Các báo cáo về sự xuất hiện của quân Bắc Triều Tiên trên lãnh thổ nước Nga đã kích phát tranh luận nảy lửa ở Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc hôm Thứ Tư, khi đại biểu các quốc gia phương Tây liên tiếp lên án và cho rằng đó là hành động vi phạm Hiến chương LHQ hay luật quốc tế, còn phe Nga khẳng định không phải như vậy. Sau nhiều ngày lùm xùm về vụ quân Bắc Triều Tiên, kỳ thực chưa có bất kỳ bằng chứng có tính thực chất nào cho thấy quân Bắc Triều Tiên xuất hiện tại chiến trường.

241030RussiaYars
Nga công bố hình ảnh bắn thử tên lửa xuyên lục địa RS-24 Yars trong khi diễn biến chiến tranh Nga-NATO đang trong tình trạng phức tạp vào tuần cuối cùng của bầu cử tổng thống Mỹ 2024 (ảnh trích từ mạng xã hội)

Đại biểu các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Slovenia, Anh, Mỹ, Malta, Mozambique, v.v. lần lượt lên án Nga và Bắc Triều Tiên. Theo các báo cáo của họ, Bắc Triều Tiên đã cho 10.000 quân tới Nga để tập luyện rồi, và có thể trong thời gian tới thì số quân này sẽ tham chiến, khiến chiến tranh leo thang.

Đại sứ của Mỹ tại LHQ, Robert Wood, đe dọa Bắc Triều Tiên nếu họ dám đặt chân lên lãnh địa Ukraine, điều mà ông gọi là “hành động liều lĩnh và nguy hiểm”.

Robert A. Wood: Một khi quân DPRK (Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên) tiến vào Ukraine để giúp Nga, họ chắc chắn sẽ trở về trong các túi đựng xác. Cho nên, tôi khuyên Chủ tịch Kim hãy nghĩ cho thật kỹ trước khi làm ra hành động liều lĩnh và nguy hiểm đó.

Đại sứ của Nga tại LHQ, Vasily Nebenzya, nói rằng tuyên bố quân Bắc Triều Tiên xuất hiện ở chiến trường là “nói dối trắng trợn” với mục đích đánh lạc hướng quốc tế.

Vasily Nebenzya: Các tuyên bố rằng quân Bắc Triều Tiên tại tiền tuyến của [Nga] không làm ai ngạc nhiên cả, bởi vì tất cả chúng đều là những lời nói dối trắng trợn. Họ đang tìm cách đánh lạc hướng khỏi các vấn đề thật sự nghiêm túc hiện đang đe dọa hòa bình và an ninh quốc tế. Chúng ta lại một lần nữa chứng kiến những lời than phiền từ Mỹ và các chư hầu của họ. Màn trình diễn hôm nay [của họ] chỉ có một mục đích. Đó là tìm cách biện minh sau khi sự việc đã diễn ra cho quyết định của chính họ gửi quân NATO tới để chống đỡ chế độ của tên độc tài đã lỗi thời ở Kiev.

Phía Nga lập luận rằng nếu phương Tây có các hợp tác liên minh với nhau, viện trợ Ukraine suốt thời gian qua, thì các nước của phe Nga cũng có thể làm như vậy. Hợp tác giữa Moskva và Bình Nhưỡng cũng không vi phạm Hiến chương LHQ hay luật quốc tế. Ông Nebenzya miêu tả lối lập luận của phương Tây là “có lỗ hổng về lô-gic” và được dùng để hạn chế các biện pháp mà Nga có thể dùng để tự vệ.

Sergiy Kyslytsya, Đại sứ của Ukraine tại LHQ, tuyên bố rằng không thể so sánh như vậy, bởi vì các nước phương Tây đang hỗ trợ Ukraine là các quốc gia không nằm trong các lệnh trừng phạt của LHQ. Trong khi đó Bắc Triều Tiên kể từ 2006 đang bị giới hạn bởi càng ngày càng nhiều các lệnh trừng phạt, để hạn chế tham vọng phát triển vũ khí hạt nhân của Kim Jong-Un.

Theo lập luận của phía Mỹ, thì việc Nga phụ thuộc ngày càng nhiều về quân sự vào Bắc Triều Tiên và Iran đã làm xói mòn các biện pháp trừng phạt của LHQ. Giải phóng năng lực hạt nhân của Bắc Triều Tiên và Iran, đến lượt nó, làm gia tăng nguy cơ hạt nhân, đe dọa sự ổn định của các khu vực liên đới.

Robert A. Wood: Chúng tôi đặt câu hỏi rằng Nga phải cung cấp những gì cho DPRK và Iran, để nhận được trợ giúp từ phía họ. Tối thiểu, chúng tôi biết rằng Nga đang ngăn chặn các hoạt động của Ủy ban Trừng phạt DPRK [của LHQ]. Mà Ủy ban là cơ chế phòng vệ tránh DPRK phát triển vũ khí hạt nhân. Sự phụ thuộc của Nga ngày càng nhiều về quân sự vào Iran và DPRK đang gia tăng nguy hiểm cho thế giới. Đặc biệt là sự gia tăng năng lực của DPRK và Iran đe dọa vùng Ấn Độ – Thái Bình dương và Trung Đông ở mức độ thảm họa (catastrophic level).

Cho đến hiện nay, Bắc Triều Tiên chưa hề chính thức xác nhận họ đã gửi quân tới Nga. Phương Tây nêu ra mối quan ngại rằng quân Bắc Triều Tiên có thể tham gia ở chiến trường Ukraine, gây leo thang đáng kể tính chất của cuộc chiến tranh này.

Bắc Triều Tiên tuyên bố rằng họ có quyền hành động, theo luật quốc tế, khi mà an ninh hay toàn vẹn lãnh thổ của mình bị đe dọa. Điều đó dẫn tới lập luận rằng có thể bất kỳ hành động quân sự nào của Bắc Triều Tiên đều sẽ được tính là biện pháp tự vệ. Phương Tây bày tỏ mối quan ngại về tiềm năng rằng quan hệ quân sự giữ Nga với Bắc Triều Tiên và Iran có thể gây nên các bất ổn trong khu vực.

Điều khoản phòng thủ chung giữa Nga và Bắc Triều Tiên khá tương tự với điều khoản của NATO. Các cuộc tấn công của Israel nhắm vào Gaza, và tiếp đó là Liban (Lebanon) và Iran, đều được Israel miêu tả là để tự vệ.

Nhật Tân