Tại hội nghị thượng đỉnh về khí hậu COP26 ở Glasgow, Trung Quốc và Mỹ đã ký một tuyên bố chung về vấn đề khí hậu đồng ý tăng cường hợp tác trong 10 năm tới. Động thái này đã khiến giới quan sát ngạc nhiên.

(Bài viết của nhà văn Hồng Kông Nghiêm Thuần Câu, thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả.) 

unnamed
Joe Biden và Tập Cận Bình (Ảnh: china-embassy.org)

Lý do chính là cách đây không lâu ông Ngoại trưởng Vương Nghị của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã cho biết vấn đề khí hậu chỉ có thể được thảo luận trong khuôn khổ chung của quan hệ Mỹ – Trung, Mỹ không thể yêu cầu Trung Quốc hợp tác trong vấn đề khí hậu trong khi vẫn tiếp tục đàn áp Trung Quốc trên các phương diện như ngoại giao và quân sự.

Thực ra yêu cầu của ĐCSTQ không quá đáng. Mỹ muốn đoàn kết các đồng minh để bao vây ĐCSTQ, phong tỏa về khoa học công nghệ và gây sức ép về quân sự, trong khi lại đòi ĐCSTQ hợp tác về khí hậu, như thế chẳng phải có vấn đề sao?

Nhưng chẳng phải chính sách của ông Biden với ĐCSTQ là “áp dụng linh hoạt hợp tác – cạnh tranh – đối đầu”? Như vậy là ông ấy đang làm đúng như tôn chỉ, nếu ĐCSTQ không chịu vào khuôn khổ thì ông Biden sẽ tìm mọi biện pháp để buộc phải vào.

Bây giờ Mỹ và Trung Quốc bất ngờ hợp tác, nguyên nhân vì ĐCSTQ đã từ bỏ lập trường trước đây hay vì Biden nhượng bộ để đổi lấy sự hợp tác?

Trước tiên mọi người chớ quên điểm mấu chốt: tuyên bố và hành động thực tế là hai điều khác nhau. Trước đây ĐCSTQ thậm chí vi phạm tuyên bố chung Trung-Anh, giờ đây tuyên bố chung về khí hậu cũng có thể như vậy. Vấn đề khí hậu đã có hiệu lực trong nhiều thập kỷ, những lời hứa suông hoặc hứa cho qua chuyện vốn là kỹ năng quen thuộc của ĐCSTQ. Lẽ nào Biden vẫn ngây thơ?

Trước đó Tập Cận Bình đã đưa ra biện pháp cắt giảm kép cứng rắn khiến cả nước Trung Quốc liêu xiêu, khi vấn đề thiếu điện và than xuất hiện thì đành phải buông lỏng. Vấn đề là, bất kể tuyên bố chung về khí hậu Mỹ-Trung là thật hay giả, Biden cần một tuyên bố như vậy để chứng minh rằng chính sách Trung Quốc của ông ấy là hiệu quả. Nửa năm cầm quyền của Biden đã bị đánh giá yếu kém, ông ấy đang rất cần cứu vãn hình ảnh và tuyên bố này ít nhất trong một thời gian có thể xua bớt bất bình của người dân.

Nhưng liệu tuyên bố này do ĐCSTQ chủ động đưa ra hay có được nhờ Biden thực hiện một cuộc trao đổi? Đây là điều gây tò mò!

Tình hình hiện tại là Mỹ đã đẩy ĐCSTQ vào chân tường, ngoại giao của ĐCSTQ hoàn toàn bị cô lập, địa vị quốc tế của Đài Loan đang được nâng cao nhanh chóng, sau này nếu Đài Loan tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Dân chủ Thế giới và được phương Tây ủng hộ cho gia nhập Liên Hiệp Quốc thì ĐCSTQ quá bẽ mặt.

Kinh tế trong nước Trung Quốc đang xu thế ảm đạm với tốc độ nhanh, nguồn lực tài chính cạn kiệt, các vấn nạn xã hội gia tăng, chất lượng sống người dân xuống cấp đến mức đang ở bờ vực của một cuộc khủng hoảng về quản trị. Trong bối cảnh khắc nghiệt này, nếu quan hệ Mỹ – Trung có thể được nới lỏng giúp áp lực bên ngoài giảm bớt, và vấn đề Đài Loan có thể được trì hoãn hết mức có thể, như vậy sẽ giúp ĐCSTQ giảm thiểu nguy cơ.

Để đạt được những lợi ích trước mắt này, con đường duy nhất là cải thiện quan hệ Mỹ – Trung, và để cải thiện quan hệ Mỹ – Trung thì bước đi khả thi là đáp ứng các yêu cầu của Biden về vấn đề khí hậu.

Liệu ĐCSTQ có đáp ứng kỳ vọng của Biden một cách vô điều kiện? Tất nhiên là không! Vậy thì ĐCSTQ thu được lợi gì từ Biden? Gần đây, Chính phủ Mỹ đã thông báo rằng một số mức thuế nhập khẩu sẽ được điều chỉnh trong cuộc đàm phán thương mại Mỹ – Trung, điều này có nghĩa là Mỹ sẽ nhượng bộ ĐCSTQ trên cơ sở chính sách thuế quan của thời ông Trump?

Khả năng này là có tồn tại, bởi vì việc áp thuế nhập khẩu đối với ĐCSTQ thực sự đã đẩy lạm phát ở Mỹ lên cao, người dân chịu áp lực, ông Biden muốn lấy lại niềm tin thì phải kiểm soát tốt lạm phát, nếu không mức tín nhiệm sẽ ngày càng thê thảm. Dự án đầu tư cơ sở hạ tầng trị giá 1000 tỷ đô la của Biden đã được Quốc hội thông qua, Mỹ sẽ đón cao trào về cơ sở hạ tầng, nhiều vật liệu cơ sở hạ tầng với số lượng lớn của Mỹ phụ thuộc vào nhập khẩu từ Trung Quốc, và thậm chí nhiều loại máy móc lớn liên quan cũng sẽ được nhập khẩu từ Trung Quốc, do đó giảm bớt một số thuế nhập khẩu sẽ có lợi cho Mỹ.

Mỹ và Trung Quốc không bao giờ có thể hoàn toàn cắt đứt các trao đổi. Đối với Mỹ, những gì có lợi thì làm, lợi ít thì làm ít, còn có hại thì Mỹ sẽ không làm, đây chính là “tam đoạn luận” hợp tác – cạnh tranh – đối đầu. Nhưng liệu từ đây mối quan hệ Mỹ-Trung có bắt đầu tan băng và tiến tới những triển vọng tốt đẹp như trước đây? Mặc dù ĐCSTQ mong đợi điều này, nhưng sẽ không bao giờ xảy ra.

Điểm mấu chốt của quan hệ Mỹ – Trung là sự đối lập về ý thức hệ, ĐCSTQ muốn giải phóng nhân loại bằng chủ nghĩa cộng sản, còn Mỹ phải bảo vệ lợi ích cốt lõi của các giá trị phổ quát, đây là mối quan hệ “bạn tiến thì tôi lùi”. Giữa Mỹ và Trung Quốc luôn đứng ở thế đối lập, nếu ĐCSTQ được lợi thì Mỹ chắc chắn sẽ bị thiệt hại, nhưng dường như Biden mơ hồ không thấy được vấn đề này.

Bận tâm lớn nhất đối với ĐCSTQ không phải là ngoại giao, không phải là phong tỏa công nghệ, mà là vấn đề Đài Loan. Liệu Mỹ có từ bỏ chuỗi đảo thứ nhất, từ bỏ việc phòng thủ Đài Loan, từ bỏ nêu cao vị thế quốc tế của Đài Loan, không quan tâm đến năng lực sản xuất chip công nghệ cao? Tất nhiên là không, nếu Mỹ không muốn tự hại chính mình.

Tóm lại, tuyên bố chung về khí hậu Mỹ-Trung chỉ là một cái khung trống rỗng, hai nước chỉ đang tạm thời diễn vở kịch hợp tác trên cơ sở lợi ích của mỗi bên mà thôi, sẽ không có tác động cơ bản gì đến tình hình chung của quan hệ Mỹ – Trung. Biden tiếp tục nửa tỉnh nửa mê, còn Tập Cận Bình thì tiếp tục giấc mơ làm hoàng đế, năm nay đã sắp hết, sang năm sẽ có thêm nhiều kịch hay hơn nữa.

Nghiêm Thuần Câu, Vision Times

(Bài viết thể hiện quan điểm của cá nhân nhà văn Nghiêm Thuần Câu, được tác giả đồng ý cho đăng lại từ trang Facebook của ông​​).

Xem thêm: