Nga có 3 tên lửa nhắm vào Anh với tổng công phá 225.000 quả ở Hiroshima – Cựu nghị viên Anh
- Nhật Tân
- •
George Galloway chia sẻ trên mạng xã hội rằng Nga có 3 tên lửa “hoàn toàn không thể ngăn chặn” với “tên của [nước Anh] chúng ta viết trên đó.” Thông tin được chia sẻ sau khi Nga thử nghiệm và biểu diễn tên lửa đời mới “Oreshnik” lên một tổ hợp công nghiệp quân sự ở trung tâm Ukraine. Cuộc thử nghiệm được tiến hành với sự tự tin siêu cấp của Nga: Nga báo trước cho Mỹ 30 phút trước khi phóng tên lửa, sau đó toàn bộ NATO chỉ có thể nhìn tên lửa đánh trúng đích và không làm được gì. Sau đó Nga tuyên bố tiến hành sản xuất hàng loạt loại vũ khí này. Những leo thang chiến tranh Ukraine diễn ra vào thời điểm nhạy cảm khi Donald Trump, người hứa hẹn sẽ chấm dứt chiến tranh Ukraine bằng con đường đàm phán, sắp tái nhập Tòa Bạch Ốc.
George Galloway: Từ góc nhìn của Anh quốc, như thông tin mà tôi biết, có 3 quả tên lửa với tên của [nước Anh] chúng ta viết trên đó.
Chúng đặt ở cơ sở [quân sự] Kaliningrad, dưới lòng đất. Chúng có thể bắn tới Anh quốc chỉ trong không đầy 13 phút.
Như mọi người thấy trên các video, chúng hoàn toàn không thể ngăn chặn.
Chúng bay với tốc độ Mach 10 (tức là 3,74 km/s) Chúng không thể bị đánh chặn bởi bất kỳ thiết bị nào đã từng biết. Chúng là những tên lửa nhanh nhất mà hiện nay có thể có.
Không một hệ thống phòng chống tên lửa đạn đạo nào có thể chạm đến được chúng.
Mỗi tên lửa này tách ra 5 đầu đạn, mỗi đầu tách tiếp thành 15 đầu đạn hạt nhân. Mỗi đầu đạn hạt nhân có sức công phá hơn 1.000 lần quả bom nguyên tử đã được thả ở Hiroshima hay Nagasaki.”
George Galloway (70 tuổi) là chính khách Anh quốc, lãnh đạo Đảng Người Lao động Anh (WPB, Workers Party of Britain) từ năm 2019. Ông từng là nghị viên trong các năm 1987–2010, 2012–2015, và một vài tháng của năm 2024.
Cập nhật: Theo một phản hồi video mà ông Galloway đăng trên mạng nói trên, một cư dân mạng viết rằng trong vụ Nga bắn thử nghiệm vào Dnipro, tên lửa siêu thanh Oreshnik khi sắp tới đích, nó lao trở lại tầng khí quyển bên dưới và tách ra làm 6 phần, sau đó mỗi phần đó lại tách tiếp ra làm 24 đầu đạn. Tổng cộng 144 đầu đạn này đều bay với tốc độ Mach 10. Nếu là đánh thật, rất có thể Nga chỉ đặt 1 đầu là mang hạt nhân, còn các đầu khác là để nhiễu loạn hệ thống phòng không, có thể chứa chất nổ thông thường hoặc không.
Vụ thử tên lửa tự tin của Nga
Ngũ Giác Đài đã được Nga thông báo 30 phút trước khi bắn tên lửa đạn đạo tầm trung (IRBM) vào Ukraine.
“Mỹ đã được thông báo trước một thời gian ngắn trước khi phóng thông qua các kênh Giảm thiểu Rủi ro Hạt nhân,” người phát ngôn Lầu Năm Góc Sabrina Singh xác định khi trả lời phóng viên trong cuộc họp báo hôm Thứ Năm.
Thời điểm đó, NATO chỉ biết là Nga sẽ bắn tên lửa, nhưng không biết đó là IRBM, có lẽ tưởng đó là tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM). Họ chỉ biết rằng bắn vào Ukraine, cho nên không phải lo lắng sẽ bắn vào quốc gia nào đó, nhưng không biết được bắn vào địa điểm nào trong lãnh thổ Ukraine.
Thậm chí họ cũng không biết được Nga có dùng đầu đạn hạt nhân hay không.
Châu Âu không được thông báo, và bị bất ngờ.
Vậy là nếu Nga đúng là dùng đầu đạn hạt nhân tấn công Ukraine, thì NATO đã bó tay, chỉ có thể nhìn.
Hiện có nguồn tin nói rằng Nga đã dùng đầu đạn thông thường trong cuộc thử nghiệm tên lửa này, có nguồn tin nói rằng Nga đã dùng đầu tích điện thay cho đầu đạn hạt nhân, để nó phát sáng khi tấn công, để nhìn cho rõ.
Hậu quả của quả tên lửa này, theo các tấm hình lưu hành trên mạng xã hội được trích ra dưới đây chỉ ra, các hư hại là do sức chấn ép của tốc độ siêu thanh tạo nên, không chắc là do phát nổ của một quả bom:
So, that’s what you wanted?
Well, you’ve damn well got it!
A hypersonic ballistic missile attack pic.twitter.com/lsKQHhMnif
— Dmitry Medvedev (@MedvedevRussiaE) November 21, 2024
Truyền thông Nga miêu tả về Oreshnik
Trong khi chưa có các thông tin rõ hơn từ Tây phương, truyền thông Nga cung cấp một số thông tin về loại tên lửa mới này.
- Đây là loại tên lửa mới, không phải nâng cấp. Đây là khác với một số tuyên bố rằng đây là phiên bản nâng cấp từ một model nào đó có từ thời Liên Xô.
- Tốc độ và chính xác. Nga cho hay đây là tên lửa siêu thanh, tốc độ Mach 10 (12.200 km/h hoặc 3,74 km/s), tức là khoảng 10 lần tốc độ âm thanh. Độ chính xác đã được kiểm chứng qua lần phóng tên lửa vào Ukraine hôm Thứ Năm.
- Sản xuất hàng loạt. Nga tuyên bố đã và đang sản xuất hàng loạt tên lửa này, như vậy, có thể nó sẽ trở thành một cấu thành trong hệ thống quốc phòng chiến lược của Nga.
Năm 2002, Mỹ đã đơn phương rút khỏi Hiệp ước Chống tên lửa Đạn đạo. Sự mở rộng NATO đã dẫn tới việc Mỹ đặt các tên lửa từ các quốc gia NATO nhắm vào Nga trong quá trình NATO mở rộng.
Diễn biến leo thang chiến tranh
Vấn đề dùng vũ khí tầm xa đánh sâu vào lãnh thổ Nga đã được truyền thông phương Tây đề cập tới vào mấy tháng trước.
Hồi tháng 9, Nga tuyên bố rằng các tên lửa tầm xa do NATO sản xuất là không thể điều khiển bởi nhân sự của Ukraine. Tên lửa này phải được lập trình tuyến đường bay, và dựa vào hệ thống vệ tinh, thì mới vận hành được, mà cả 2 điều đó đều không phải là năng lực mà Ukraine sở hữu. Nga lập luận rằng, một khi cho phép tên lửa tầm xa tấn công Nga, thì Nga sẽ coi đó là NATO trực tiếp tham chiến.
Cuối tháng 9, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky sang Mỹ, và trong các yêu cầu mà ông ta đề đạt, có khoản là muốn được phép dùng tên lửa tầm xa để tấn công vào lãnh thổ Nga, với lập luận rằng nó có thể là một nhân tố để đảm bảo an ninh cho Ukraine.
Chính quyền Biden không có bất kỳ thông báo nào nói rằng họ chấp thuận yêu cầu này của Kiev.
Các bình luận độc lập về chiến tranh, trong đó có giáo sư John Mearsheimer của Đại học Chicago Mỹ, chỉ ra rằng bản thân vũ khí tầm xa là không thay đổi được kết cục của chiến tranh Ukraine. Bởi vì đây là chiến tranh tiêu hao truyền thống, khi mà 80% thương vong ở chiến trường là các loại pháo như pháo cối, chứ không phải bằng vũ khí chiến lược như tên lửa tầm xa. Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin cũng đưa ra lập luận như vậy.
Ngày 5/11, kết quả bầu cử cho thấy Donald Trump đắc cử với chiến thắng áp đảo.
Ông Trump, trong quá trình vận động tranh cử đã nhiều lần tuyên bố ông sẽ chấm dứt chiến tranh Ukraine bằng con đường đàm phán trong thời gian nhanh nhất, thậm chí chỉ 24 giờ sau khi đắc cử.
Hồi năm 2016, khi ông Trump bất ngờ đắc cử, thì chính quyền Obama cũng đã có các hoạt động gây khó dễ cho ông, kể cả từ trước khi ông vào nhiệm sở. Trong khi vận động tranh cử lúc bấy giờ, ông Trump đã tuyên bố sẽ tìm cách hòa hảo với Nga, trong chiến lược chung hòa Nga đấu Trung của ông, khi ông coi Trung Quốc mới là đối thủ nghiêm trọng nhất của nước Mỹ.
Cuối tháng 12/2016, chính quyền Obama trục xuất 35 nhà ngoại giao Nga, với lý do mà họ gọi can thiệp bầu cử tổng thống Mỹ 2016. Họ đã đầu độc hóa quan hệ Mỹ-Nga. Hoạt động cánh tả Mỹ làm khó ông Trump đã kéo dài suốt nhiệm kỳ của ông, và lại tiếp tục khi ông tranh cử tổng thống đến nay.
Lần này, chính quyền Biden có hàng loạt các hoạt động leo thang chiến tranh. Trong đó có quyết định gấp rút chuyển vũ khí cho Kiev, cho phép dùng mìn sát thương vốn đã coi là bị cấm bởi các luật quốc tế, và cho phép Kiev dùng vũ khí tầm xa để bắn vào lãnh thổ Nga.
Những quyết định này được đưa ra sau khi ông Trump đắc cử. Ông Trump muốn giữ uy tín của mình, điều ông rất cần như một tổng thống một cường quốc, thì phải giữ lời hứa với các cử tri, phải chấm dứt chiến tranh Ukraine, muộn nhất là trước khi vào nhiệm sở ngày 20/1/2025.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tuyên bố rằng “hãy để các tên lửa tự lên tiếng” và các tên lửa được bắn chỉ ngay 1 ngày sau khi truyền thông Mỹ tuyên bố ông Biden đã đồng ý cho phép dùng vũ khí tầm xa tấn công vào lãnh thổ Nga. Mặc dù trong những ngày đó, Bộ Ngoại giao Mỹ từ chối khẳng định hay phủ định việc ông Biden có đúng là đã ra quyết định đó hay không.
Lượt đầu là dùng 6 tên lửa ATACMS của Mỹ vào hôm Thứ Hai, và lượt sau là Storm Shadow của Anh vào hôm Thư Ba tấn công vào lãnh thổ Nga.
Nga đáp trả vào đêm Thứ Tư rạng sáng Thứ Năm bằng tên lửa siêu thanh Oreshnik. Nga coi tấn công này như một cuộc thử vũ khí.
Tiếp đó, Nga tuyên bố sẽ tiếp tục thử vũ khí mới này.
Các vũ khí chiến lược này không phát huy tác dụng lớn ở chiến trường Ukraine, và chi phí của chúng quá đắt đỏ. Chúng là vũ khí chiến thuật.
Theo một báo cáo gần đây của BBC, báo cáo sau khi Kiev đã tiến hành vũ khí tầm xa bắn vào lãnh thổ Nga, cho rằng chiến tuyến của Ukraine có thể sẽ sụp đổ, kể cả chiến tuyến phía Đông (tại Donbass) và chiến tuyến ở tỉnh Kursk.
Phản ứng từ phương Tây
Hiện nay NATO cho hay họ triệu tập họp khẩn vào Thứ Ba tuần tới về việc này.
Một số truyền thông phương Tây trấn an dân chúng, ví như CBS News cho rằng Nga cùng lắm chỉ có vài quả tên lửa đem ra hù thôi. Mặc dù thừa nhận rằng mỗi quả Oreshnik sẽ tung ra nhiều đầu đạn với vùng che phủ lên thậm chí lên tới hàng ngàn dặm. Phản hồi của hầu hết khán giả là không tin. Hồi Nga mới tiến quân vào Ukraine thì truyền thông Tây phương nói Nga thiếu vật liệu làm vũ khí, đến nỗi phải nhổ chip từ máy giặt và lò nướng, thậm chí phải dùng đến xẻng để chiến đấu. Kết quả là năm 2023 hàng núi xe tăng thiết giáp mà NATO đổ vào chiến trường Ukraine nay đã mất tiêu rồi.
France 24 phỏng vấn chuyên gia chiến tranh, khẳng định rằng dù có vũ khí tầm xa thì Nga cũng không thể chiến thắng nếu phương Tây không rút lui, miêu tả rằng Nga phải dùng tới vũ khí tên lửa Oreshnik là bởi vì Nga đã tuyệt vọng trên chiến trường rồi.
Nhật Tân
Từ khóa Vladimir Putin Dòng sự kiện vũ khí siêu thanh Recommend Chiến tranh Nga - Ukraine Oreshnik IRBM