Nga sẽ yêu cầu Mỹ dỡ bỏ trừng phạt trong cuộc gặp Putin – Trump
- Yên Sơn
- •
Hai nhà lãnh đạo Nga – Mỹ sẽ có cuộc gặp trực tiếp lần đầu tiên vào thứ Bảy (8/7) bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Đức. Tổng thống Vladimir Putin đã lên nghị trình làm việc với người đồng cấp Hoa Kỳ, trong đó sẽ yêu cầu Tổng thống Donald Trump sớm dỡ bỏ lệnh trừng phạt và cho phép Nga mở lại hai khu phức hợp ngoại giao – vấn đề mà điện Kremlin cảnh báo rằng sự kiên nhẫn của Moscow đang cạn dần.
Cố vấn đối ngoại của Putin, ông Yuri Ushakov cho hay chính quyền Nga đã biểu hiện “sự linh hoạt bất thường” khi không tiến hành trả đũa ngoại giao với Mỹ sau khi Tổng thống Obama quyết định tịch biên hai khu phức hợp ngoại giao của Nga ở New York và Maryland, đồng thời trục xuất 35 nhà ngoại giao Nga hồi tháng 12/2016 như là biện pháp trừng phạt sự can thiệp của Moscow vào cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ 2016.
Tổng thống Trump hứa hẹn sẽ có một tuần làm việc bận rộn tại Châu Âu
Nhà Trắng cũng đã thông báo đang xem xét việc trả lại khu phực hợp ngoại giao cho Nga nhằm nỗ lực cải thiện mối quan hệ với Moscow. Các khu phức hợp này, Nga công bố sử dụng làm những địa điểm giải trí đơn thuần, nhưng đã từ lâu các cơ quan tình báo Hoa Kỳ ngờ rằng đó là các căn cứ gián điệp của điện Kremlin. Trong vài ngày gần đây, các quan chức Nga đã cảnh báo rằng các biện pháp trả đũa đã được vạch ra và sẵn sàng áp dụng nếu các khu phức hợp nêu trên không được trả lại.
Trong một tuyên bố phát đi hôm thứ Hai (3/7), điện Kremlin nói rằng Tổng thống Putin sẽ đưa vấn đề này ra trao đổi với Tổng thống Trump khi hai nhà lãnh đạo gặp nhau vào thứ Bảy (8/7) tại Hamburg, Đức, nơi diễn ra Hội nghị thượng đỉnh G20. Tuyên bố này cho biết Kremlin hy vọng ông Putin sẽ chuyển tải nhu cầu tìm “giải pháp nhanh nhất” cho vấn đề các khu phức hợp ngoại giao này, vốn vẫn được coi là “chất kích thích” trong mối quan hệ Nga – Mỹ thời gian qua.
Cuộc gặp gỡ đầu tiên của hai nhà lãnh đạo đang được chờ đợi rất nhiều khi nó diễn ra trong bối cảnh các cuộc điều tra cáo buộc có sự thông đồng giữa các thành viên trong chiến dịch tranh cử của ông Trump với các quan chức Nga vẫn tiếp diễn và mối quan hệ giữa Moscow và Washington được đánh giá đang ở mức tồi tệ nhất kể từ Chiến tranh Lạnh.
Trong nhiều tháng qua đã dấy lên các đồn thổi, dự đoán về những điều mà các vị tổng thống sẽ trao đổi khi gặp nhau trực tiếp. Sau khi cuộc gặp được chính thức xác nhận vào tuần trước, Nhà Trắng vẫn không đưa ra các chi tiết về những gì sẽ được ông Trump thảo luận với ông Putin tại Đức.
Cố vấn anh ninh quốc gia Mỹ ông H.R. McMaster tuần trước có trao đổi với phóng viên rằng: “Không có lịch trình gì đặc biệt cả. Tổng thống sẽ nói về bất cứ điều gì ông ý muốn”.
Tuy vậy, ông McMaster cũng tiết lộ rằng các quan chức chính quyền Trump đã được giao nhiệm vụ đưa ra các lựa chọn để đối phó với Nga về “hành vi bất ổn”, trong đó có các hoạt động lừa đảo, tấn công trên mạng và lật đổ chính trị, cũng như tìm kiếm cách hợp tác về các vấn đề như Syria và Bắc Triều Tiên.
Về phía Kremlin, trong tuyên bố hôm thứ Hai (3/7), họ đã đưa ra các chi tiết cụ thể hơn, bao gồm một danh sách các lĩnh vực mà chính quyền Nga tin rằng có thể trao đổi với Hoa Kỳ. Các vấn đề hàng đầu được liệt kê để thảo luận là sự không hài lòng của Nga với các biện pháp trừng phạt của Hoa Kỳ, mong muốn hợp tác về khủng bố quốc tế, cuộc khủng hoảng Syria và cải thiện các nỗ lực kiểm soát vũ khí hạt nhân.
Hầu hết các vấn đề này đều giống với những gì mà Kremlin thường bàn thảo với chính phủ của cựu Tổng thống Barack Obama. Tuyên bố của Kremlin cũng nhấn mạnh rằng Moscow mong muốn nối lại quan hệ bình thường với Washington.
Điện Kremlin cho hay có “tiềm năng đáng kể cho các nỗ lực hợp tác. Hai nước chúng ta có thể cùng nhau giải quyết các cuộc khủng hoảng khu vực”, trong đó có Ukraine, Libya và xung đột Israel-Palestine. Tuyên bố cũng cho biết Nga rất mong muốn khôi phục các liên kết kinh doanh với Hoa Kỳ.
Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov hôm thứ Sáu (30/6) nói với hãng thông tấn Interfax rằng ông hy vọng cuộc gặp Putin – Trump sẽ cho phép minh bạch mối quan hệ hai nước và cảnh báo rằng các bên không tìm cách bình thường hoá quan hệ trong dịp này sẽ là một “sai lầm to lớn”.
Tuy nhiên, ngoài việc có thể khôi phục lại các khu phức hợp ngoại giao của Nga tại Mỹ, các vấn đề khác mà hai vị tổng thống có thể trao đổi và đặt yêu cầu cho nhau là không rõ ràng. Trong nhiều lĩnh vực, lợi ích của Nga và Mỹ từ trước đến nay là chồng chéo nhau và dường như không có sự thay đổi dưới thời ông Trump.
Về Syria, hai nước đã thường xuyên đụng độ nhau. Tháng trước, một chiếc máy bay chiến đấu của Mỹ đã bắn hạ một chiến đấu cơ của quân đội chính phủ Syria do Nga hậu thuẫn.
Nhà Trắng cũng nói rằng các lệnh trừng phạt Nga sẽ không được dở bỏ nếu Moscow không rút quân khỏi lãnh thổ Crimea. Ngoài ra, Thượng viện Mỹ cũng đang vạch ra nhiều biện pháp trừng phạt hơn nữa vì cáo buộc Kremlin can thiệp vào bầu cử Hoa Kỳ.
Chuyên gia phân tích chính trị tại Moscow, Maria Lipman nhận định rằng: “Tôi nghĩ chúng ta không nên hy vọng bất kỳ sự đột phá nào. Chúng ta không nên hy vọng có thể đạt được bất kỳ kết quả đáng kể nào từ cuộc gặp này. Ngay cả việc khởi xướng các giải pháp cho các vấn đề chính”.
Yên Sơn
Xem thêm:
Từ khóa Donald Trump Vladimir Putin Quan hệ Mỹ - Nga