Ngân hàng Thế giới công bố gói hỗ trợ 2 tỷ USD giúp tái thiết Ukraine
- Phan Anh
- •
Hôm 15/12 vừa qua, Ngân hàng Thế giới (WB) đã công bố gói hỗ trợ trị giá 2 tỷ USD dành cho khu vực tư nhân của Ukraine. Đây được xem là một trong những nỗ lực nhằm mở đường cho công cuộc tái thiết quốc gia ở khu vực Đông Âu này sau cuộc xung đột với Nga.
Gói hỗ trợ trên do Công ty Tài chính quốc tế (IFC), đơn vị hoạt động trong lĩnh vực đầu tư tư nhân ở các thị trường mới nổi của WB, triển khai thực hiện. Gói hỗ trợ này sẽ bổ sung thêm vào các khoản viện trợ trước đó của WB dành cho Ukraine. Hiện IFC đang triển khai các biện pháp nhằm giúp Ukraine duy trì dòng chảy thương mại cũng như khả năng tiếp cận các nguồn cung thiếu yếu như lương thực và nhiên liệu.
Trong bối cảnh vẫn đang xảy ra xung đột và ở giai đoạn tái thiết ban đầu, chương trình hỗ trợ mới của IFC sẽ tập trung vào việc đảm bảo khả năng tiếp cận các loại hàng hóa và dịch vụ thiết yếu, hỗ trợ khẩn cấp cho lĩnh vực kinh doanh nông nghiệp và tài trợ thương mại, trong đó có nhập khẩu nhiên liệu. Theo IFC, gói hỗ trợ trên do IFC đóng góp 1 tỷ USD, phần còn lại phụ thuộc vào sự đảm bảo tài trợ của các nước.
IFC triển khai gói hỗ trợ trên khi cho rằng xung đột đã khiến cơ sở hạ tầng ở Ukraine bị hư hỏng và làm gián đoạn hoạt động của khu vực tư nhân vốn đóng góp tới 70% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Số liệu của Ngân hàng trung ương Ukraine cho thấy khoảng 11% doanh nghiệp ở nước này đã phải đóng cửa tính đến tháng 9 năm nay, trong khi hơn 50% số doanh nghiệp hoạt động dưới công suất. IFC cho rằng nhiều công ty đang tiếp tục cung cấp việc làm cũng như dịch vụ và hàng hóa thiết yếu nhưng vẫn cần tài chính để tiếp tục hoạt động.
Ở một diễn biến khác, cùng ngày, Liên minh châu Âu (EU) đã thông qua gói trừng phạt tiếp theo nhằm vào Nga. CH Séc, nước đang giữ chức Chủ tịch luân phiên EU, cho biết đại sứ các nước thành viên EU đã nhất trí về nguyên tắc đối với gói trừng phạt thứ 9 nhằm vào Nga liên quan đến cuộc xung đột ở Ukraine. Các quan chức ngoại giao EU đạt được sự đồng thuận này bên lề hội nghị thượng đỉnh EU đang diễn ra tại Brussels, Bỉ.
Trước đó, Ủy ban châu Âu (EC) hôm 7/12 đã đề xuất gói trừng phạt thứ 9 đối với Nga, trong đó đưa thêm gần 200 cá nhân và thực thể vào danh sách đen. Với gói trừng phạt mới này, EU muốn áp đặt lệnh cấm cung cấp thiết bị bay không người lái cho Nga và Iran, đồng thời ban hành thêm các biện pháp trừng phạt kinh tế tiếp theo đối với lĩnh vực khai khoáng của Nga.
Cũng trong ngày 15/12, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết nước này đã quyết định áp đặt trừng phạt thêm hơn 30 cá nhân Nga, trong đó có lãnh đạo chính quyền và thành viên Ban Giám đốc Công ty đường sắt Nga như Phó Thủ tướng thứ nhất Andrey Belousov, Phó Thủ tướng Dmitry Chernyshenko, Giám đốc điều hành Công ty đường sắt Nga Oleg Belozerov… Ngoài ra, Bộ Tài chính Mỹ cũng công bố lệnh trừng phạt đối với 17 công ty con của ngân hàng VTB. Ngân hàng thuộc Nga này cũng đang bị trừng phạt từ tháng 2/2022.
Phan Anh
Từ khóa xung đột Nga - Ukraine tái thiết Ukraine