Mỹ tuyên bố gia hạn áp thuế quan bổ sung đối với Trung Quốc
- Văn Long
- •
Chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi đến Đài Loan đã gây ra sự trả đũa từ Bắc Kinh, và chính quyền Biden đã xem xét lại liệu có nên cắt giảm thuế quan đối với Trung Quốc hay không. Tuyên bố mới nhất do Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ đưa ra cho biết, sẽ gia hạn áp đặt thuế quan đối với Trung Quốc.
Vào ngày 2/9, theo giờ địa phương tại Mỹ, Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) cho biết, do nhận được hàng trăm yêu cầu từ các đại diện ngành nghề trong nước Mỹ để giữ lại các mức thuế bổ sung đối với Trung Quốc, do đó quyết định kéo dài thêm thời gian thu thuế bổ sung này, bước tiếp theo sẽ tiến hành quy trình xem xét lại, “hành động thuế quan không kết thúc”.
Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ đã thông báo trong một tuyên bố rằng thuế quan sẽ được giữ nguyên sau khi chính quyền nhận được yêu cầu chính thức từ đại diện của các ngành được hưởng lợi từ thuế quan đối với hàng hóa Trung Quốc.
Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ đã trưng cầu ý kiến vào tháng Năm và nhận được hàng trăm yêu cầu giữ nguyên mức thuế đã áp đặt.
Theo quy định pháp luật của Mỹ, thuế quan sẽ tự động hết hiệu lực sau 4 năm kể từ khi được áp đặt, trừ khi USTR nhận được yêu cầu từ người thụ hưởng để tiếp tục áp đặt thuế quan và đồng thời tiến hành phân tích hiệu quả và hậu quả của chúng. Vào ngày 6/7/2018, đương nhiệm Tổng thống Mỹ Trump khi đó đã lần đầu tiên áp đặt mức thuế 25% đối với hàng hóa nhập khẩu trị giá 34 tỷ USD của Trung Quốc.
Chính quyền Trump đã bắt đầu áp thuế đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc vào năm 2018 – 2019 nhằm đáp trả các hành vi thương mại không công bằng lâu nay của Trung Quốc như cưỡng bức chuyển giao công nghệ, đánh cắp tài sản trí tuệ. Bắc Kinh trả đũa ngay lập tức, châm ngòi cho cuộc chiến thương mại lớn giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Tuyên bố viết: “Hôm nay, USTR xác nhận rằng trong cuộc điều tra Mục 301 về hành vi, chính sách và cách làm của Trung Quốc liên quan đến chuyển giao công nghệ, sở hữu trí tuệ và đổi mới, đại diện của các ngành công nghiệp trong nước (Mỹ) được hưởng lợi từ hành động thuế quan đã yêu cầu tiếp tục thu thuế quan (đối với hàng hóa Trung Quốc). Do đó, theo yêu cầu của quy định pháp luật, thuế quan sẽ không kết thúc sau khi tròn 4 năm áp đặt. USTR sẽ tiến hành các công việc tiếp theo chiếu theo yêu cầu của các quy định.”
USTR cho biết, thông tin chi tiết về quá trình xem xét lại sau 4 năm sẽ được đưa ra trong một thông báo khác tiếp theo.
Tuyên bố nêu rõ vào tháng 5/2022, USTR đã bắt đầu quá trình xem xét 4 năm theo luật định và trưng cầu ý kiến công khai, có nghĩa là hành động tăng thuế quan có thể bị chấm dứt và thông báo cho các ngành khác nhau rằng họ có cơ hội yêu cầu tiếp tục áp đặt thuế quan bổ sung đối với Trung Quốc. “Hành động thuế quan chưa bị chấm dứt do nhận được yêu cầu tiếp tục thực thi và hành động thuế quan sẽ được USTR xem xét lại.”
Theo Bloomberg, quan chức từ văn phòng USTR, người đề nghị giấu tên, cho biết các mức thuế tiếp tục tương ứng với Mục 301 của Đạo luật Thương mại năm 1974. Tuy nhiên, quan chức này không cho biết Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ quyết định như thế nào đối với một đánh giá riêng biệt về thuế quan.
Bộ trưởng Thương mại Mỹ Raimondo trước đó đã nói với truyền thông rằng chính quyền Biden đã xem xét cách xử lý với các mức thuế áp lên Trung Quốc trong cuộc chiến thương mại Trung – Mỹ trong nhiều tháng qua.
Tuy nhiên, để phản đối chuyến thăm Đài Loan của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi, chính quyền Bắc Kinh đã liên tiếp thực hiện một số biện pháp trả đũa, gây căng thẳng giữa quan hệ Trung – Mỹ và tình hình eo biển Đài Loan.
Theo báo cáo của Reuters vào ngày 10/8, những người quen thuộc với vấn đề này cho biết, hành động của chính quyền Bắc Kinh đã gây ra một số hậu quả.
“Tôi cho rằng Đài Loan đã thay đổi mọi thứ.” Một nguồn tin nói với Reuters, chính quyền Biden không vội vàng thực hiện bất kỳ hành động nào được coi là leo thang căng thẳng hoặc biểu hiện chùn bước.
Theo các quan chức cấp cao của Nhà Trắng, ông Biden là người ra quyết định duy nhất. Trước khi tình hình ở eo biển Đài Loan thay đổi (ám chỉ các cuộc tập trận quân sự của ĐCSTQ), và cho đến nay, ông Biden vẫn chưa đưa ra quyết định và không loại trừ mọi lựa chọn.
Nguồn tin cho biết, còn có các yếu tố khác thúc đẩy tình hình càng thêm phức tạp. Ví dụ như khi Washington cân nhắc đến việc hủy bỏ một phần thuế quan đối với Trung Quốc, Washington yêu cầu Bắc Kinh có qua có lại, nhưng đã bị từ chối.
Nguồn tin cũng nói với Reuters, Mỹ đã gác lại ý tưởng đơn phương dỡ bỏ thuế quan, bởi vì Trung Quốc không cho thấy họ có ý định tuân theo các cam kết mua hàng được đưa ra trong thỏa thuận thương mại Mỹ – Trung giai đoạn 1.
Từ khóa chiến tranh thương mại Mỹ Trung quan hệ Mỹ - Trung Quốc Dòng sự kiện Mỹ áp thuế Trung Quốc