Mỹ trừng phạt thêm 4 quan chức Trung Quốc liên quan đến việc đàn áp tại Hồng Kông
- Gia Huy
- •
Hoa Kỳ đã ban hành các lệnh trừng phạt mới đối với 4 quan chức chính phủ Trung Quốc bị cáo buộc chịu trách nhiệm về việc đàn áp các nhà hoạt động ủng hộ dân chủ tại Hồng Kông. Với động thái này, Mỹ đã mở rộng thêm danh sách trừng phạt trước đây vốn bao gồm cả Đặc khu trưởng Carrie Lam nhằm phản đối việc Bắc Kinh áp đặt Luật An ninh quốc gia hà khắc lên Hồng Kông.
Hôm 9/11, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tuyên bố: “Cộng hòa Nhân dân (CHND) Trung Hoa và các quan chức ở Hồng Kông tiếp tục phá hủy nền tự trị và tự do đã hứa dành cho Hồng Kông thông qua các vụ bắt giữ có động cơ chính trị.” Các biện pháp trừng phạt mới nhất “liên quan đến việc thực hiện Luật An ninh Quốc gia do CHND Trung Hoa áp đặt lên Hồng Kông vốn đang đe dọa hòa bình, an ninh và quyền tự trị của Đặc khu”.
Những quan chức có tên trong lệnh trừng phạt mới nhất là ông Edwina Lau Chi-wai, lãnh đạo Ủy ban Bảo vệ An ninh Quốc gia Hồng Kông, cơ quan có nhiệm vụ xây dựng chính sách an ninh quốc gia; ông Li JiangZhou, phó giám đốc Văn phòng Bảo vệ An ninh Quốc gia Trung Quốc; và giám đốc cấp cao Lực lượng Cảnh sát Hồng Kông Steve Li Kwai-wah.
Ông Deng Zhonghua, phó giám đốc Văn phòng Các vấn đề Hồng Kông và Macau, một cơ quan cấp chính phủ trong chính quyền Bắc Kinh, giữ vai trò đại diện cho Bắc Kinh tại Hồng Kông, cũng có tên trong danh sách trừng phạt.
Giám đốc văn phòng này Lạc Huệ Ninh (Luo Huining) đã có tên trong danh sách trừng phạt trước đây do Bộ Tài chính Hoa Kỳ ban hành vào tháng 8, bao gồm 10 quan chức của Đặc khu và Trung Quốc đại lục, trong đó có bà Carrie Lam.
Ngày 1/11, cảnh sát Hồng Kông đã bắt giữ 7 nhà hoạt động đối lập, bao gồm 4 nhà lập pháp, với tội danh xúc phạm và gây trở ngại đối với các quan chức Hội đồng Lập pháp trong cuộc họp vào tháng 5.
Bảy người, bao gồm các nhà lập pháp Đảng Dân chủ Wu Chi-wai, Helena Wong Pik-wan và Andrew Wan Siu-kin, bị buộc tội làm gián đoạn cuộc họp của Ủy ban Hạ viện thuộc Cơ quan Lập pháp Hồng Kông vào ngày 8/5.
Cuộc họp rơi vào hỗn loạn khi 11 nhà lập pháp đối lập bị nhà lãnh đạo ủy ban thân Bắc Kinh Starry Lee Wai-king, vốn muốn kiểm soát ủy ban để bắt đầu thông qua các dự luật bị tồn đọng, đuổi ra khỏi cuộc họp. Đây là một động thái bất ngờ mà các nhà dân chủ chỉ trích là sự lạm dụng quyền lực. Tuy nhiên, sau đó bà được bầu lại làm Chủ tịch ủy ban.
Ông Pompeo cho biết các vụ bắt giữ “khiến Hoa Kỳ càng quyết tâm truy cứu trách nhiệm những nhân vật đang tích cực loại bỏ quyền tự do của người dân Hồng Kông và phá hủy quyền tự trị của Hồng Kông”.
Luật An ninh quốc gia do Bắc Kinh áp đặt lên Đặc khu đã có hiệu lực vào ngày 30/6. Theo luật này, các hành vi được xem là ly khai, lật đổ, khủng bố và cấu kết với lực lượng nước ngoài để đe dọa an ninh quốc gia sẽ bị trừng phạt với mức án lên đến tù chung thân.
Theo các lệnh trừng phạt do Văn phòng Kiểm soát Tài sản Nước ngoài của Bộ Tài chính Hoa Kỳ ban hành, tài sản ở Mỹ của các cá nhân và tổ chức trong danh sách trừng phạt sẽ bị phong tỏa, đồng thời người Mỹ và các doanh nghiệp Mỹ nói chung bị cấm giao dịch với họ
Phản ứng trước những động thái của Hoa Kỳ, Trung Quốc đã yêu cầu Mỹ chấm dứt “những động thái sai trái” đối với Hồng Kông. Phát ngôn viên bộ ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên tái khẳng định quan điểm của Bắc Kinh rằng các vấn đề của đặc khu Hồng Kông là vấn đề nội bộ trong nước Trung Quốc.
Trung Quốc đã phản ứng bằng các biện pháp trả đũa nhắm vào các Thượng Nghị sĩ Hoa Kỳ và các nhà hoạt động nhân quyền. Tuy nhiên, Bắc Kinh cho đến nay vẫn tránh nhắm vào các quan chức cấp cao của Nhà Trắng.
Gia Huy (theo SCMP)
Xem thêm:
Từ khóa Mỹ trừng phạt Trung Quốc Dòng sự kiện Luật An ninh quốc gia Hồng Kông