Mỹ lo ngại Trung Quốc ngày càng gây ảnh hưởng tại Trung Mỹ
- Minh Khuê
- •
Căng thẳng giữa Trung Quốc và chính phủ Trump không chỉ rõ ràng trong một cuộc chiến thương mại leo thang. Xung đột này cũng xuất hiện mạnh mẽ ở Trung Mỹ và vùng Caribê, tạo ra một hố ngăn cách mới trong mối quan hệ không ổn định và dễ thay đổi giữa Washington và các nước khu vực này.
Một tàu hàng Hồng Kông tại Panama hồi năm 2017.
Vào thời điểm quan hệ căng thẳng sâu sắc với Trung Quốc, Mỹ đã gửi những thông điệp mạnh mẽ thể hiện sự không hài lòng với ba quốc gia Trung Mỹ gồm Panama, El Salvador và Cộng hòa Dominica. Gần đây tất cả ba nước này đã cắt đứt quan hệ ngoại giao với Đài Loan và bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc.
Vào ngày kỷ niệm Hiệp ước Kênh đào Torrijos-Carter Panama — ngày 7 tháng 9 năm 2018 — Bộ Ngoại giao Mỹ đã triệu hồi Roxane Cabral – Đại sứ Mỹ tại Panama về nước. Đại sứ Mỹ tại Cộng hòa Dominica Robin Bernstein và Đại sứ tại El Salvador Jean Manes cũng bị triệu hồi về Washington D.C để tham vấn.
Theo thông cáo báo chí của Bộ Ngoại giao Mỹ, ba nhà ngoại giao nêu trên đã được lên lịch để “gặp gỡ các nhà lãnh đạo chính phủ Mỹ nhằm thảo luận các cách thức mà Washington có thể hỗ trợ các thể chế và các nền kinh tế mạnh mẽ, độc lập, dân chủ trên khắp Trung Mỹ và Caribê”. Điều này cho thấy Mỹ đang lo ngại rằng sự lớn mạnh của Trung Quốc tại khu vực này có thể làm suy yếu sự ổn định thể chế dân chủ của các quốc gia nơi đây.
Trung Quốc đang thắng thế ngoại giao tại Trung Mỹ
Một lĩnh vực mà chính phủ Trump quan tâm là ngày càng gia tăng các quốc gia phá vỡ quan hệ ngoại giao với Đài Loan và bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc. Bắc Kinh không chấp nhận quan hệ ngoại giao với bất kỳ nước nào công nhận Đài Loan – một hòn đảo tự trị 23 triệu dân nằm đối diện với bờ biển phía đông nam của Trung Quốc Đại Lục. Bắc Kinh xem Đài Loan là một tỉnh nổi loạn.
Đài Loan đã có quan hệ ngoại giao và kinh tế lâu dài ở Châu Mỹ, nhưng các quốc gia khu vực này đang có xu hướng chuyển dịch sang quan hệ với Bắc Kinh. El Salvador đã cắt đứt quan hệ với Đài Loan vào tháng Tám, Cộng hòa Dominica vào tháng Năm và Panama vào mùa hè năm ngoái. Với những thay đổi gần đây, Đài Loan chỉ còn duy trì quan hệ ngoại giao chính thức với 17 quốc gia.
Mặc dù Mỹ đã chuyển quan hệ ngoại giao chính thức từ Đài Bắc sang Bắc Kinh năm 1979 và tuân thủ chính sách ‘Một Trung Quốc’, nhưng Washington vẫn duy trì một đại sứ quán danh nghĩa ở Đài Loan với tên gọi là Viện Mỹ. Quan trọng hơn, Mỹ duy trì một liên minh chiến lược với Đài Loan, bao gồm cả việc bán vũ khí cho hòn đảo tự trị này và cam kết bảo vệ Đài Bắc trong trường hợp xung đột quân sự. Trong nhiều năm qua, Đài Loan là một thành phần quan trọng trong mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc.
Kênh đào Panama đang có nguy cơ bị Trung Quốc kiểm soát
Mỹ đang ngày càng lo ngại rằng chính phủ Panama đã thực hiện những nhượng bộ sâu rộng cho lợi ích của Trung Quốc dọc theo khu vực Kênh đào. Ước tính 43% hoạt động của khu vực kênh đào này nằm dưới sự kiểm soát của Trung Quốc.
Chính phủ Trump cũng không hài lòng về nhiều điểm trong hiệp định chung Trung Quốc-Panama về tài chính, hợp tác kinh tế, đường sắt và các ngành công nghiệp. Tổng thống Panama đang hoàn thành nhiều thỏa thuận trong hiệp định này mà không cần tham vấn ý kiến của cơ quan lập pháp Panama. Việc thiếu quá trình giám sát và dân chủ này cũng gây lo lắng cho một số doanh nghiệp và các lực lượng chính trị trong nội bộ Panama.
Các nhà phê bình về hiệp định Trung Quốc – Panama trong nội bộ quốc gia này tin rằng việc ngày càng gia tăng nợ Trung Quốc sẽ dẫn đến các nhóm lợi ích Trung Quốc xây dựng thêm một cảng neo đậu thứ tư trên kênh đào. Euclides Tapia, một giáo sư quan hệ quốc tế người Panama và là cựu quan chức chính phủ, lập luận rằng “họ đã tiến hành một nghiên cứu khả thi mà không có sự chấp thuận của bất kỳ ai. Nói cách khác, chúng tôi sẽ bị ngập trong nợ nần, và con kênh đó sẽ không phải là của Panama nữa cho đến khi chúng tôi trả hết nợ”.
Trung Quốc dùng công thức chung “bẫy nợ” để kiểm soát Trung Mỹ
Việc Trung Quốc thực hiện đòn bẩy nợ hàng tỷ USD để có được các tài sản quan trọng, thống trị kinh tế và ảnh hưởng chính trị ở Châu Á cũng đã khiến các nhà phê bình gióng lên hồi chuông cảnh báo về việc thực tế đó có thể lặp lại ở Trung Mỹ.
Một nghiên cứu gần đây của Đại học Harvard (Mỹ) đã phát hiện một xu hướng về các nước mắc nợ quá lớn để có thể trả lại đã cho phép Bắc Kinh “có được tài sản chiến lược hoặc ảnh hưởng chính trị đối với các nước mắc nợ họ“. Ngày càng gia tăng các cơ sở hạ tầng chính được xây dựng với các khoản vay Trung Quốc phải cho chế độ Bắc Kinh thuê trong thời gian 99 năm để giúp trả nợ. Các cơ sở hạ tầng này có thể sử dụng đa mục đích từ thương mại đến hậu cần vận tải và thậm chí cả quân sự.
Hiện tại chính phủ Panama đang nợ Trung Quốc rất nhiều. Mối lo ngại lớn của Mỹ là việc kiểm soát quyền tiếp cận vận chuyển xuyên quốc gia, một lợi ích địa chính trị chiến lược lâu dài. Mối đe dọa nhỏ hơn là khi địch thủ có thể kiểm soát kênh đào Panama, sẽ dẫn tới không thể bảo vệ cho lợi ích an ninh quốc gia của Mỹ. Viễn cảnh về con kênh đào có căn cứ quân sự của một quốc gia đối lập ở tây bán cầu có khả năng mở ra một cuộc khủng hoảng địa chính trị.
Ý định của Trung Quốc về việc xây một con kênh qua Nicaragua hiện đã được định tuyến. Các cân nhắc về tài chính và các vấn đề khác có đầy đủ nhưng vẫn chưa ngã ngũ về việc con kênh này sẽ do Trung Quốc sở hữu và kiểm soát. Mặc dù Trung Quốc từ lâu đã có các dự án khác, chẳng hạn như các tuyến đường sắt hiện đại và cơ sở hạ tầng giao thông khác để giúp thương mại xuyên quốc gia, nhưng họ vẫn coi việc xây một con kênh xuyên quốc gia là một ưu tiên chiến lược.
Khi Trung Quốc làm việc để đạt được mục tiêu của họ ở Châu Mỹ, căng thẳng với Mỹ có khả năng leo thang hơn nữa. Các biện pháp thương mại không ổn định và một loạt các xung đột khác đã làm trầm trọng thêm mối quan hệ đang xấu đi này. Sự chuyển hướng ngoại giao của các nước Trung Mỹ từ Đài Bắc sang Bắc Kinh và những cảnh báo gần đây đã khiến Mỹ có mối bận tâm mới về khu vực này và các nước Trung Mỹ khả năng sẽ có chiều hướng rời xa Mỹ để hướng tới Trung Quốc.
Theo The Epoch Times
Minh Khuê biên dịch
Xem thêm:
Từ khóa El Salvador Cộng hòa Dominica Quan hệ Mỹ - Trung Panama