động lực cho phe diều hâu Mỹ áp dụng những hành động cứng rắn hơn đối với Trung Quốc.
Mỹ phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa để răn đe
Vào lúc 11:01 tối (theo giờ Thái Bình Dương) ngày 9/2/2023, Lực lượng Không quân Mỹ từ Căn cứ Lực lượng Không gian Vandenberg ở California đã phóng một tên lửa đạn đạo liên lục địa Minuteman III (không trang bị vũ khí), mục đích để báo hiệu cho biết Mỹ đã luôn sẵn sàng với vũ khí hạt nhân – một động thái nhằm răn đe ĐCSTQ và Triều Tiên.
Căn cứ cho biết trong một thông báo hôm thứ Sáu (10/2): Thử nghiệm được phóng từ Căn cứ Lực lượng Không gian Vandenberg bang California, thời gian lúc 11:01 tối theo giờ Thái Bình Dương, đây là hoạt động “thường lệ” nhằm xác minh lực lượng răn đe hạt nhân của Mỹ là an toàn, đảm bảo và hiệu quả.
Tướng Thomas A. Bussiere chỉ huy Bộ Tư lệnh Tấn công Toàn cầu của Lực lượng Không quân Mỹ, cho biết: “Vụ phóng thử thể hiện cốt lõi sứ mệnh răn đe của chúng tôi trên trường thế giới, đảm bảo với đất nước chúng tôi và các đồng minh rằng vũ khí của chúng tôi có khả năng và không quân của chúng tôi đã sẵn sàng bảo vệ hòa bình toàn cầu ngay lập tức khi nhận lệnh”.
Quân đội Mỹ cho biết vụ phóng thử nghiệm tên lửa liên lục địa (ICBM) đã đi khoảng 4.200 dặm tới Đảo san hô Kwajalein ở Quần đảo Marshall, chứng minh “độ chính xác và độ tin cậy” của hệ thống ICBM Mỹ.
Biện pháp đối với nhà sản xuất khinh khí cầu Trung Quốc
Những năm gần đây, nhiều nhà phân tích an ninh quốc gia Mỹ đã không ngừng gióng lên hồi chuông cảnh báo về các hoạt động giám sát của Trung Quốc, nhưng ác cảm đối với Trung Quốc trở nên bùng nổ hơn khi công chúng Mỹ tận mắt chứng kiến mối đe dọa đáng kinh ngạc trong việc khinh khí cầu Trung Quốc xâm phạm không phận Mỹ.
Một loạt các cuộc họp báo và phiên điều trần ở Washington vào ngày 9/2 đã cho thấy áp lực chính trị chưa từng có mà chính quyền Tổng thống Biden phải đối mặt. Các nhà lập pháp của cả hai đảng chỉ trích chính quyền Tổng thống Biden vì đã chần chừ cả tuần mới bắn hạ khinh khí cầu do thám Trung Quốc. Cùng ngày, Hạ viện Mỹ đã bỏ phiếu 419:0 để nhất trí thông qua nghị quyết lên án khinh khí cầu của ĐCSTQ vi phạm chủ quyền nước Mỹ.
WSJ đã đưa tin rằng chính quyền Tổng thống Biden đang sẵn sàng đưa vào danh sách đen của Bộ Thương mại Mỹ khoảng 6 công ty do nhà nước Trung Quốc hậu thuẫn có liên quan đến kế hoạch khinh khí cầu.
Vào năm ngoái chính quyền Tổng thống Biden đã áp đặt các biện pháp kiểm soát xuất khẩu về thiết bị sản xuất chip tiên tiến đối với Trung Quốc, đầu tháng này lên kế hoạch tiến xa hơn cắt đứt hoàn toàn Huawei khỏi các nhà cung cấp của Mỹ.
Thư ký báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre cho biết vào ngày 9/2 rằng: “Mỹ sẽ đẩy mạnh hành động đối với các thực thể Trung Quốc có liên quan đến quân đội ĐCSTQ, những thực thể đó hỗ trợ các vụ xâm nhập không phận Mỹ bằng khinh khí cầu… Chúng tôi cũng sẽ nỗ lực hơn nhằm vạch trần và giải quyết các hoạt động giám sát lớn hơn của Trung Quốc gây ra mối đe dọa đối với an ninh quốc gia của Mỹ cũng như các đồng minh và đối tác của chúng tôi”.
Bước tiếp theo của Ủy ban Đặc biệt Hạ viện Mỹ về Cạnh tranh Chiến lược Mỹ-Trung Quốc
Thành viên cao cấp Benson của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) dự tính rằng trong tương lai, Ủy ban Đặc biệt Hạ viện Mỹ về Cạnh tranh Chiến lược Mỹ-Trung Quốc có thể thúc giục Quốc hội Mỹ thực hiện các biện pháp cứng rắn hơn. “Đối với Mỹ, đây có thể là thời điểm quan trọng để thực sự bắt đầu thấy tầm quan trọng của việc tấn công ĐCSTQ, đây là lĩnh vực chính sách mà họ nên tập trung vào”, bà Benson nói.
Bà nói rằng các nghị viên Quốc hội Mỹ sẽ cảm thấy áp lực từ công chúng Mỹ ngày càng tăng, qua đó đòi hỏi họ phải có lập trường cứng rắn hơn, điều này có thể buộc Nhà Trắng phải cứng rắn hơn với Bắc Kinh.
Nhiều người ủng hộ kiểm soát chặt chẽ hơn về xuất khẩu cũng đang thúc đẩy mở rộng phạm vi kiểm soát, trong đó bao gồm các ngành như trí tuệ nhân tạo.
Giới phân tích cũng dự đoán có thể Nhà Trắng chịu áp lực phải sớm đưa ra kế hoạch thẩm định lại nguồn đầu tư nước ngoài, qua đó để xem xét liệu có các mối đe dọa an ninh quốc gia tiềm ẩn từ ĐCSTQ trong các khoản đầu tư ra nước ngoài của Mỹ hay không.
Mỹ đã thông báo cho 40 nước về sự cố khinh khí cầu ĐCSTQ nhằm giám sát và thu thập thông tin tình báo. Bộ trưởng An ninh Tom Tugendhat của Vương quốc Anh cho biết hôm thứ Tư (8/2) rằng, đi cùng bối cảnh các đồng minh phương Tây xem xét mở rộng chính sách kiểm soát xuất khẩu đối với Trung Quốc, tất cả thương mại quốc tế của Anh với Trung Quốc phải được xem xét từ góc độ an ninh quốc gia.
Nhiều bang lên kế hoạch siết chặt giám sát đầu tư mua đất của người Trung Quốc
Ngoài ra, sự cố khinh khí cầu cũng khiến nhiều bang Mỹ thúc đẩy mạnh hơn việc lập pháp hạn chế công dân/thực thể Trung Quốc mua đất canh tác của Mỹ.
Tờ New York Times dẫn các nguồn tin chính thức cho biết ít nhất 11 bang của Mỹ đang lên kế hoạch điều chỉnh hoạt động đầu tư vào đất đai hoặc bất động sản của công dân nước ngoài, thông tin dẫn lời Thượng nghị sĩ Dân chủ Melissa Hurtado cho biết bang California đã thông qua luật như vậy.
Gần đây, Hội đồng thành phố Grand Forks bang North Dakota cũng đã bỏ phiếu bác bỏ kế hoạch của một công ty Trung Quốc xây dựng một nhà máy ngô trị giá 700 triệu USD gần một căn cứ quân sự.
Tuy nhiên từ trước đó, tháng 11/2022 nghị viên Lois Kolkhorst của phe Cộng hòa tại Thượng viện Texas đã đề xuất cấm công dân Trung Quốc, Nga và Triều Tiên mua đất ở bang này. Thống đốc Greg Abbott của Texas đã cam kết sẽ ký ban hành thành luật chính thức ngay sau khi dự luật được Thượng viện thông qua. Một trong những tiền đề của xu thế cảnh bảo này có thể kể như sự kiện năm 2021 có cựu sĩ quan quân đội ĐCSTQ (đã nghỉ hưu) là ông trùm bất động sản, ông Sun Guangxin (Tôn Quảng Tín) đã mua 130.000 mẫu đất gần căn cứ không quân của bang Texas để xây dựng một trang trại gió…
Theo dữ liệu từ Bộ Nông nghiệp Mỹ, các tổ chức và cá nhân nước ngoài kiểm soát chưa tới 3% đất nông nghiệp của Mỹ, trong đó yếu tố quan hệ với Trung Quốc kiểm soát chưa tới 1% (khoảng 340 km vuông). Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ, trong số 5 bang của Mỹ nhiều đất nông nghiệp nhất có yếu tố sở hữu của các thực thể mang yếu tố Trung Quốc thì 4 bang chưa có quy định hạn chế quyền sở hữu nước ngoài: North Carolina, Virginia, Texas và Utah.
Thống kê từ Hiệp hội Môi giới Bất động sản Quốc gia Mỹ cho thấy, từ tháng 3/2021 – 3/2022 đầu tư của Trung Quốc chiếm khoảng 6% giao dịch bất động sản do công dân nước ngoài thực hiện tại Mỹ, chủ yếu ở California, New York và Texas.
Từ khóa Khinh khí cầu đất nông nghiệp Mỹ Khinh khí cầu Trung Quốc