Nga cảnh báo kịch bản phương Tây đưa vũ khí hạt nhân tới Ukraine
- Anh Trần
- •
Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Quốc gia Nga Dmitry Medvedev hôm 26/11 đã lên tiếng cảnh báo rằng nếu phương Tây đưa vũ khí hạt nhân tới Ukraine thì Moskva có thể coi hành động đó tương đương với một cuộc tấn công vào Nga, tạo cơ sở cho một cuộc đáp trả bằng vũ khí nguyên tử.
Được biết, một số quan chức phương Tây giấu tên đã gợi ý rằng Tổng thống Mỹ Joe Biden có thể đặt vũ khí hạt nhân ở Ukraine, mặc dù có lo ngại rằng bước đi như vậy sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng. Theo nguồn tin, giới chức phương Tây cho rằng điều này sẽ được xem là biện pháp răn đe để đảm bảo an ninh cho Ukraine.
“Các chính trị gia và nhà báo Mỹ đang thảo luận nghiêm túc về hậu quả của việc chuyển giao vũ khí hạt nhân cho Ukraine”, ông Medvedev, người từng giữ chức Tổng thống Nga từ năm 2008 đến năm 2012, cho hay.
Ông Medvedev cho biết mối đe dọa chuyển giao vũ khí hạt nhân cho Ukraine có thể được coi là sự chuẩn bị cho một cuộc chiến hạt nhân chống lại Nga.
“Việc chuyển giao thực tế các loại vũ khí như vậy có thể được coi là sự đã rồi của một cuộc tấn công vào đất nước chúng tôi, theo học thuyết hạt nhân mới được cập nhật của Nga”, ông cho biết, viện dẫn mục 19 trong tài liệu.
Ông Medvedev lập luận rằng ý tưởng về việc “cung cấp vũ khí nguyên tử cho một quốc gia đang trong cuộc chiến với cường quốc hạt nhân lớn nhất” là điều rất vô lý.
Trong khi đó, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho rằng, ý tưởng đưa vũ khí hạt nhân tới Ukraine như biện pháp răn đe là rất cực đoan.
“Ngay cả những chính sách khiêu khích nhất nhằm leo thang căng thẳng cũng có khía cạnh cực đoan. Vì vậy, có lẽ, quan điểm này thuộc về phe cực đoan này”, ông nhấn mạnh.
Ông cho rằng đây là một ý tưởng hoàn toàn vô trách nhiệm từ những người không nắm bắt được thực tế. Ông Peskov cũng chỉ ra rằng những đề xuất như vậy đang được nêu ra một cách ẩn danh.
Kiev từ lâu đã lập luận rằng Washington và các đồng minh của họ có nghĩa vụ bảo vệ Ukraine vì Bản ghi nhớ Budapest năm 1994, trong đó Mỹ, Anh và Nga đã đưa ra các đảm bảo an ninh để đổi lấy việc loại bỏ các đầu đạn hạt nhân của Liên Xô cũ khỏi lãnh thổ Ukraine.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cũng không ít lần phàn nàn rằng Bản ghi nhớ Budapest vừa khiến Ukraine không có vũ khí hạt nhân để răn đe đối thủ, vừa mất an ninh. Tháng trước, ông Zelensky nói rằng để bảo đảm an ninh của chính mình, Ukraine sẽ cần phải gia nhập NATO hoặc cần có vũ khí hạt nhân. Trong khi đó, Nga cho rằng, cuộc đảo chính năm 2014 ở Ukraine với sự hậu thuẫn của phương Tây đã khiến bản ghi nhớ bị vi phạm.
Anh Trần
Video: 10 vụ án chấn động ở Trung Quốc
Từ khóa Phương Tây xung đột Nga - Ukraine Dmitry Medvedev vũ khí hạt nhân